Dùng công nghệ để đẩy lùi các hành vi lừa đảo trên không gian số
Công nghệ vô tình lại là công cụ tiếp tay cho lừa đảo
Lừa đảo từ lâu đã là vũ khí ưa thích của tin tặc trong thế giới mạng. Nó đóng vai trò là khúc dạo đầu cho các cuộc tấn công khác nhau, cho phép đánh cắp thông tin xác thực, xâm nhập cơ sở hạ tầng và làm gián đoạn hoạt động.
Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) vừa là công cụ hỗ trợ con người những cũng vô tình tiếp tay cho kẻ xấu thực hiện mưu đồ xấu. Ảnh minh họa |
Ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022. Qua các vụ án lừa đảo công nghệ cao, Bộ Công an tổng hợp có 3 nhóm lừa đảo chính: Giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác.
Theo Bộ Công an, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Thậm chí, những kẻ xấu còn dùng chính các thiết bị công nghệ để thực hiện mục đích xấu xa.
Với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) vừa mang lại những tiềm năng, nhưng cũng tạo ra những thách thức, đặc biệt là với an ninh mạng. Sự gia tăng của các mô hình học máy được đào tạo trước (GPT) đã hình thành một khía cạnh nguy cơ mới cho bối cảnh an ninh mạng. GPT là một mô hình ngôn ngữ lớn và là khuôn khổ hàng đầu cho AI tạo sinh.
Khả năng tạo ra văn bản nhân tạo một cách thuyết phục trên quy mô lớn đã gây lo ngại cho các chuyên gia bảo mật. Điều này có thể sẽ tác động rất lớn đến các hoạt động lừa đảo bằng AI, lừa đảo bằng Email, bao gồm cả việc xâm phạm Email doanh nghiệp (BEC).
Dùng chính công nghệ để ngăn chặn
Công nghệ do con người tạo ra, việc sử dụng nó vào việc tốt hay xấu tùy thuộc do mục đích của người sử dụng. Hoạt động lừa đảo diễn ra trên cơ sở đánh lừa người dùng cuối tin rằng Email có nguồn gốc từ một thực thể hợp pháp. GPT có thể hỗ trợ quá trình này bằng cách tạo ra các phản hồi phù hợp trên khía cạnh phong cách và ngôn ngữ, khiến người nhận lầm tưởng đang tương tác với đồng nghiệp hoặc cá nhân đáng tin cậy. Điều này khiến việc phân biệt giữa văn bản do máy tạo và văn bản do con người trong tin nhắn ngày càng khó khăn hơn.
Mặc dù hiện có sẵn các công cụ để xác định văn bản do máy tạo, nhưng chúng ta phải sẵn sàng cho một viễn cảnh khi GPT phát triển để vượt qua các biện pháp bảo vệ này. Ngoài ra, tin tặc có thể tận dụng các mô hình giống GPT để tạo hình ảnh, video hoặc nhắm mục tiêu vào các ngành cụ thể, làm tăng thêm rủi ro về an ninh mạng.
Để giảm thiểu những mối đe dọa này, các cá nhân, tổ chức cần sớm triển khai các giải pháp bảo vệ Email được hỗ trợ bởi AI. AI có thể chống lại các chiến thuật tội phạm mạng hiện đại một cách hiệu quả và xác định các hoạt động đáng ngờ.
Cho đến nay, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) đã xây dựng, phát hành bộ Cẩm nang Bảo đảm an toàn thông tin, trong đó có hướng dẫn các biện pháp để bảo vệ thông tin cá nhân, tài khoản; xây dựng, phát triển Cổng không gian mạng quốc gia trên các nền tảng mạng xã hội để đưa thông tin, tuyên truyền về vấn đề an toàn thông tin, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến; thiết lập cổng thông tin khonggianmang.vn để tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về lừa đảo đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp người dân tự bảo vệ mình trên không gian mạng.
Công nghệ nhận dạng sinh trắc học giúp tăng cường bảo mật chống lại sự xâm nhập của tin tặc |
Xác thực đa yếu tố (MFA) và phương pháp nhận dạng sinh trắc học có thể tăng cường bảo mật, cung cấp thêm một lớp bảo vệ chống lại sự xâm nhập của tin tặc. Ngoài các biện pháp công nghệ, các chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức thường xuyên là rất quan trọng để cải thiện yếu tố con người trước các cuộc tấn công lừa đảo. Kinh nghiệm và sự cảnh giác của con người sẽ giúp nhận biết và ứng phó hiệu quả với các nỗ lực lừa đảo.
Để đẩy lùi vấn nạn lừa đảo gây nhức nhối trên không gian mạng cần đến sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức cung cấp, ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông cũng như sự chung sức của cả xã hội. Trong đó, ý thức cảnh giác, tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn thông tin của mỗi người sử dụng là yếu tố hết sức quan trọng.