ISSN-2815-5823
Minh Thành
Thứ năm, 10h01 06/06/2024

Ngăn chặn tình trạng "vàng hóa nền kinh tế"

(KDPT) - Chính phủ sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24 năm 2021, bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế.

Sáng nay 6/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn sáng 6/6.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn sáng 6/6.

Phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực

Phát biểu trước phiên chất vấn, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói tình hình kinh tế trong 5 tháng đầu năm đạt với nhiều kết quả tính cực. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,03% (trong ngưỡng Quốc hội giao 4-4,5%).

Kinh tế duy trì đà phục hồi tốt ở cả ba khu vực. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 6,8% (trong khi, năm 2023 giảm 2%). Nông nghiệp phát triển ổn định. Dịch vụ tiếp tục tăng mạnh; trong tháng 5, khách quốc tế đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đạt trên 305,5 tỷ USD tăng 16,6%; xuất siêu trên 8,01 tỷ USD.

Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 52,8% dự toán, tăng 14,8%. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới vào Việt Nam đạt 7,9 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ và cao nhất trong 3 năm qua; vốn FDI thực hiện đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% và cao nhất trong 5 năm qua. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 22,3% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm trước.

Phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực; gần 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng 5, cao hơn số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể. Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.

Chính phủ quyết ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế

Trước biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro của thị trường vàng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ, Thủ tướng đã có hàng loạt chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các giải pháp quản lý, bình ổn thị trường vàng như đấu thầu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm vi phạm; chỉ đạo tổ chức thực hiện quy định về hóa đơn điện tử có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế…

Từ 3/6, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bán vàng thông qua hệ thống 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Kết thúc phiên ngày 5/6, giá vàng SJC đã giảm, bán ra ở mức 77,98 triệu đồng/lượng (giảm 1 triệu đồng/lượng so với ngày 4/6).

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Chính phủ chỉ đạo tập trung nghiên cứu, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, triển khai quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường vàng, bảo đảm sử dụng các công cụ điều hành của nhà nước hiệu quả, hiệu lực, kịp thời.

Mục tiêu khác được lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh là sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24 phù hợp với bối cảnh tình hình mới, bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ phát triển KTXH, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế.

Đẩy nhanh phê duyệt 2,5 tỷ USD phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân ĐBSCL, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực triển khai các giải pháp đồng bộ, phù hợp, hiệu quả để từng bước khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún bằng các biện pháp tổng thể, tôn trọng quy luật tự nhiên.

Chính phủ cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai 16 dự án với tổng kinh phí 2,5 tỷ USD để phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai có hiệu quả Đề án "phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030"; Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030…

“Về lâu dài, đối với ĐBSCL sẽ nghiên cứu phát triển hệ thống đường cầu cạn, phát huy tiềm năng giao thông thủy”, ông Hà nói.

Bên cạnh đó, ông cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường nỗ lực nội sinh để giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu thành lập Quỹ về phát triển nhà ở xã hội

Về giải quyết những vấn đề nóng hiện nay mà Đại biểu Quốc hội cử tri quan tâm, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ ưu tiên nguồn lực triển khai chính sách xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu ban hành Nghị định về nhà ở xã hội trong tháng 6 theo hướng đơn giản hóa thủ tục, điều kiện, cơ chế ưu đãi đầu tư, tiêu chí tiếp cận nhà ở xã hội.

Đi kèm với nhiệm vụ này, theo ông Trần Hồng Hà, cần nghiên cứu thành lập Quỹ về phát triển nhà ở xã hội với sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, ông cho biết các cơ quan sẽ chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, mạnh mẽ để chấn chỉnh tình trạng mất an toàn cháy nổ, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với việc đảm bảo công tác an toàn PCCC trên địa bàn; xử lý nghiêm các vi phạm.

Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, truy xuất nguồn gốc, ngăn chặn thực phẩm không an toàn.

Chính phủ cũng đồng thời chỉ đạo tổng kết mô hình thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm và đề xuất mô hình cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ở địa phương.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024