Ngành Lưu trữ nỗ lực chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới của đất nước
Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết, để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Kế hoạch số 141/KH-BCDDTKNQ ngày 6/12/2024 của Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tiếp tục đề xuất phương án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Cục theo hướng dự kiến giảm 33,33% đơn vị cấp phòng thuộc Cục và giảm 71,2% đơn vị cấu thành của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cục.
Chặng đường phía trước với nhiều cơ hội và thách thức, lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thông đạt số 01-C/VP ngày 03/01/1946 “Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia” vẫn còn nguyên giá trị và càng có ý nghĩa trong bối cảnh cách mạng công nghệ thông tin hiện nay. Vì vậy, vấn đề quản lý, lưu trữ tài liệu và thông tin trong tài liệu cần phải được quan tâm đúng mức để tác động trở lại xã hội, góp phần vào quá trình quản lý và quá trình sản xuất của cải vật chất.
Theo ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ, ngành Văn thư và Lưu trữ tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ theo hướng: Hoàn thành tốt nhiệm vụ lưu giữ, bảo quản an toàn tài liệu lưu trữ và thực hiện sứ mệnh ngành lưu trữ trong giai đoạn hiện nay là phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; chuyển tư duy nhận thức quản lý tài liệu từ quản lý vật mang tin sang quản lý thông tin của tài liệu; chuyển đổi mô hình quản lý lưu trữ tài liệu truyền thống sang mô hình quản lý tài liệu lưu trữ điện tử.
Ngành Lưu trữ trực tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý và thực hiện hiệu lực, hiệu quả các quy định của Luật Lưu trữ năm 2024 cụ thể như sau: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Lưu trữ; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lưu trữ; Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Lưu trữ; Thông tư quy định nghiệp vụ lưu trữ tài liệu lưu trữ số; Xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành văn thư, lưu trữ để nghiên cứu một cách thấu đáo, đề ra mục tiêu, giải pháp và lộ trình cụ thể để đào tào, bồi dưỡng và xây dựng nguồn nhân lực văn thư, lưu trữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Chính phủ số, trong đó, chú trọng đến bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý; xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành để thực hiện hoạt động lưu trữ.
Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và hoạt động nghiệp vụ văn thư, lưu trữ. Gắn công tác lưu trữ với công nghệ thông tin, đưa tài liệu lưu trữ thiết thực phục vụ quản lý xã hội và mọi nhu cầu của cuộc sống xã hội. Đây là đòi hỏi tất yếu khi có sự thay đổi mạnh mẽ với các văn phòng không giấy tờ trong thời gian gần đây. Chúng ta cần ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý lượng dữ liệu đã được thẩm định là có giá trị lưu trữ và cần phải được chuyển đến kho lưu trữ; ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức sử dụng và cung cấp các dịch vụ lưu trữ cho xã hội.
Nâng cao năng lực hoạt động nghiệp vụ lưu trữ của các Trung tâm Lưu trữ quốc gia; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu quản lý tài liệu lưu trữ điện tử; cơ cấu lại đội ngũ viên chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, xây dựng vị trí việc làm và thực hiện chế độ bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về văn thư, lưu trữ với các nước trong trong Hội đồng Lưu trữ quốc tế (ICA); Chi nhánh khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Lưu trữ quốc tế (SARBICA) và Hiệp hội Lưu trữ quốc tế các nước có sử dụng tiếng Pháp (AIAF) và các nước mà Việt Nam có quan hệ song phương như Hàn Quốc, Indonexia, Singapore…
Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Lưu trữ Việt Nam (03/01/1946 - 03/01/2026) theo quy định của Luật Lưu trữ năm 2024, sau khi thống nhất chủ trương, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức chuỗi các hoạt động chào mừng.
Theo đó, từ ngày 03/01/2025, dự kiến thực hiện hơn 20 hoạt động nổi bật dưới nhiều hình thức như triển lãm, xuất bản ấn phẩm, hội thảo khoa học, hội thi văn nghệ, giải bóng đá và nhiều hoạt động khác.
Có thể nói, lần đầu tiên, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam và các cơ sở đào tạo chuyên ngành Lưu trữ cùng nhau thực hiện những hoạt động nhằm tuyên truyền về truyền thống tốt đẹp của ngành Lưu trữ qua 80 năm xây dựng và phát triển, hoàn thành xuất sắc các sứ mệnh, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Bên cạnh đó, thể hiện sự nỗ lực của ngành Lưu trữ trong việc đoàn kết, đổi mới phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, thiết thực phục vụ công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước, đồng thời, hứa hẹn tạo bước đột phá, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đáp ứng yêu cầu kiến thiết quốc gia hưng thịnh./.
- 200 hiện vật quý tại Triển lãm “Ký ức và Niềm tin”
- "Hộp Ký ức 4.0" - đóng góp của mỗi cá nhân trong việc tiếp nối mạch sử