ISSN-2815-5823
Thuận Thảo
Thứ tư, 14h28 15/05/2024

Nhận diện, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng, ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

(KDPT) - Nhìn lại 94 năm qua có thể khẳng định rằng, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, với nền tảng tư tưởng, cơ sở lý luận là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước mà còn khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam.
Nhận diện, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng, ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - ảnh 1

Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, với nền tảng tư tưởng, cơ sở lý luận là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; ngay từ khi thành lập đến nay, trải qua 94 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong suốt quá trình đó, dù trong chiến tranh hay thời kỳ hòa bình, các thế lực thù địch, đối tượng phản động trong và ngoài nước luôn dùng mọi phương thức, thủ đoạn chống phá sự nghiệp cách mạng, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng; xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng, ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với chính cương, sách lược, cương lĩnh, điều lệ đúng đắn của Đảng; luôn kiên định, kiên trì đường lối chính trị; với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; với sự lãnh đạo tài tình của Trung ương, Bộ Chính trị, Bác Hồ, các thế hệ lãnh đạo, sự nghiệp cách mạng của Đảng đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức giành được những thắng lợi quan trọng, từng bước đưa nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Nhận diện, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng, ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - ảnh 2

Nhìn lại 94 năm qua có thể khẳng định rằng, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, với nền tảng tư tưởng, cơ sở lý luận là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước mà còn khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, muốn làm cách mạng thì “Trước hết phải có đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức quần chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”[i].

Thắng lợi của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ nền độc lập dân tộc đã góp phần làm sáng tỏ một chân lý của thời đại: “Một dân tộc đất không rộng, người không đông, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một đảng Mác - Lênin có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lại được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới, hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực đế quốc xâm lược, dù đó là đế quốc đầu sỏ”[ii].

Những thành tựu, ý nghĩa lịch sử to lớn mà Đảng ta đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta giành được trong công cuộc đổi mới đất nước góp phần khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, khẳng định vai trò và sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”[iii].

Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam với nền tảng tư tưởng, cơ sở lý luận là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có vai trò, ý nghĩa to lớn, không thể phủ nhận trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xong các thế lực thù địch, phần tử phản động, dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh lịch sử nào cũng không từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá; xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng, ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, các đối tượng phản động, phần tử xấu đã triệt để lợi dụng mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, nền tảng xã hội số để tung tin bịa đặt, xuyên tạc sự thật, tuyên truyền các luận điệu phản cách mạng nhằm chống phá Đảng, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Đặc biệt, thời gian gần đây các đối tượng lợi dụng việc một số cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật; các trường hợp từng giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng, là người đứng đầu các cơ quan Đảng, Nhà nước, thậm chí là lãnh đạo cấp cao, có vi phạm rất nghiêm trọng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống phải xử lý hình sự, nhất là các đối tượng trong các vụ án tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn… từ đó chúng tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo sự thật, nói xấu chế độ, phản bác chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chúng tuyên truyền lồng ghép để công chúng lầm tưởng, tạo dư luận xấu, cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có những khiếm khuyết cố hữu mang tính thời đại, đó là nền tảng tư tưởng để xây dựng nên một xã hội cực đoan, chuyên quyền, độc đoán, tồn tại nhiều tiêu cực, nhất là tệ nạn tham nhũng, sự tha hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên. Các thế lực thù địch tuyên truyền xuyên tạc về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam; cho rằng cuộc đấu tranh là sự thất bại của chế độ, là “cuộc thanh trừng, đấu đá trong nội bộ Đảng, chính quyền Nhà nước”.

Trong khi đó, từ kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, trên cơ sở ý kiến đóng góp và tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, Hội nghị Trung ương 5, khóa XI (tháng 2/2013) xác định “tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành… gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”. Từ tình hình đó, Hội nghị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đến nay, với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt.

Qua tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022 cho thấy, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật trên 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Công tác thanh tra, kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra (điển hình là bị can trong các vụ án chuyến bay giải cứu, vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Công ty AIC, Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn FLC…).

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7%, riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt 41,3%. Qua đó, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận; góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy chính trị, hướng tới xây dựng một nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

PHẦN I. NHẬN DIỆN CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC BẢN CHẤT KHOA HỌC, CÁCH MẠNG, Ý NGHĨA THỜI ĐẠI CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Thứ nhất, cần nhận diện rõ các lực lượng thù địch tấn công nền tảng tư tưởng của Đảng gồm: Các lực lượng thù địch bao gồm cả những người nghiên cứu lý luận, thực tiễn ở các nước trong cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản; lực lượng cực đoan người Việt ở nước ngoài; một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thứ hai, nhận diện rõ về phương thức chống phá của các thế lực thù địch:

(1) Sử dụng truyền thông đại chúng, đặc biệt là xuất bản báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước; tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chuyên chống phá Việt Nam (VOA tiếng Việt, RFA, RFI, BBC việt ngữ) để nói xấu Việt Nam.

(2) Đặc biệt sử dụng internet và truyền thông xã hội để chống phá (các trang mạng như Trung tâm Asia, Chantroimoi media, Danlambao, Tiếng Dân News,…); lợi dung các sai sót trong quản lý để kích động biểu tình trái phép và xuyên tạc.

(3) Tổ chức các hội thảo để xem xét lại các vấn đề liên quan đến lịch sử.

(4) Tấn công vào nội bộ, phủ nhận các thành tựu đã đạt được của cơ quan, đơn vị, kích động để tấn công vào quá khứ.

Thứ ba, nhận diện luận điệu xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng, ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin:

Về lý luận, các thế lực thù địch, phản động ra sức phủ định tính khoa học, cách mạng, nhân văn và các giá trị cốt lõi, phù hợp với thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng tập trung tấn công vào những vấn đề mang tính nguyên tắc then chốt, luận điểm cơ bản nhất, như về hình thái kinh tế - xã hội, về học thuyết giá trị thặng dư, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

Về thực tiễn, lợi dụng sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, chúng rêu rao lý luận về chủ nghĩa xã hội là sai lầm, ảo tưởng, rêu rao chủ nghĩa tư bản là đỉnh cao của nhân loại, sẽ tồn tại vĩnh hằng.

Thứ tư, nhận diện các luận điệu tấn công vào tư tưởng Hồ Chí Minh theo hai hướng. Một mặt, các thế lực thù địch phủ nhận nội dung, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng đây chỉ là “mớ lý thuyết hỗn độn nhằm đề cao, sùng bái cá nhân” là “một di hại lớn của lịch sử”, “Hồ Chí Minh chỉ tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin chứ không hề có tư tưởng cao siêu”… Mặt khác, chúng lại ra sức tuyên truyền, đề cao, tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, đòi đưa chủ nghĩa Mác - Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng. Đăng tải các thông tin sai trái nhằm xuyên tạc, phủ nhận giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh; cho rằng, “tư tưởng Hồ Chí Minh là sự du nhập những tư tưởng ngoại lai vào Việt Nam”; “Hồ Chí Minh là nhà dân tộc chủ nghĩa” chứ không phải là người cộng sản; “tư tưởng Hồ Chí Minh là tự biện, lý thuyết, giáo điều, sao chép, máy móc, chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời”… Những ý kiến cố tình đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin; hoặc đề cao, tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh với luận điệu “Việt Nam chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh không cần chủ nghĩa Mác - Lênin”.

PHẦN II.    ĐẤU TRANH VỚI CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC BẢN CHẤT KHOA HỌC, CÁCH MẠNG, Ý NGHĨA THỜI ĐẠI CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Đại hội IX của Đảng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa của văn hóa nhân loại… tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản to lớn của Đảng và dân tộc ta”[iv]. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tươngr Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[v]. Nghị quyết đại hội XIII nhấn mạnh: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”[vi].

Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới nhấn mạnh: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Có thể thấy rằng Nghị quyết số 35-NQ/TW đánh giá đúng và trúng yêu cầu thực tiễn, là căn cơ để cấp ủy các cấp lãnh đạo công tác đấu tranh tư tưởng. Tuy nhiên, vẫn còn có một số cấp ủy lúng túng trong xác định nội dung và phương thức lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 35, nhất là lúng túng về nội dung và phương thức lãnh đạo công tác đấu tranh tư tưởng cho sát với tình hình, điều kiện của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Cần nghiên cứu khắc phục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

  • Về phương thức lãnh đạo đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc

Một là, cấp ủy các cấp xây dựng nghị quyết, kế hoạch, chỉ thị về lãnh đạo đấu tranh: Bên cạnh phương thức lãnh đạo bằng nghị quyết, hầu hết cấp ủy các cấp hiện nay lãnh đạo bằng việc ban hành các kế hoạch, chỉ thị thực hiện các nhiệm vụ.

Hai là, lãnh đạo đấu tranh thông qua tổ chức đảng và đảng viên: Đây là đội tiên phong đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, vào thực tiễn đấu tranh tư tưởng. Trước hết, tổ chức đảng và đảng viên là người quán triệt các chủ trương, chính sách, xây dựng thành nghị quyết, kế hoạch thực hiện của cấp mình. Tổ chức đảng và đảng viên cũng là người trực tiếp tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục quần chúng, xây dựng nhận thức đúng đắn cho mình và cho quần chúng về nhiệm vụ đấu tranh. Tổ chức đảng và đảng viên cũng là người trực tiếp, thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình, phê phán những suy nghĩ, quan điểm, tư tưởng sai trái, lệch lạc; chấn chỉnh những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đó là cơ sở để những cán bộ, đảng viên được phân công làm nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách đấu tranh, củng cố trận địa, phát huy năng lực trong cuộc đấu tranh. Mỗi tổ chức đảng cần xây dựng chuyên trách theo hướng tinh gọn, đủ mạnh để tiến hành đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đây vừa là phương thức lãnh đạo, vừa là một nhiệm vụ, giải pháp.

Ba là, cấp ủy, lãnh đạo đấu tranh thông qua phát huy vai trò của chính quyền nhân dân: Cấp ủy lãnh đạo chính quyền các cấp cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về đấu tranh tư tưởng, nhất là cụ thể hóa mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp trong đấu tranh vào các hoạt động quản lý nhà nước, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội, chính quyền địa phương cần coi trọng tuyên truyền, giáo dục nhân dân nắm rõ về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực kinh tế; bao gồm những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận những quan điểm kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối, chính sách kinh tế của Đảng, Nhà nước ta; làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế nước ta, phá hoại nền kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền về sự nguy hại của âm mưu chống phá của các thế lực thù địch đối với nền kinh tế nói chung, kích hoạt quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị trong nội bộ ta nói riêng.

Thứ tư là, cấp ủy lãnh đạo đấu tranh thông qua đoàn thể chính trị - xã hội: Huy động sức mạnh tổng hợp vào công tác đấu tranh tư tưởng. Cấp ủy trong các tổ chức chính trị - xã hôi, đặc biệt là Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Công đoàn… đều có lực lượng tuyên giáo làm nòng cốt, cần xây dựng chương trình, kế hoạch đấu tranh tư tưởng trong tổ chức mình, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và lợi ích chính trị của đoàn viên, hội viên.

Năm là, thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết công tác đấu tranh: Kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết là một khâu rất quan trọng trong quy trình lãnh đạo của tổ chức đảng. Kiểm tra, giám sát là khâu không thể thiếu nhằm bảo đảm nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của cấp ủy triển khai thực hiện có hiệu quả. Sơ kết, tổng kết nhìn ra ưu điểm, nhược điểm, nguyên nhân và cách khắc phục; giúp cấp ủy phát hiện những điển hình tiên tiến, những mô hình hay, cách làm tốt để tiến hành công tác thi đua, khen thưởng; kịp thời cổ vũ, động viên, lan tỏa những tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong đấu tranh. Việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong đấu tranh phải được duy trì nền nếp, thường xuyên, có hiệu quả thiết thực.

  • Một số nhiệm vụ, giải pháp trong đấu tranh:

Một là, Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nước ta.

Trong điều kiện hiện nay, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng là “nhiệm vụ then chốt”, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là biện pháp đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Cán bộ, đảng viên phải thực sự nêu gương sáng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, trước hết. Muốn đấu tranh, trước hết phải tránh xa cám dỗ, thói hư, tật xấu, xây dựng đạo đức thực thi công vụ trong sáng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; kiên trì, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát; các tổ chức đảng, đảng viên chấp hành cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, quy định của Đảng và kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với sai phạm; các cấp ủy và tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước, nghiêm cấm để lan tuyền những thông tin sai lệch hoặc tán phát những đơn thư nặc danh, mạo danh có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động.

Hai là, tập trung đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; trong đó chú trọng đổi mới về chương trình, giáo trình, nội dung và phương pháp giảng dạy trong hệ thống các trường chính trị và hệ thống giáo dục quốc dân.

Xây dựng các chương trình, nội dung đào tạo lý luận chính trị phù hợp với đối tượng và cấp học, có tính liên thông để khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp, chưa bám sát thực tiễn gắn với việc nâng cao tính hấp dẫn trong dạy và học các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ. Chú trọng giáo dục lý luận chính trị cho thế hệ trẻ, “góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội; bảo đảm thế hệ trẻ Việt Nam luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và với chế độ”.

Ba là, đổi mới nội dung, phương thức nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ tư là, phát huy vai trò của báo chí truyền thông.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng internet và mạng xã hội, trong đó chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước.

Năm là, nhận diện rõ bản chất, bóc trần các thủ đoạn, từ đó xây dựng hệ luận cứ căn bản để phản bác những luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về tư tưởng Hồ Chí Minh, qua đó góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, củng cố địa vị chủ đạo hệ tư tưởng của Đảng ta trong đời sống tinh thần xã hội, có vai trò đặt biệt quan trọng.

Sáu là, nhận định đúng, trúng, kịp thời những luận điểm chủ yếu của người có quan điểm phản động và chủ nghĩa cơ hội.

Cụ thể: Sự nguy hiểm của chủ nghĩa cơ hội vì nó khoác áo chủ nghĩa Mác, không công khai phủ nhận chủ nghĩa Mác nhưng xuyên tạc, vứt bỏ “linh hồn” cũng như những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác, nhằm “đưa những tư tưởng tư sản và những thành phần tư sản vào trong chủ nghĩa xã hội”. Biểu hiện của Chủ nghĩa cơ hội khác nhau ở từng quốc gia, nhưng giống nhau về nội dung, bản chất chính trị - xã hội, ở tính không kiên quyết, vô nguyên tắc, không rõ ràng, lờ mờ, quanh co, do dự, thiếu kiên định, dao động về chính trị, “dễ dàng thừa nhận mọi công tác và rời bỏ mọi công thức”.

Bảy là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và đấu tranh phản bác có hiệu quả, kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch với các hình thức đa dạng, phong phú để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng.

Tăng cường thực hiện cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin, chủ động nắm bắt âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị; chủ động xây dựng kế hoạch, luận cứ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc và tạo sự thống nhất trong phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành có liên quan trên cả ba lĩnh vực lý luận chính trị, tư tưởng - văn hóa và văn học - nghệ thuật. Trong đó, các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương tiếp tục xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền sát hợp với thực tế về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… thông qua đó, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết phải học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nhận diện và kiên quyết phòng chống và ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chỉ rõ và vạch trần thủ đoạn thổi phồng những sơ hở, yếu kém trong công tác lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội của các thế lực thù địch, phản động nhằm kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đoàn kết, nhất trí trong đảng và sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Tám là, đảm bảo vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Các vua Hùng có công dựng nước. Bác cháu ta phải giữ lấy nước”. Có thể thấy rằng, như một biện chứng, chân lý, đó là: Dựng nước gắn liền với giữ nước là quy luật lịch sử của dân tộc ta. Trong thời kỳ phát triển mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bảo đảm an ninh quốc gia ngày nay bao gồm: An ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hóa, an ninh xã hội. Bảo vệ Tổ quốc ngày nay không chỉ là bảo vệ lãnh thổ, biên giới, hải đảo, vùng trời, vùng biển mà còn là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân; bảo vệ kinh tế, văn hóa, dân tộc, sự nghiệp đổi mới…

Qua gần 100 năm thành lập Đảng, gần 80 năm thành lập nước và 40 năm đổi mới đất nước, có thể nói, trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, các thế lực phản động chưa bao giờ có ý định từ bỏ việc chống phá cách mạng Việt Nam, xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hòng làm lu mờ và tiến tới xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng. Việc nhận diện, phân tích và làm rõ hoạt động chống phá của chúng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ của mọi cấp, mọi ngành, mọi lực lượng, trong đó các cơ quan thông tấn báo chí đóng vai trò đặt biệt quan trọng, góp phần định hướng, xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước - mối quan hệ quyết định sự tồn vong của Đảng. Để làm được điều đó mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, củng cố niềm tin chính trị vào Đảng, tuyệt đối trung thành bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đảng, bảo vệ nhân dân, bảo về chế độ xã hội chủ nghĩa và lan tỏa niềm tin đến đông đảo quần chúng nhân dân./.

Chú thích:

[i] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập 2, tr.289.

[ii] ĐCSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 37, tr.489

[iii] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị Quốc gia, H.2016, tr.16-17.

[iv] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr.83-84.

[v] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr.88.

[vi] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2021, tr.324.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024