Hội nghị Đối thoại về Chính sách Thuế và Hải quan 2024: Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chia sẻ về những nỗ lực của Bộ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong suốt 3 năm qua (2021-2023) và tiếp tục duy trì sự hỗ trợ này trong năm 2024. Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất và trình cấp có thẩm quyền các giải pháp tài chính, đặc biệt là các biện pháp miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ nền kinh tế. Tổng giá trị hỗ trợ trong giai đoạn này ước tính khoảng 191 nghìn tỷ đồng.
Thứ trưởng cho biết, các giải pháp hỗ trợ thuế, phí, lệ phí, và tiền thuê đất đã được triển khai rộng rãi và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Những biện pháp này đã góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia các năm qua cũng như trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính cũng đã triển khai nhiều cải cách trong công tác thuế và hải quan, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Trong lĩnh vực thuế, tính đến ngày 15/11/2024, Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại tất cả 63 tỉnh, thành phố, với 99,93% doanh nghiệp đang kinh doanh sử dụng khai thuế qua mạng.
Tổng số doanh nghiệp tham gia nộp thuế điện tử đạt 98,57%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng phương thức điện tử để nộp hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cũng đạt 97%.
Thứ trưởng nhấn mạnh rằng, dù đã đạt được nhiều thành tựu, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ tình hình kinh tế thế giới. Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM), giúp đơn giản hóa thủ tục, giảm sự tiếp xúc giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp, đồng thời giảm thời gian và chi phí cho người dân, cải thiện tình trạng ùn tắc tại cảng.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, qua các hội nghị đối thoại trong năm 2023 và những hội nghị khác, VCCI đã ghi nhận và giải quyết hơn 450 ý kiến, kiến nghị từ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý và thủ tục hành chính trong thuế và hải quan. Những kiến nghị này đã giúp Bộ Tài chính điều chỉnh và sửa đổi các quy định cho phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp về sự cải thiện trong thủ tục thuế và hải quan, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ thông tin và đơn giản hóa quy trình, giúp doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thuế dễ dàng hơn.
Một số vướng mắc, khó khăn kéo dài cũng đã và đang được VCCI trao đổi với các cục thuế, hải quan liên quan xem xét giải quyết đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Trong quá trình chuẩn bị hội nghị này và các hội nghị theo các quy mô, hình thức khác nhau.
Thông qua Diễn đàn Doanh nghiệp VBF 2024, VCCI đã ghi nhận gần 100 ý kiến, kiến nghị liên quan đến các quy định về hoàn thuế, mức tính thuế và các cơ chế ưu đãi thuế. Những ý kiến này đã được VCCI chuyển đến Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan để xem xét và sửa đổi các quy định, quy trình có liên quan.
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khu vực phía Nam, một hội nghị tương tự sẽ được tổ chức vào sáng thứ Sáu, ngày 13/12/2024 tại Trung tâm Hội nghị 272, TP.HCM./.
- Ngành Hải quan đặt ra nhiều mục tiêu lớn trong năm 2025
- Nỗ lực vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Hải quan Việt Nam - Lào
- Bản tin kinh tế - tài chính ngày 1/12: Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới giữa năm sau