ISSN-2815-5823
HẢI THU
Chủ nhật, 06h06 05/11/2023

Kinh Bắc hiện thực hoá giấc mơ “an cư, lạc nghiệp” cho người lao động

(KDPT) - Thấu hiểu ước mơ “an cư, lạc nghiệp” của hầu hết những người lao động trong các khu công nghiệp, Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc đã và đang âm thầm phát triển hàng ngàn căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Bước nhảy vọt của Tổng Công ty Kinh Bắc (KBC) trong năm 2023

“Cơn khát" nhà ở xã hội

Năm 2009, lần đầu tiên Chính phủ ra nghị quyết về việc phát triển nhà ở xã hội; song phải tới 4 năm sau, sự phát triển của phân khúc này mới được đẩy mạnh nhờ sự ra đời của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Tuy vậy, kể từ sau năm 2016, khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, nhà ở xã hội lại rơi vào trầm lắng.

Kinh Bắc hiện thực hoá giấc mơ “an cư, lạc nghiệp” cho người lao động
Nguồn cung “nhỏ giọt” còn nhu cầu rất lớn đã tạo nên “cơn khát” về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Cho tới năm 2023, những chính sách thúc đẩy nhà ở xã hội một lần nữa mới được xuất hiện. Hiện nay, Chính phủ đặt mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, đưa định hướng để các ngân hàng triển khai gói tín dụng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trị giá 120.000 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp bất động sản thời gian qua cũng bày tỏ ý định nhảy vào thị trường này, song cho tới nay, ý định vẫn chỉ dừng lại ở ý định. Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 2 năm qua, cả nước mới chỉ hoàn thành việc đầu tư xây dựng 181 dự án, quy mô xây dựng khoảng 94.390 căn hộ nhà ở xã hội. Trong khi đó, hiện cả nước có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp tại khu công nghiệp, khu chế xuất; trong số này có 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở.

Có thể thấy, nguồn cung “nhỏ giọt” còn nhu cầu rất lớn đã tạo nên “cơn khát” về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Hiện thực hoá ước mơ “an cư lạc nghiệp”

Thấu hiểu giấc mơ “an cư, lạc nghiệp” của người lao động, cũng như mong muốn góp phần đưa thị trường bất động sản phát triển cân bằng và bền vững hơn, Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc đã âm thầm đưa việc triển khai các dự án nhà ở xã hội vào định hướng phát triển đồng bộ, bền vững của doanh nghiệp trong nhiều năm qua.

Hiện, Kinh Bắc đang vận hành khoảng 20 dự án khu công nghiệp, khu đô thị có vị trí chiến lược tại nhiều địa phương trên cả nước như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Định, TP.HCM, Long An… Doanh nghiệp nắm giữ tổng quỹ đất khu công nghiệp lên tới 6.387 ha (chiếm 5,5% diện tích đất khu công nghiệp cả nước) và khoảng 1.263 ha đất khu đô thị, dịch vụ.

Tại các khu công nghiệp, Kinh Bắc luôn chú trọng việc tạo lập nơi ăn chốn ở cho người lao động. Đến nay, công ty đã xây dựng được 4.000 căn, đạt tỷ lệ 7% quỹ nhà ở xã hội trên cả nước.

Gần đây nhất, tháng 5/2023, Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng (SHP) thuộc Kinh Bắc đã triển khai xây dựng khu nhà ở xã hội thuộc dự án khu đô thị dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ bằng nguồn vốn tự có.

Cùng với đó, Kinh Bắc cũng dành nguồn lực đầu tư lớn cho dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại khu đô thị mới thị trấn Nếnh (Bắc Giang) với tổng diện tích 12,6 ha, quy mô 16 tòa nhà chung cư cao 20 tầng và tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, dự kiến cung cấp khoảng 7.000 căn hộ chung cư phục vụ cho hơn 20.000 người lao động. Đây là một trong những dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn nhất cả nước.

nhà ở xã hội
Thấu hiểu ước mơ “an cư, lạc nghiệp” của hầu hết những người lao động, Kinh Bắc đã và đang âm thầm phát triển hàng ngàn căn nhà ở xã hội. (Ảnh: KBC)

Dù là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng chủ đầu tư Kinh Bắc rất chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng như trường học, chợ, siêu thị, công viên. Bởi với Kinh Bắc, đó không chỉ là một mái nhà mà còn là nơi gia đình công nhân, người lao động được tận hưởng chất lượng cuộc sống đích thực, kiến tạo hạnh phúc và có điều kiện phát triển đời sống, công tác.

Trên thực tế, các dự án nhà ở xã hội/công nhân của Kinh Bắc là một phần của mô hình tích hợp khu đô thị - khu công nghiệp. Có thể nói, Kinh Bắc là đơn vị tiên phong, mạnh mẽ nhất trong việc xây dựng mô hình tích hợp này tại Việt Nam.

Chẳng hạn tại dự án nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang, mỗi gia đình sống tại đây sẽ được trải nghiệm chất lượng dịch vụ quản lý không thua kém các chung cư tầm trung ở Hà Nội. Đây chính là mục tiêu, tâm huyết mà Chủ tịch Đặng Thành Tâm và các cộng sự tại Kinh Bắc cũng như các công ty con trong hệ sinh thái nỗ lực hành động trong suốt thời gian qua.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mô hình này không chỉ phù hợp định hướng xây dựng nhà ở xã hội của quốc gia, bảo đảm an cư, lạc nghiệp cho người lao động, mà còn giải bài toán giữ ổn định lực lượng lao động trong các khu công nghiệp, từ đó tạo nên môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao, năng động.

Với Kinh Bắc, việc phát triển nhà ở xã hội là thể hiện trách nhiệm cũng như tinh thần “doanh nghiệp vì công dân” chứ không đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Đặc thù dự án nhà ở xã hội do Kinh Bắc triển khai là nằm trong dự án nhà ở thương mại, không phải là dự án nhà ở xã hội độc lập nên không có 20% quỹ đất để kinh doanh thương mại.

Vì vậy, với cùng mức vốn đầu tư, quy mô dự án và chất lượng nhà ở, nhưng do không có phần thương mại nên giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội của KBC vẫn cao hơn so dự án cùng loại độc lập khác. Điều này khiến cho chủ đầu tư hầu như có rất ít lợi nhuận, mà như tiết lộ của ông Đặng Thành Tâm là chưa đến 1 triệu đồng/m2, song luôn tâm huyết làm tốt nhất những gì có thể cho người lao động nên Kinh Bắc vẫn quyết tâm vượt qua khó khăn.

Theo số liệu khảo sát quý II/2023, Kinh Bắc tạo lập khoảng 75.000 việc làm, chiếm 50% tổng số việc làm mới trên toàn quốc. Doanh nghiệp vẫn đang miệt mài phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của người lao động tại các khu công nghiệp cũng như đóng góp vào mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 26/11/2024