Chính sách an sinh xã hội Vĩnh Phúc đạt nhiều kết quả tích cực năm 2024
Theo số liệu thống kê số người được hưởng trợ giúp xã hội của Vĩnh Phúc thường xuyên tăng từ 39.816 người năm 2016 lên 43.809 người năm 2023 và đạt 43.435 người năm 2024, chiếm 2,9% dân số toàn tỉnh. Các đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng được hưởng chế độ cao hơn 1,24 lần mức chuẩn chung do Trung ương ban hành, với tổng kinh phí chi trả trên 330 tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc đã thực hiện chính sách ưu đãi thường xuyên cho hơn 40.000 người có công, đồng thời triển khai các chương trình trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế khác. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm còn 0,61% vào năm 2023 và dự kiến giảm xuống khoảng 0,48% vào năm 2024.
Đồng thời, Tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi cho công tác giải quyết việc làm và phát triển kinh tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó đào tạo nghề đạt trên 30%. Bình quân mỗi năm, Vĩnh Phúc giải quyết việc làm cho khoảng 24.000 lượt người.
Đặc biệt, trước những thiệt hại do bão số 3 gây ra, tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động cả hệ thống chính trị và cộng đồng tham gia hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng. Hơn 300 tổ chức, đoàn thể và cá nhân đã chung tay giúp đỡ, thể hiện tinh thần "lá lành đùm lá rách" trong cộng đồng hỗ trợ người dân bị thiệt hại do cơn bão gây ra.
Những kết quả này cho thấy Vĩnh Phúc đã và đang thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh./.
- Ngân hàng Chính sách xã hội, điểm tựa tin cậy cho an sinh của người nghèo
- Hỗ trợ tư vấn pháp luật về an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số