ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 13h00 26/01/2024

Khoa học công nghệ thúc đẩy nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tăng năng suất và năng lực cạnh tranh

(KDPT) - Để đạt được mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, 2045 Việt Nam trở thành nước công nghiệp, nước công nghiệp hiện đại, Đảng ta đã nêu ra định hướng và giải pháp phát triển đất nước cho giai đoạn 2021-2030. Đây là một chủ trương, phương hướng đúng đắn và sáng tạo.

Đã có nhiều định hướng, giải pháp cả về thể chế, về kinh tế, văn hóa, giáo dục, về quản lý Nhà nước, về quốc phòng, an ninh, về hoạt động đối ngoại được Đảng đề ra... Đặc biệt, Đảng có chủ trương và giải pháp rất dứt khoát, cụ thể về phát triển khoa học công nghệ (KHCN), sử dụng có hiệu quả thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, (CMCN 4.0), cách mạng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao và ứng dụng KHCN.

Doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc

KHCN là một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế thị trường và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. KHCN không chỉ là nền tảng, mà còn là những kết quả, minh chứng hiện thân của một đất nước phát triển, hiện đại. Các doanh nghiệp, nơi sáng tạo ra giá trị mới, đóng vai trò quan trọng, vai trò động lực để phát triển KHCN và đưa KHCN vào phát triển kinh tế - xã hội và biến khát vọng của nhân dân, của đất nước thành hiện thực.

PGS.TS Đặng Văn Thanh

Với mục đích đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu, tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, thì con đường và giải pháp chủ yếu là phát triển KHCN. Lĩnh vực KHCN cần được phát triển, ứng dụng trong mọi hoạt động của nền kinh tế, của xã hội, cả trong sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, trong văn hóa, giáo dục, quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, trong hoạt động đối ngoại, giữ gìn an ninh quốc phòng vào bảo vệ đất nước. Năng suất lao động phải được nâng cao. Chỉ có nâng cao năng suất lao động xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất trong từng doanh nghiệp, trong tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân thì mới tăng được quy mô nền kinh tế, tiềm lực tài chính và thu nhập của doanh nghiệp. Phải nâng cao chất lượng, hiệu quả tăng trưởng, hiệu quả đầu tư với chi phí thấp nhất, chi phí ngày càng giảm nhưng kết quả mang lại ngày càng cao. KHCN sẽ là một giải pháp hữu hiệu giúp tiết kiệm chi phí lao động, thời gian, tài nguyên, giảm bớt hao phí và tạo ra kết quả, chất lượng cao hơn. Chính KHCN sẽ tăng thêm hàm lượng trí tuệ, tăng thêm giá trị cho từng sản phẩm, từng kết quả hoạt động kinh doanh, đồng thời KHCN sẽ tạo thêm các chuỗi giá trị và gia tăng giá trị trong từng khâu sản xuất, kinh doanh.

CMCN 4.0 đã khởi phát và đang diễn ra trên toàn thế giới, tác động mạnh đến toàn bộ các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, các lĩnh vực đời sống, thay đổi thói quen của con người. Những thành tựu KHCN, kỹ thuật số được sử dụng để tăng cường năng lực quản trị kinh doanh. Nền kinh tế số đã hình thành. Sự xuất hiện của Interrnet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), Bigdata, Blokchain... sẽ đòi hỏi và tạo cơ hội để các doanh nghiệp thay đổi phương thức kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tạo ra nhiều giá trị mới với chi phí ít hơn.

Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách nhằm tận dụng cơ hội, chủ động và tích cực tham gia cuộc cách mạng này. Chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của nền kinh tế - chính trị - xã hội. Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng, mang yếu tố then chốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Trong xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ mới diễn ra hết sức nhanh chóng trên thế giới như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Cuộc cạnh tranh gay gắt trong nền kinh tế đã chỉ ra, những doanh nghiệp thành công là doanh nghiệp cung cấp cho thị trường, cho người tiêu dùng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ rẻ hơn, chất lượng đảm bảo hơn với hệ thống chăm sóc khách hàng tốt hơn nhờ áp dụng các phương thức sản xuất, kinh doanh và hệ thống quản trị, quản lý tiên tiến, hiện đại. Đồng thời các doanh nghiệp cần nỗ lực đổi mới, cải tiến không ngừng dựa trên đầu tư có hiệu quả về nguồn nhân lực và công nghệ mới.

Các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm số lượng lớn hiện nay chủ yếu còn khó khăn về khả năng đầu tư thiết bị, công nghệ do thiếu vốn. Một số doanh nghiệp đã có khả năng đầu tư nhưng hạn chế về thông tin và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu vận hành và hệ thống quản lý, điều hành chưa tương ứng.

Để giải được bài toán này, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy trong tiếp cận giải pháp nâng cao năng suất một cách toàn diện trước khi quyết định đầu tư công nghệ. Thực tế đã được các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp của Hàn Quốc, Đài Loan chia sẻ về việc tự động hóa, máy móc thay thế trong sản xuất chỉ có thể phát huy hiệu quả khi doanh nghiệp đã có hệ thống quản trị tốt, tinh gọn và người vận hành được đào tạo đáp ứng yêu cầu.

Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất trong thời gian tới cần được xem xét và phối hợp đồng bộ. Trong đó: Doanh nghiệp được tham gia, đóng góp ý kiến vào xây dựng chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã được tham gia các chương trình, bài học thành công là rất cần thiết cho cộng đồng kinh doanh.

Các cơ quan Bộ, ngành địa phương thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên định hướng thống nhất của Chính phủ nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực trên cơ sở thông tin tới doanh nghiệp được rõ ràng và hiệu quả.

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

Chuyển đổi số là quá trình sử dụng dữ liệu và các công nghệ số để thay đổi phương thức phát triển, thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống và cách làm việc của con người và tổ chức. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như: Big Data), IoT, điện toán đám mây (Cloud)... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời.

Chuyển đổi số là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển. (Ảnh minh họa)

Chuyển đổi số giúp chủ doanh nghiệp, các nhà quản lý hoàn toàn chủ động trong việc theo dõi các báo cáo, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, hiệu suất làm việc của nhân viên bất cứ lúc nào. Mọi thông tin về hoạt động của doanh nghiệp đều được thể hiện minh bạch, cụ thể, chi tiết bằng con số rõ ràng, xóa bỏ những vùng tối, kém minh bạch trong quản trị doanh nghiệp. Những rủi ro trong hoạt động kinh doanh, hoạt động quản lý sẽ được hạn chế, từ đó doanh nghiệp tăng cường quản lý và tối ưu hóa doanh thu hiệu quả nhất.

Các công ty có thể sản xuất sản phẩm, dịch vụ hiệu quả hơn, giữ cho hệ thống hoạt động nhờ các dự đoán, cảnh báo về rủi ro để có thể can thiệp kịp thời bằng cách thu thập và xử lý dữ liệu lớn, có thể xác định các khả năng cải thiện hoạt động, tối ưu hệ thống và khắc phục kịp thời các sự cố. Ứng dụng chuyển đổi số cho phép doanh nghiệp cộng hưởng và tối ưu năng suất làm việc của nhân viên giúp tạo ra giá trị cao.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, hạn chế lỗi, người lao động có điều kiện hoàn thiện, nâng cao chuyên môn và nghiên cứu cải thiện và tối ưu hơn giá trị cũng như chất lượng sản phẩm.

Chuyển đổi số không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp chiếm ưu thế hơn trong việc tạo dựng mối tương tác mật thiết, nhanh chóng với khách hàng, nâng cao chất lượng phục vụ, thúc đẩy tiến trình mua bán và tăng doanh thu. Mức độ tương tác của khách hàng có thể được nâng cao.

Thay đổi cách tạo ra giá trị cho khách hàng, đưa thêm dịch vụ vào sản phẩm cung cấp cho khách hàng (hệ thống sản phẩm-dịch vụ), làm cho vòng đời của sản phẩm mang tính tổng thể và toàn diện hơn. Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ vào doanh nghiệp giúp rút ngắn thời gian triển khai các quy trình quản trị, tiết kiệm chi phí, tránh các sai sót do nhập liệu thủ công, từ đó tập trung nguồn lực vào việc cải thiện sản phẩm và dịch vụ mang đến cho khách hàng. CMCN 4.0 giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, chi phí sản xuất - vận hành, đồng thời đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng. Từ đó làm thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất và giúp doanh nghiệp dễ dàng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đó cũng là yêu cầu nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ở một mức độ cao hơn.

Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển KHCN, chuyển đổi số

Việc áp dụng KHCN, quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam diễn ra khá sớm nhưng tốc độ chậm, chưa thực sự mạnh. còn chậm so với nhu cầu kinh doanh thực tiễn, đã và đang đối mặt với những rào cản như thiếu kỹ năng số và thiếu nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp...

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về nhận thức, về sự gắn kết giữa lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh; về mức độ đầu tư. Để phát triển KHCN và quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp thực hiện một cách nhanh, hiệu quả và bền vững, cần triển khai các giải pháp sau:

Trước hết, cần nâng cao nhận thức của lãnh đạo các doanh nghiệp về KHCN, về chuyển đổi số. Các nhà quản lý cần hiểu rõ về chuyển đổi số, kinh tế số... để có những quyết định, quyết sách cho doanh nghiệp phù hợp với năng lực và khả năng tài chính của doanh nghiệp. Chuyển đổi số không chỉ thiên về công nghệ mà phải bắt đầu từ mô hình kinh doanh và tư duy lãnh đạo. KHCN cần đi cùng với các nhà quản lý về chiến lược kinh doanh.

Cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về bản chất của CMCN 4.0, về chuyển đổi số, về các xu thế công nghệ đến ngành, lĩnh vực, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng năng lực để tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ tầng, thay đổi quy trình, thay đổi cách thức quản trị, điều hành để đáp ứng được với xu thế công nghệ.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, lựa chọn các công nghệ phù hợp với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mình, từ đó lựa chọn đối tác cung cấp các giải pháp, các công nghệ để thực hiện số hóa cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp thuộc ngành có ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc nền kinh tế, sự nhận thức về tính cấp thiết của chuyển đổi số là tất yếu.

Thứ ba, các doanh nghiệp phải chủ động đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ phù hợp với tốc độ phát triển hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia, tốc độ phát triển của internet, các ứng dụng của các công nghệ mới do cuộc CMCN 4.0 mang lại. Cần đầu tư cho công nghệ thông tin một cách bài bản. Cân nhắc thận trọng và lường tính rủi ro là cần thiết nhưng không nên quá chậm chạp.

Cần nâng cao trình độ áp dụng công nghệ: Công nghệ mới đi kèm với những đòi hỏi về kỹ năng, kiến thức phải được cập nhật mới để thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của CMCN 4.0. Cần tạo ra sự liên kết về công nghệ về các phần mềm hỗ trợ quản trị.

Cuối cùng, các doanh nghiệp cần tuyển dụng nguồn nhân lực có hiểu biết sâu về công nghệ thông tin, về chuyển đổi số phục vụ cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp mình. Chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thành công trong quá trình chuyển đổi số và phát triển KHCN./.

PGS.TS ĐẶNG VĂN THANH
Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện IDE, Phó Viện trưởng Viện IDE



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024