Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc, TSKH. Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH và KT Việt Nam cho biết: Luật giao dịch điện tử (GDĐT) được quốc hội thông qua năm 2005 đã mở ra khung pháp lý quan trọng cho việc xác lập các hình thức giao dịch, trao đổi thông tin trên môi trường mạng, giúp kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản của việc tạo dựng hình thức giao dịch mới, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng.

Góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

TSKH. Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH& KT Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Đóng góp ý kiến cho hội thảo về sửa đổi luật GDĐT, TS. Trần Đức Lai – Chủ tịch Hội Vô Tuyến – Điện tử Việt Nam chia sẻ: Luật Giao dịch điện tử được ban hành năm 2005, sau 17 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập cả về tính quy phạm pháp luật cũng như việc triển khai đưa Luật vào cuộc sống, do vậy việc sửa đổi, bổ sung Luật này là rất cần thiết.

Thời gian qua nhiều chủ trương chính sách mới của Đảng, hệ thống pháp luật mới của Nhà nước đã được ban hành. Lĩnh vực KHCN về điện tử-viễn thông-CNTT đã có sự phát triển vượt bậc, tác động mạnh mẽ tới các hoạt động về giao dich, kinh doanh, quản lý trên môi trường điện tử, đặc biệt chữ ký số chống giả mạo cao hơn chữ ký tay, nhận dạng khuôn mặt bằng máy có độ chính xác cao hơn mắt thường, các cơ sở dữ liệu số đã trở thành cốt lõi, các nền tảng số trở nên phổ biến hơn và đặc biệt hiện nay các nền tảng số phục vụ kinh doanh, giao dịch điện tử đã được phát triển khá mạnh mẽ và được sử dụng khá rộng rãi song chưa có luật nào quy định tính pháp lý một cách đầy đủ và đồng bộ. Nhiều nội dung trong luật 2005 chưa phù hợp với thực tế hiện nay cả về phạm vi điều chỉnh.

Ông cũng cho biết thêm, tất cả vấn đề thể hiện trong luật mong muốn luật càng hoàn chỉnh càng tốt nhưng điều kiện khả năng trình độ tầm nhìn còn hạn chế vì vậy vấn đề chung liên quan hoạt động giao dịch điện tử trách nhiệm của Bộ TTTT quản lý chung, nhưng trách nhiệm của các Bộ ngành đến đâu cần xem lại sự phân công, phân cấp cho rõ trách nhiệm.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, Ths. Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho rằng: "Cần khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 17 năm thi hành của Luật GDĐT năm 2005 bảo đảm thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Luật GDĐT năm 2005 có một số quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu nhưng chưa đồng bộ với một số nội dung về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng quy định tại Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018 ….. đề nghị bổ sung thêm cụm từ Luật Công nghệ thông tin năm 2006 trước Luật An toàn thông tin năm 2015.

Bởi lẽ Luật Công nghệ thông tin có được ban hành năm 2006 (Luật số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006), Mục 3. Ứng dụng Công nghệ thông tin trong thương mại (từ điều 29 đến điều 33 có liên quan đến thương mại điện tử).

Theo đánh giá của ông Vũ Kiêm Văn - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam: "Từ khi Luật Giao dịch điện tử được ban hành năm 2005, Chính phủ đã ban hành khoảng 10 Nghị định và văn bản hướng dẫn trong các hoạt động liên quan về thương mại điện tử, ngân hàng và chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ số và kinh tế số thì một số quy định không còn phù hợp với hiện nay và việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là rất cần thiết".

Hội thảo cũng ghi nhận nhiều đóng góp, ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia cho dự thảo 6 luật GDĐT sửa đổi và sẽ được Liên hiệp Hội tổng hợp trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong kỳ họp tới.