Hà Nội: 4 lô đất vàng ở quận Hà Đông ngừng thi công gần 2 thập kỷ
LTS: Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, hiện nay, một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt. Cụ thể, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Cùng với đó, tình trạng lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp. Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức. Theo Tổng Bí thư, lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. “Căn bệnh” lãng phí đã “lây lan” đến nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Hàng nghìn dự án, công trình bị “đắp chiếu” nằm phơi nắng, phơi mưa là mối hoạ lớn cho đất nước… Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định số 191 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (thay thế Quy định số 32/2021) và Quyết định số 192 kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Qua quá trình nghiên cứu, khảo sát, và từ thực tiễn, chúng tôi đăng tải tuyến bài viết về các dự án bất động sản bỏ hoang gây lãng phí và bức xúc cho người dân, với mong muốn góp thêm tiếng nói vào việc đẩy nhanh tiến độ dự án, khơi thông nguồn lực để tránh lãng phí tài sản, tài nguyên đất đai của doanh nghiệp và Nhà nước. |
Tọa lạc trên đường Vũ Trọng Khánh (Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội), Dự án tổ hợp chung cư Booyoung Vina có diện tích 4,3 ha với tổng vốn đầu tư hơn 3.876 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Booyoung Việt Nam, thuộc Công ty TNHH Booyoung - một tập đoàn lớn của Hàn Quốc chuyên về bất động sản.
Dự án này được cấp phép từ năm 2006 và dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Năm 2007, dự án bắt đầu khởi công với tổng kinh phí lên đến 171 triệu USD (tương đương hơn 4.000 tỷ đồng).
Dự kiến bàn giao vào năm 2010, thế nhưng khi năm 2024 chỉ còn khoảng 2 tuần nữa sẽ kết thúc, phía chủ đầu tư chỉ mới bàn giao được 2 tòa chung cư. Còn lại, 4 lô thuộc "đất vàng" của quận Hà Đông vẫn trong tình trạng rào tôn.
Việc dự án treo nhiều năm không hẹn ngày trở lại còn được thể hiện bằng sự im hơi, lặng tiếng, không có dấu hiệu thi công phía trong. Phía ngoài, hàng loạt xe chở rác tụ tập, cùng cỏ dại mọc um tùm ở bờ rào tôn.
Mặt khác, chính 2 tòa chung cư đã được bàn giao cũng bị chậm tiến độ và bị cư dân tỏ ra bức xúc.
Hồi năm 2011, dự án "đất vàng" Booyoung được được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và tái khởi công, nhưng được một thời gian thì dừng lại.
Đến giữa năm 2013, Công ty TNHH Booyoung Việt Nam tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng và UBND TP. Hà Nội cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ toàn bộ các tòa nhà CT-02, CT-03, CT-04, CT-05, CT-06, CT-07 của dự án.
Phải đến tháng 9/2015, chủ đầu tư tiếp tục tiến hành thi công xây dựng dự án trên các lô đất ký hiệu CT-04 và CT-07 và cho người dân vào ở.
Tuy nhiên, chính những tòa đã được bàn giao cho khách hàng cũng khiến các hộ dân bức xúc. Đơn cử, vào năm 2019, tòa CT-07 chưa thành lập được Ban quản trị thì chủ đầu tư đã chặn hành lang đi lại khiến nhiều cư dân phẫn nộ.
Cụ thể, tòa nhà CT-07 được thiết kế với 4 hành lang đi ra ngoài, 2 hành lang phía sau và hai hành lang phía trước hướng ra mặt đường Mộ Lao. Thời điểm đó, cư dân cho biết, quản lý tòa nhà chặn hành lang sảnh B tầng 1 phía trước đi ra đường Mộ Lao để làm trường mầm non. Khi người dân hỏi, Quản lý tòa nhà nói đã được cấp phép nhưng ai cấp phép và cấp phép như thế nào thì không nêu cụ thể.
Không biết làm thế nào khác, cư dân tòa nhà đã treo hàng loạt băng rôn để phản đối.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện chung cư này hiện được rao bán vào khoảng 60 triệu đồng/m2./.
- Độc đáo tour du lịch “Tập làm người Kinh Bắc"
- Vinhomes đề xuất nghiên cứu, đầu tư dự án Khu đô thị mới 2.500 ha tại Vĩnh Phúc
- Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa tổ chức thành công Đại hội lần thứ IX