Ngân hàng Chính sách xã hội do ai thành lập?
Tổng quan về Ngân hàng Chính sách xã hội
Năm 2002, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được thành lập bởi Thủ tướng Chính phủ để tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại căn cứ vào cơ sở tổ chức lại ngân hàng phục vụ người nghèo. Đó là nỗ lực lớn của Chính phủ Việt Nam khi tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia cũng như cam kết về xóa đói giảm nghèo trước cộng đồng quốc tế.
Ngân hàng Chính sách xã hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Sự ra đời của ngân hàng này giữ vai trò quan trọng khi là cầu nối để đưa chính sách tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo cũng như các đối tượng chính sách khác, tạo điều kiện tiếp cận các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cho người nghèo cũng như điều kiện gần gũi với các cơ quan địa phương để họ gần dân và hiểu dân hơn.
Ngân hàng chỉ có 3 chương trình tín dụng từ khi thành lập nhưng hiện đã được Chính phủ giao cho 18 chương trình tín dụng trong nước và một số chương trình từ quốc tế, trong đó chương trình nào cũng ý nghĩa và thiết thực.
Ngân hàng Chính sách xã hội cũng là một thành viên chính thức của các tổ chức nước ngoài như Hiệp hội ngân hàng phục vụ người nghèo từ năm 2007, Hiệp hội tín dụng nông nghiệp nông thôn Châu Á Thái Bình Dương từ năm 2006 hay phong trào tín dụng vi mô toàn cầu từ năm 1997.
Bên cạnh đó, ngân hàng còn liên kết với các tổ chức tài chính và phát triển quốc tế để thu hút hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư. Ngân hàng Chính sách xã hội hiện đang hỗ trợ kỹ thuật cho Ngân hàng Chính sách cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Trước mục tiêu giảm tỷ lệ đói nghèo hàng năm 2% và đến cuối năm 2015 là 5,25% tỷ lệ hộ nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội thời điểm đó tiếp tục làm việc với các cấp, các ngành, các đoàn thể tổ chức để góp phần thực hiện thành công trong chương trình mục tiêu quốc gia cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để trở thành lực lượng kinh tế hữu hiệu.
Quá trình hình thành và phát triển của Ngân hàng Chính sách xã hội
Tại Hội nghị lần thứ 5 ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về việc tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế xã hội, nông thôn vào năm 1993, Đảng ta đã có chế độ tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ chính sách, vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng cũng như mở rộng hình thức cho vay thông qua tín chấp.
Đến năm 1995, Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo thiếu vốn sản xuất đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập với số vốn ban đầu là 400 tỷ đồng, được đóng góp bởi ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng ngoại thương. Quỹ này được dùng để cho vay hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất với mức lãi suất ưu đãi và người vay không cần thế chấp.
Cũng trong năm này, quyết định thành lập ngân hàng phục vụ người nghèo đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Cụ thể, Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam ban hành quyết định thành lập ngân hàng phục vụ cho người nghèo, đặt trong ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam để cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo từ vốn sản xuất và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Thiết lập kênh tín dụng riêng để hỗ trợ tài chính cho các hộ nghèo tại Việt Nam với chính sách tín dụng hợp lý, Ngân hàng phục vụ người nghèo đã giúp hộ nghèo có vốn sản xuất tạo việc làm tăng thu nhập và dần có thể làm quen với nền sản xuất hàng hóa cũng như có điều kiện để thoát khỏi cảnh nghèo.
Sau đó, Nghị quyết kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa X về việc sớm hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội đã được ban hành. Do đó năm 2002, Thủ tướng chính phủ đã quyết định thành lập ngân hàng Chính sách xã hội dựa trên cơ sở tổ chức lại ngân hàng phục vụ người nghèo và tách biệt khỏi Ngân Hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn.
Ngân hàng Chính sách xã hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và được nhà nước bảo đảm về khả năng thanh toán, tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0% và không cần tham gia bảo hiểm tiền gửi. Đồng thời cũng được miễn thuế cũng như các khoản phải nộp cho ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện các nghiệp vụ như cho vay, thanh toán, huy động vốn, ngân quỹ và có thể nhận vốn ủy thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế - chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ hay các cá nhân trong nước và quốc tế đầu tư cho các chương trình dự án phát triển kinh tế.
Trải qua nhiều năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. NHCSXH hiện nay là chỗ dựa tin cậy cho hàng triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo khó, cải thiện đời sống./.