ISSN-2815-5823
THU PHƯƠNG
Thứ sáu, 09h41 25/08/2023

Khoa học công nghệ ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng của đất nước

(KDPT) - Khoa học và công nghệ luôn là chìa khóa giúp doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và chuyển mình mạnh mẽ.
Khoa học công nghệ ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng của đất nước
Công nhân vận hành máy sản xuất tại công ty ICT Vina, Khu Công nghệ cao TP Đà Nẵng. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Sự thay đổi mà cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại đang mở ra cơ hội nâng cao năng lực quản trị, áp dụng công nghệ mới để tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đáp ứng tiêu chí toàn cầu. Để thực hiện điều đó, cần phải tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đưa những kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường.

Hiện nay, mức đầu tư cho khoa học và công nghệ của Việt Nam còn hạn chế; trung bình trong giai đoạn 2021 - 2023, mức này chỉ đạt 0,64% tổng chi ngân sách nhà nước mặc dù trong giai đoạn vừa qua, khoa học và công nghệ đã và đang thể hiện rõ vai trò tạo ra động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Do đó, giải pháp đưa những thành tựu nghiên cứu ra khỏi phòng thí nghiệm, đưa vào thị trường khoa học và công nghệ, biến chúng thành những sản phẩm mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Để làm được điều này, rất cần sự chung tay của không chỉ các nhà khoa học mà còn của các doanh nghiệp và Nhà nước.

Nhiều vướng mắc từ nhà khoa học và doanh nghiệp

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đề xuất nhiều giải pháp đột phá, đồng bộ nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ gắn với nhu cầu thực tiễn xã hội góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhiều kết quả nổi bật trong hoạt động sở hữu trí tuệ và thương mại hóa công nghệ của Viện Hàn lâm được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Chia sẻ một số kinh nghiệm và bài học về việc đưa nghiên cứu khoa học ra khỏi phòng thí nghiệm được Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai trong thời gian qua, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ thuộc Viện Hàn lâm cho biết, Viện Hàn lâm luôn khuyến khích các nhà khoa học đăng bài báo khoa học trên tạp chí. Số lượng bài báo của Viện trong hệ thống ISI (cơ sở dữ liệu của Viện Thông tin Khoa học tại Hoa Kỳ) tăng hàng năm và nhiều năm liền, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ là cơ quan đứng đầu Việt Nam. Riêng năm 2022, có 1.600 bài báo của các nhà khoa học của Việt Hàn lâm được đăng.

Về đăng ký sở hữu trí tuệ, nhà khoa học được nhận một phần lợi nhuận từ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu theo quy định của pháp luật. Do đó, số lượng bằng sáng chế được cấp của Viện tăng đều đặn. Thành lập năm 1975, trong 35 năm tiếp theo, tính đến năm 2010, Viện đã được cấp 40 bằng sáng chế, nhưng chỉ tính riêng năm 2021, Viện đã có 63 bằng sáng chế được cấp. Các bằng sáng chế thuộc quyền sở hữu của các đơn vị nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm, trong khi tác giả sáng chế là nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam, chưa triển khai đăng ký quốc tế.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Tiến Dũng cho biết thêm, một trong những cách làm sáng tạo của Viện Hàn lâm trong quá trình đưa kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ ra thị trường là làm việc với các doanh nghiệp và chuyển giao một số công nghệ, vật liệu cốt lõi thông qua hợp đồng. Những doanh nghiệp được ký hợp đồng có thể tiếp tục phát triển và thương mại hóa các sản phẩm. Viện Hàn lâm sử dụng hợp đồng về chuyển giao công nghệ, dịch vụ, hợp tác hoặc tư vấn với các công ty. Trong năm 2022, đã có 1.680 hợp đồng dịch vụ được Viện ký kết với các doanh nghiệp, tổng giá trị khoảng 12 triệu USD.

Nhằm tìm hướng đưa kết quả nghiên cứu khoa học ra quốc tế, hướng tới mục tiêu là tổ chức khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á, Viện Hàn lâm cũng rất chú trọng đến hợp tác quốc tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Hiện Viện đang hợp tác với 80 quốc gia và tổ chức quốc tế. Nhiều nhà nghiên cứu làm việc trong Viện đang hợp tác và làm việc với các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, Giáo sư, Tiến sỹ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng nêu một thực tế, hiện chưa có chính sách đảm bảo việc sử dụng các nhà khoa học khi triển khai doanh nghiệp đổi mới sáng tạo không thành công. Chính vì vậy, các nhà khoa học còn chưa mạnh dạn dấn thân vào con đường thương mại hóa và các kết quả nghiên cứu vẫn chưa được đưa vào thực tế ứng dụng.

"Mặc dù đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả ứng dụng nổi bật, nhiều công nghệ đã sẵn sàng chuyển giao nhưng Viện vẫn chưa thể phát huy hết thế mạnh của mình trong công tác ứng dụng và thương mại hóa tài sản trí tuệ của Viện vì còn gặp nhiều khó khăn, thách thức", Giáo sư, Tiến sỹ Châu Văn Minh chia sẻ.

Giáo sư, Tiến sỹ Châu Văn Minh còn cho rằng việc chưa đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tế còn xuất phát cả từ phía các doanh nghiệp. Bởi lẽ, các doanh nghiệp trong nước khi đến làm việc thường chỉ quan tâm công nghệ đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào sản xuất, ít quan tâm mua công nghệ quy mô phòng thí nghiệm vì cho rằng có nhiều rủi ro. Trong khi với cơ sở vật chất của Viện Hàn lâm nói riêng và của các đơn vị nghiên cứu trong cả nước nói chung hiện nay khó có thể tạo ra công nghệ sẵn sàng ở quy mô sản xuất lớn để chuyển giao. Hoặc, nếu doanh nghiệp chấp nhận sử dụng công nghệ mới thì lại khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ chất lượng.

Biến khoa học công nghệ thành lực lượng sản xuất chủ lực

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thị trường khoa học và công nghệ là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Một thị trường khoa học-công nghệ phát triển mạnh sẽ góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Để thúc đẩy phát triển thị trường khoa học-công nghệ, cần quan tâm đến hai chủ thể cung- cầu; đẩy mạnh mối liên kết viện, trường với doanh nghiệp. Việc hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp theo cơ chế đặt hàng ngay từ đầu sẽ cho ra những công nghệ ứng dụng ngay, sát nhu cầu thực tế.

Đánh giá nguồn cung hàng hóa khoa học và công nghệ từ các viện nghiên cứu, các đại học, trường đại học đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, trước nhu cầu, năng lực tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao và cải thiện, cần tìm giải pháp nhanh chóng đưa những kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường. Muốn đạt được điều này, cần hình thành các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin khoa học và công nghệ; đẩy mạnh công tác xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ.

Theo số liệu thống kê, các đầu mối trung gian thị trường khoa học công nghệ từng bước được hình thành với hơn 800 tổ chức, trong đó hơn 20 sàn giao dịch công nghệ đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, số lượng cũng như chất lượng của các tổ chức trung gian này còn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của thị trường khoa học công nghệ.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nhận định, trước nhu cầu đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay, vai trò kiến tạo của Nhà nước trong việc khuyến khích sự phát triển của thị trường khoa học và công nghệ nói chung và sự phát triển của các cấu phần tạo nên thị trường khoa học và công nghệ nói riêng là rất quan trọng. Vai trò này tập trung vào các khâu: Khơi thông nguồn cung, gỡ bỏ các trở ngại về thông tin, giảm thiểu các chi phí giao dịch trong mua bán hàng hóa khoa học và công nghệ, tạo dựng và phát triển cơ sở hạ tầng của thị trường cũng như việc hỗ trợ phát triển và chứng nhận các tổ chức thẩm định, định giá, tư vấn chuyển giao công nghệ…

Nhấn mạnh thời gian qua, thị trường khoa học công nghệ Việt Nam đã có bước phát triển, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận với tốc độ tăng giá trị giao dịch hàng hóa khoa học công nghệ bình quân hằng năm đạt 22%, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh cũng nhận định, việc đánh giá tình hình, nhận diện đúng những hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức giúp xác định rõ phương hướng, đề ra nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức, vận hành tốt hơn thị trường khoa học công nghệ. Thông qua đó để thị trường này thực sự trở thành con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất biến khoa học công nghệ thành lực lượng sản xuất chủ lực của xã hội, giúp các doanh nghiệp tạo ra nhiều hàng hóa, dịch vụ mới có hàm lượng khoa học cao, tạo sức cạnh tranh vượt trội của nền kinh tế.

Thủ tướng cũng đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thị trường khoa học công nghệ phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Theo đó, nhận thức về thị trường khoa học công nghệ cần nâng cao; tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường khoa học công nghệ phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập; triển khai hiệu quả 2 mục tiêu lớn và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình Phát triển thị trường khoa học công nghệ quốc gia đến năm 2030 theo Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, thị trường khoa học công nghệ với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội trong phát triển thị trường khoa học công nghệ.

Đồng thời, xây dựng và triển khai thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, sớm đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước, từ hợp tác công tư và nghiên cứu của tư nhân vào sản xuất, kinh doanh; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Xây dựng chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng, chia sẻ cơ sở dữ liệu lớn để phát triển trí tuệ nhân tạo; đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái, thị trường khoa học công nghệ đồng bộ, toàn diện hơn nữa.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024