ISSN-2815-5823
Sơn Hà
Thứ năm, 09h00 09/05/2024

“Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”

(KDPT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người sáng lập rèn luyện Đảng ta đã khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Lời Bác cách đây gần 70 năm vẫn vẹn nguyên giá trị, đặc biệt trong bối cảnh Đảng ta đang tích cực hướng tới tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV.
“Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân” - ảnh 1

TỪ NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ

Trong suốt chiều dài 4.000 năm lịch sử, "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định. Tiến trình ấy khởi nguyên từ cộng đồng tựa lưng non Tản, chung dòng sông Cái đến một dải non sông gấm vóc hình chữ S bên bờ biển Đông mênh mang sóng vỗ, ngày nay đã thật sự to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.

Để có được cơ đồ đó, Nhân dân là nguồn cổ vũ, động lực, sức mạnh then chốt để tạo nên khối kết liên cuốn đi mọi trở ngại trên con đường đi tới độc lập -tự do - hạnh phúc của dân tộc.

Trong quá khứ, đất nước ta đã từng phải chống chọi trước những đạo quân xâm lược khổng lồ, vượt trội về sức mạnh. “Từ Hán, Đường, Tống, Nguyên”, những triều đại phương Bắc không chỉ muốn thôn tính, mà còn đặt dã tâm đồng hóa dân tộc ta. Nhưng tất cả chỉ chung một kết cục, đó là thất bại.

Thời kỳ Bắc thuộc với hơn 1.000 năm đã là minh chứng đầu tiên cho sức mạnh to lớn của nhân dân trong quá trình tiến tới tự chủ, độc lập. Từ đó, các triều đại phong kiến sau này đã tiếp nối, tạo dựng cơ sở và củng cố, dựa vào sức dân phòng khi đất nước lâm nguy.

Lịch sử ghi nhận, thời đại Lý - Trần đã rất chú trọng tới đời sống nhân dân khi hòa bình, cố kết và phát huy sức mạnh dân tộc khi nguy biến. Ngay khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã miễn nhiều thứ thuế cho dân. Danh tướng Lý Thường Kiệt ngoài thiên tài quân sự, cũng đặc biệt chú trọng tới nhân dân, ông truyền cho các quan lại dưới quyền phải khoan hòa, giúp đỡ nhân dân. Theo đó, làm việc cốt tránh phiền dân. Sai khiến dân, cốt khuyên nhủ dân vui theo... Đem bụng khoan thư cứu dân, lấy lòng nhân ái yêu dân... Lấy sự no đủ làm nguyện vọng của dân, coi việc cày cấy làm gốc của nước...”. Đến thời đại Đông A, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã căn dặn “khoan thư sức dân” là thượng sách để giữ nước. Vua Trần Minh Tông động lòng thương xót trước sự nghèo khổ của nhân dân: “Hết thảy sinh dân đều là đồng bào của ta, nỡ lòng nào để cho bốn bể khốn cùng”.

Tinh thần ấy đều được hầu hết các triều đại phát huy. Sau mỗi cuộc vệ quốc thắng lợi, chế độ phong kiến vẫn hạn chế huy động nhân, vật lực của dân vào việc lao dịch. Thay vào đó tập trung sức dân để khôi phục kinh tế, tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo cơ sở huy động sức người sức của khi đất nước lâm nguy. Nhiều vị vua xuất phát từ “lòng dân”, “ý dân” để định ra chủ trương chính trị cho mình. Thăng Long - đất đế đô muôn đời cũng được Lý Công Uẩn lựa chọn theo tinh thần “trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”, đồng thời khẳng định nghiệp làm vương của mình là “làm cho dân được giàu của, nhiều người”.

Sau quãng thời gian chịu ách đô hộ của nhà Minh, sau khi đất nước thái bình, tới thời Lê Thánh Tông đã chủ trương triều đình phải thi hành đường lối chính trị nhân nghĩa đối với nhân dân. Nội dung cơ bản của chính sách là tập trung giảm tô, thuế; giúp cho dân được ấm no. Tới thế kỷ XIV, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng yêu cầu đường lối chính trị thân dân, lấy dân làm gốc phải được biểu hiện bằng chính sách cụ thể là chăm lo đời sống của dân; nhà vua phải soi xét đến đời sống của “những người dân nơi nhà nát xóm nghèo”. Ông khẳng định “Yên bách tính thì yên trị đạo, Thất thiên kim chớ thất nhân tâm”; “Xưa nay nước lấy dân làm gốc, được nước là bởi lẽ được dân” (Cổ lai quốc dĩ dân vi bản, Đắc quốc ưng tri tại đắc dân).

Đất nước ta đã trải qua hàng chục cuộc chiến giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Trong tất cả những cuộc trường chinh của dân tộc, chúng ta luôn ở thế yếu hơn về vật lực, ít hơn về nhân lực. Nhưng truyền thống lấy nhân dân làm gốc đã giúp chúng ta “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”, “dùng đoản binh chế trường trận”. Đó chính là sức mạnh của toàn dân. Thực tế đã chứng minh rất rõ, triều đại nào biết dựa vào dân, từ nhân dân và vì nhân dân thì chắc chắn sẽ giành thắng lợi trong đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc và mở mang bờ cõi. Còn ngược lại, triều đại nào đi ngược lại những quyền lợi của dân tộc, đi ngược lại những ý nguyện của nhân dân, không được sự ủng hộ của dân sẽ thất bại. Lời nói của tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo” khi giặc Minh sang xâm lược đã là minh chứng rõ nét, và quả thật nhà Hồ đã không thể giữ được đất nước khỏi nạn xâm lăng, bởi lòng dân không theo.

Có thể nói, “Lấy dân làm gốc” đã trở thành một nội dung cơ bản trong triết lý bảo vệ Tổ quốc Việt Nam từ xa xưa. Đây không chỉ là sách lược trong đấu tranh chống xâm lược mà còn trở thành triết lý xây dựng đất nước trong thời bình.

Trên cơ sở kế thừa vững chắc truyền thống quý báu của dân tộc và các bài học kinh nghiệm rút ra từ lịch sử, tư tưởng dân là gốc tiếp tục được bổ sung và phát triển. Đặc biệt, thế kỷ XX, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn thiện tư tưởng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tư tưởng chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ

Tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng nhấn mạnh bài học “đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” và “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”(21) là một trong những phương hướng, nhiệm vụ cơ bản, lâu dài của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thực tiễn cách mạng nước ta cũng đã chứng minh, tin vào dân, dựa vào dân, phát huy mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân là cội nguồn cho thành công của sự nghiệp cách mạng.

Nhìn lại lịch sử, để thấy rằng mọi thắng lợi đều được xây trên “nền nhân dân”. Nhìn vào quá khứ để hôm nay toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chung sức, đồng lòng “Xây dựng “thế trận lòng dân” trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Bác Hồ về thăm nhân dân xã Yên Trường, huyện Yên Định, Thanh Hóa năm 1961
Bác Hồ về thăm nhân dân xã Yên Trường, huyện Yên Định, Thanh Hóa năm 1961

ĐẾN XÂY DỰNG THẾ TRẬN LÒNG DÂN THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH

Lịch sử luôn tạo ra những thử thách cam go cho dân tộc ta. Kể từ năm 1858 tới mùa Thu cách mạng 1945, nhân dân ta đã trải qua ngót 80 năm nô lệ, chịu sự giày xéo dưới gót giày thực dân. Lòng dân khi đó đã không được các triều đại nhà Nguyễn phát huy, củng cố và xây dựng thành khối đại đoàn kết. Chỉ tới khi ngọn cờ của Đảng được dựng lên, lòng dân mới thực sự hướng về.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước...” Lòng yêu nước đó lại được nhân lên gấp bội khi ngọn cờ, ánh sáng của Đảng đã tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, cùng đi tới mục tiêu cuối cùng là giành độc lập cho dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết toàn dân tộc. Người luôn đặt đại đoàn kết dân tộc làm nội dung cốt lõi trong mọi suy nghĩ, hành động của quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc được kế thừa từ truyền thống quý báu của dân tộc, là sự tiếp thu sáng tạo quan điểm, lập trường, thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Tất cả được Người làm rõ, cụ thể hóa qua các nguyên tắc, luận điểm xác đáng và phương pháp quy tụ, phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, tổ chức lực lượng cách mạng, đoàn kết quốc tế nhằm phát huy cao nhất sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bác Hồ với nhân dân các dân tộc thiểu số Việt Bắc. (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ với nhân dân các dân tộc thiểu số Việt Bắc. (Ảnh tư liệu)

Trong bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 2 Trường Đại học nhân dân Việt Nam, ngày 8/12/1956, Người đã đúc kết một cách ngắn gọn nhưng hàm chứa đầy đủ mọi khía cạnh về nhân dân và sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.

Người đã khẳng định rằng, “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”. Người lại căn dặn: Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.

Tư tưởng của Người đã trở thành một kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong suốt tiến trình đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đảng đã tập hợp, lãnh đạo và phát huy tối đa sức mạnh của dân tộc, nhất quán, kiên trì quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử, khẳng định quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra chế độ xã hội mới, là chủ nhân của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Từ đó, đất nước ta đã đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Từ một Đảng hoạt động trong bí mật, nửa công khai đến công khai, trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, Đảng đều được nhân dân chở che, nuôi nấng và hết lòng tin theo. Đảng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ và mang đến những đỉnh cao chói lọi cho dân tộc.

Những ngày này, chúng ta đang tưng bừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024). Chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu đó chính là một trong những minh chứng rõ nét nhất của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Từ một đội quân 34 người với những vũ khí thô sơ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã đánh bại đạo quân thực dân đông gấp nhiều lần, với những vũ khí tối tân nhất lúc đó.

… Những bàn tay xẻ núi lăn bom

Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến

Mấy tầng mây gió lớn mưa to Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ

Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát Dù bom đạn xương tan, thịt nát Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh... Hỡi các chị, các anh Trên chiến trường ngã xuống Máu của anh chị, của chúng ta không uổng Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng…

(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu, 1954)

Hình ảnh những người lính pháo binh kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu TTXVN)
Hình ảnh những người lính pháo binh kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Sức mạnh nào để những anh những chị “xẻ núi, lăn bom”? Điều gì đã làm nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng? Đó chính là từ tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng ta đã khơi dậy và phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân để tạo nên những kỳ tích của thế kỷ XX lịch sử.

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc vẫn được tiếp nối, củng cố mạnh mẽ hơn. Đại thắng mùa Xuân 1975 đã thu non sông đất nước về một mối. Cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và quan điểm đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng, đưa lên nhiệm vụ hàng đầu.

Có thể kể tới một số dấu mốc cụ thể như: Ngày 24/5/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định thống nhất các đoàn thể nhân dân và các tổ chức Mặt trận dân tộc trong cả nước (Các tổ chức Mặt trận là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam). Đại hội được tổ chức tại thành phố mang tên Bác từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977. Đại hội đã quyết định lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sự kiện này chính là một dấu mốc cho bước phát triển của khối đại đoàn kết dân tộc trên phạm vi cả nước. Thành công của đại hội đã mở ra một thời kỳ hoạt động mới của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng, góp phần tích cực vào công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của dân tộc.

Tiếp đến, tại Đại hội V của Đảng khẳng định: Thành công rực rỡ của Đảng và nhân dân ta đã nhanh chóng thống nhất đất nước về mặt nhà nước, triển khai thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy quá trình thống nhất về mọi mặt, tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội V cũng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là Nhân dân lao động thực hiện quyền làm chủ tập thể của mình chủ yếu bằng Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

Tới Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, có nhiều quan điểm, chủ trương đổi mới đề cập trực tiếp đến vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo đó, Đảng xác định, “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc” xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”.

Cương lĩnh xây dựng đất nước tại Đại hội VII của Đảng đã nhấn mạnh hai bài học kinh nghiệm về đoàn kết dân tộc: (1) Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân…; (2) Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.

Văn kiện Đại hội VIII đã một lần nữa khẳng định: “Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu hôm nay”.

Tiếp tục làm rõ hơn, Đại hội IX nhấn mạnh: Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hoà các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội.

Đến Đại hội X, nhiệm vụ phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đưa vấn đề phát huy sức mạnh toàn dân tộc là một trong bốn thành tố của chủ đề Đại hội; Theo đó, coi sức mạnh dân tộc là “nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tiếp tục khẳng định quan điểm của các nhiệm kỳ đại hội trước, Đại hội XI chỉ rõ: Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân…”.

Đại hội XII nhấn mạnh yêu cầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay là phải “tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bổ sung một số nội dung, phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”. Khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc; sự lãnh đạo của Đảng là ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hình tượng
Hình tượng "em bé tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ" tại Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Hình ảnh em bé dân tộc Thái tượng trưng cho sự nối tiếp thế hệ, góp phần xây dựng quê hương Tây Bắc, đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

VÀ NHỮNG NHIỆM VỤ TRONG THỜI KỲ MỚI

Đại hội XIV tới đây của Đảng sẽ được tiến hành vào thời điểm rất có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang chung sức đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đại hội XIV sẽ diễn ra trong thời điểm đất nước ta tổng kết thành quả của 40 năm Đổi mới; 35 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đại hội cũng sẽ tổng kết, đánh giá những thành quả, đưa ra những bài học kinh nghiệm trong thời gian tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, Đại hội XIV sẽ là một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước, dân tộc, có ý nghĩa định hướng tương lai. Cùng đó, khích lệ, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định đây là sự lựa chọn đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; thực hiện các mục tiêu năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, và năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.

Và tất nhiên, Nhân dân sẽ là người thụ hưởng thành quả của cách mạng, của sự lãnh đạo toàn diện, sáng suốt dưới ngọn cờ của Đảng. Ngược lại, Đảng cũng thể hiện vai trò của mình trong việc lãnh đạo, tổ chức lãnh đạo mọi thắng lợi, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân. Như trong câu thơ của Tố Hữu đã viết: “Lòng dân yêu Đảng như là yêu con”. Trong chặng đường chiến đấu, trưởng thành đầy cam go, thử thách, Đảng ở giữa lòng Dân, Dân chở che, nuôi nấng, sẵn sàng chết vì Đảng, coi Đảng như là con đẻ của mình. Và Đảng luôn tin tưởng, yêu quý, biết ơn Dân và ngược lại.

Nhưng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài. Đảng phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân”.

Phải làm sao để “Lòng Dân yêu Đảng như là yêu con”. Mãi mãi yêu quý, tin tưởng, gắn bó giữa Đảng với Dân như cá với nước, như đất với cây, như mạch nguồn với sông suối, như những hạt mưa xuân với mầm cây, rễ cây đang rạo rực nẩy lộc đâm chồi./.

(Bài dự thi Hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ , năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội)

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024