Nâng cao tiêu chuẩn ESG ngành ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững
Ngành ngân hàng nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế xanh
Tại Hội nghị COP26 vào tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một thách thức rất lớn nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam thực hiện cải cách mạnh mẽ, tái cơ cấu nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững, đảm bảo thực hiện tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị).
Tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” diễn ra sáng 19/11, ông Lê Trọng Minh - Tổng biên tập Báo Đầu tư chia sẻ, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và Net Zero vào năm 2050 là một hành trình đầy thách thức, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến rất phức tạp. Trong đó, các vấn đề về tài chính khí hậu đang là một trong những nỗi trăn trở lớn nhất không chỉ với Việt Nam mà cả các quốc gia khác trên toàn cầu.
Tích hợp các tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG) - bộ 3 tiêu chuẩn đo lường tính hiệu quả và bền vững, phản ánh sự tương tác của doanh nghiệp với môi trường xung quanh vào định hướng chiến lược và hoạt động không chỉ thúc đẩy quá trình xanh hoá hoạt động của các ngân hàng, đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, mà còn giúp nâng cao nhận thức và thực thi các quy định về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng, từ đó điều chỉnh hành vi tiến tới thực hành các tiêu chuẩn ESG, xanh hoá hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bằng việc áp dụng các chính sách ưu tiên với doanh nghiệp thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG và hạn chế tín dụng cho những hoạt động gây tổn hại tới môi trường và xã hội, ngân hàng đóng vai trò mắt xích rất quan trọng trong chuỗi hành động về ESG.
Hiện tại, rất nhiều quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều quy định và chính sách thúc đẩy thực hiện các tiêu chuẩn ESG, trong đó có hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, việc áp dụng ESG trong hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam vẫn đang ở những bước khởi đầu và còn gặp nhiều vướng mắc.
Tiêu chuẩn ESG: Đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định, tăng trưởng bền vững đang là vấn đề then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trong đó, ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tăng trưởng bền vững, hướng đến thịnh vượng kinh tế, bền vững môi trường, công bằng xã hội không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà là để bắt kịp xu thế thế giới, nhằm thực hiện cam kết mang tính bước ngoặt lịch sử là đưa phát ròng về 0 vào năm 2050, trong đó, thực hành ESG sẽ góp phần đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Đối với ngành Ngân hàng, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc tăng cường áp dụng ESG đòi hỏi các tổ chức tín dụng (TCTD) phải thực thi, tuân thủ và cập nhật liên tục những thay đổi trong quy định và chính sách để thể hiện tốt trách nhiệm với môi trường và xã hội.
"Mặt khác, thực hành các tiêu chuẩn ESG sẽ giúp nâng cao uy tín, thương hiệu của TCTD thông qua việc công bố và minh bạch các vấn đề liên quan đến quản trị, môi trường và xã hội", Phó Thống đốc nêu rõ.
Việc thực hành ESG sẽ giúp các TCTD cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động và lợi nhuận. Đồng thời, khi áp dụng ESG, các TCTD có cơ hội mở rộng thị trường, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế, phát triển các sản phẩm tín dụng. Phó Thống đốc cũng khẳng định thời gian qua, ngành Ngân hàng đã luôn tiên phong đi đầu trong việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG.
Theo số liệu thống kê, đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%).
Các giải pháp được triển khai từ rất sớm nêu trên đã cho thấy sự trách nhiệm của ngành ngân hàng trong thực hành ESG góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; đồng thời, có ý nghĩa lan tỏa, nâng cao nhận thức và năng lực thực thi các quy định về bảo vệ môi trường cũng như trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng./.
- Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của TP. Hà Nội
- Chiến lược "4 Mới": Bứt phá chinh phục thành công kinh doanh trong thời đại công nghệ số