Nỗ lực thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong hoạt động tái chế rác thải
Còn nhiều khó khăn trong việc tái chế chất thải
Hiện nay, việc tái chế chất thải không chỉ góp phần giảm lượng chất thải ra môi trường, mà còn tạo ra nguyên liệu phục vụ cho sản xuất… Tuy vậy, hoạt động này hiện vẫn chưa được như kỳ vọng.
Theo ông Hồ Kiên Trung, Cục phó Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN-MT), cho biết, hiện nay, yêu cầu của nhà nhập khẩu đối với một số loại quần áo bắt đầu phải sử dụng các nguyên liệu tái chế; các sản phẩm phải đạt tỷ lệ từ 30%-60% nguyên liệu tái chế.
Vậy, vì sao ngành tái chế chưa thể phát triển ?. Ông Hồ Kiên Trung cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do công nghệ, hạ tầng kỹ thuật ngành tái chế chưa đáp ứng; chưa đa dạng và tận dụng hết các nguồn chất thải làm nguyên liệu tái chế mà các ngành sản xuất đang cần như: chất thải từ tre, nứa, vỏ dừa để phục vụ ngành may mặc. Về tác động bên ngoài, nhiều chính sách của nhà nước vẫn chưa đáp ứng để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển tái chế.
Tái chế rác thải còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa |
Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương chưa quan tâm, hỗ trợ cho việc phân loại, tái chế chất thải. Nhiều địa phương vẫn quan niệm chất thải là chất thải nên chỉ đầu tư lò đốt, mà đốt chất thải nghĩa là chúng ta đang đốt hết tài nguyên quý giá, đốt đi cơ hội để tăng tỷ lệ tái chế cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu, đốt đi hạn ngạch carbon mà đáng lẽ chúng ta được hưởng từ việc tái chế, tái sử dụng.
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, cũng cho biết, ước tính mỗi ngày Việt Nam phát sinh khoảng 64.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt và con số này không ngừng tăng qua các năm. Trong số này, khoảng 85% lượng chất thải rắn đang được xử lý bằng cách chôn lấp. Điều này vừa khiến rác thải có nguy cơ tiếp tục gây ra ô nhiễm hệ sinh thái đất, nước và không khí, vừa phí phạm một lượng lớn tài nguyên, bởi rất nhiều rác thải có thể được xử lý thành phế liệu có giá trị kinh tế cao nếu được đưa vào tái chế, tái sản xuất.
Ứng dụng công nghệ chính là lời giải
Đối mặt với tình trạng rác thải, đặc biệt là rác thải điện tử, nhiều công ty khởi nghiệp ở Việt Nam nói riêng và tại Đông Nam Á nói chung đã sáng tạo ra các sáng kiến, công nghệ tái chế vật liệu để giải quyết thách thức phát triển môi trường bền vững.
Ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong việc tái chế rác thải là phương án tối ưu để giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường |
Theo Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (NTNU), công nghệ vật liệu liên quan đến việc nghiên cứu các loại vật liệu khác nhau - chẳng hạn như nhựa, kim loại và gốm sứ - để hiểu các đặc tính của chúng và sử dụng các vật liệu thô này tạo ra các ứng dụng mới với hình dạng và kích cỡ khác nhau, nhằm mang lại những công dụng hữu ích mới.
Ví dụ như tại tỉnh Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Năng lượng Resa đã nghiên cứu tái chế rác thải nhựa theo công nghệ không chất thải, có hiệu quả bước đầu trong việc tái chế rác thải nhựa lẫn bảo vệ môi trường.
Với phương pháp nhiệt phân rác thải nhựa, hiện nay, công ty đã xây dựng dây chuyền chiết xuất dầu, quy mô pilot; bước đầu sản xuất ra dầu nhiệt phân từ rác nhựa. Loại dầu này có đặc tính tương đương với dầu diesel và dầu hỏa, có thể dùng làm nhiên liệu đốt lò, chạy động cơ diesel.
Đại diện của công ty cho biết, đối với phương pháp nhốt nhựa, quy trình xử lý đơn giản hơn. Rác nhựa được thu gom, làm sạch sơ bộ, cho vào máy băm để nghiền thành vụn nhựa. Trộn vụn nhựa với tỷ lệ thích hợp vào xi măng, phụ gia, cốt sợi, nước tạo thành hỗn hợp vữa, đổ vào khuôn và chờ đông kết cứng, làm nguội và hoàn thiện sản phẩm. Dây chuyền công nghệ chỉ đầu tư hệ thống máy băm nhựa, máy trộn, máy mài... Đặc biệt, phương pháp này không gây ô nhiễm môi trường và có thể tái chế tất cả các loại rác nhựa.
Còn theo công ty nghiên cứu StartUs Insights xác định một số công nghệ tái chế nổi bật vào năm 2023, như tái chế cơ khí, sử dụng robot tái chế để tránh ô nhiễm rác thải, giảm nhu cầu nhân công bằng cách tự động hóa các hoạt động và áp dụng các giải pháp trí tuệ nhân tạo để phân loại các vật liệu khác nhau. Việc sử dụng robot giúp tăng hiệu quả, giảm lỗi, tăng cường kiểm soát chất lượng và cắt giảm chi phí vận hành. Một số công ty cung cấp phương tiện tái chế tự động thay thế hệ thống rác địa phương.
Ngoài ra, phương pháp quản lý chất thải bằng công nghệ Internet of Things cũng được ứng dụng mạnh mẽ. Internet of Things (IoT) cung cấp nhiều giải pháp, bao gồm cả việc quản lý rác thải hiệu quả hơn. Các công ty khởi nghiệp có thể sử dụng các cảm biến cho thùng rác của họ, thiết lập các trạm tái chế, giám sát các thùng chứa rác và tạo các báo cáo kỹ thuật số về thu gom rác thải, từ đó hợp lý hóa hoạt động hậu cần chất thải. Ứng dụng IoT, các công ty tái chế có thể biết khi nào thì thùng rác đầy và thông báo cho người thu gom rác, tối ưu hóa tần suất đổ rác.
Thúc đẩy các cơ chế, chính sách phù hợp
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26), Việt Nam đã đưa ra các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Do vậy, trong thời gian tới, tất cả hoạt động của nền kinh tế đều hướng về mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm, tăng cường tái chế, giảm phát thải carbon. Trong đó, hàng hóa muốn xuất khẩu sang các nước phải đảm bảo tín chỉ carbon, chứng minh được quá trình giảm thiểu phát thải carbon.
TS. Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam cho rằng, để thực sự có thể biến rác thải thành tài nguyên, cần tiến hành các giải pháp tổng thể.
Cụ thể, trước hết, Việt Nam cần có "Bản đồ quy hoạch Điểm xử lý rác thải" phù hợp. Việc quy hoạch phải được xem xét kỹ lưỡng, nhất quán, hạn chế thay đổi trong thời gian ngắn (10-20 năm); cố gắng đạt sự ổn định tối thiểu trong vòng 30-50 năm.
Cũng nhìn nhận trên góc độ công nghệ, GS.TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam kiến nghị: Để có thể phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên, bên cạnh việc ứng dụng chuyển giao các công nghệ của các quốc gia tiên tiến, cần hoàn thiện hoạt động thẩm định công nghệ các dự án đầu tư liên quan.
Các doanh nghiệp cần phải chú trọng hơn nữa đến công tác tái chế, tái sử dụng chất thải, định hướng phát triển các sản phẩm từ nguyên vật liệu tái chế. Đẩy mạnh công tác tái chế, tái sử dụng chất thải không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Bà Chi nói.
Hành trình phát triển bền vững liên quan đến cam kết giải quyết các thách thức về tái chế, giảm rác thải và đảm bảo các giải pháp thân thiện với môi trường hơn. Các doanh nghiệp cần nỗ lực đẩy mạnh sử dụng công nghệ vào việc xử lý rác thải cùng với đó với sự hỗ trợ của chính phủ có những biện pháp phù hợp để góp phần bảo vệ thiên nhiên, phát triển bền vững.