Kỳ vọng tăng tốc nhờ giải ngân vốn đầu tư công

Thực tế, trong nửa đầu năm 2023, thị trường xây dựng đã chịu ảnh hưởng mạnh từ việc thị trường bất động sản suy yếu, dẫn đến việc đình trệ trong thi công các dự án xây dựng nhà ở. Điều này đã khiến cho nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng trong giảm sút rõ rệt.

Trong khi đó, giai đoạn đầu năm 2023, theo báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân kế hoạch vốn 4 tháng đầu năm 2023 đạt 14,66% kế hoạch. So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân mới đạt 15,65%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%); trong đó vốn trong nước đạt 16,03% (cùng kỳ năm 2022 đạt 19,57%), vốn nước ngoài đạt 6,28% (cùng kỳ năm 2022 đạt 3,25%).

Theo báo cáo, có 03 Bộ và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (38,3%), Bến Tre (36,96%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (36,66%), Tiền Giang (33,85%), Phú Thọ (32,99%). Có 47/52 Bộ, cơ quan Trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 Bộ, cơ quan Trung ương và 01 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch.

Mặc dù giai đoạn đầu năm giải ngân vốn đầu tư công còn chậm nhưng nửa cuối năm 2023, có nhiều dự án giao thông trọng điểm gồm: Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, kinh phí là 73.300 tỷ đồng; Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (44.700 tỷ đồng); Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (22.000 tỷ đồng); Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (17.830 tỷ đồng); Đường Vành đai 4 Hà Nội (85.800 tỷ đồng). Tổng mức đầu tư cho 5 dự án trên là hơn 240.000 tỷ đồng và sẽ được giải ngân dần đến năm 2025.

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 (mã chứng khoán C4G) cho biết, theo yếu tố mùa vụ, các tháng đầu năm là giai đoạn thấp điểm thi công dự án của các doanh nghiệp xây dựng nên tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong hai quý đầu năm thường ở mức thấp. Đây cũng là thời điểm các địa phương, các bộ, ngành hoàn thiện chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Các doanh nghiệp xây dựng nói chung, Cienco 4 nói riêng có nhiều cơ hội trúng các gói thầu đầu tư công giai đoạn 2023 - 2024.

Để tận dụng tối đa nguồn lực, các nhà thầu đã tăng cường liên danh để hỗ trợ cho nhau. Cuối năm ngoái và đầu năm nay, liên danh giữa Cienco 4 và một số doanh nghiệp đã trúng gói thầu XL-01 dự án Vũng Bùng - Vạn Ninh, gói thầu XL-01 dự án Hậu Giang - Cà Mau…, tổng giá trị hơn 11.000 tỷ đồng.

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS), hiện nay Việt Nam có 22 cảng hàng không. Theo Luật Quy hoạch mới, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến 2030 tầm nhìn 2050.

Như vậy, thị trường xây dựng, vật liệu xây dựng được kỳ vọng sẽ bước qua giai đoạn khó khăn nhờ các dự án giao thông trọng điểm được giải ngân trong thời gian tới.

Thực tế… còn nhiều khó khăn

Đầu tư công có thể là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng nhưng thực tế những khó khăn mà doanh nghiệp ngành này đối diện vẫn không hề nhỏ.

Ở Công ty Cổ phần Fecon (FCN), ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho rằng, năm 2023 tiếp tục là một năm khó khăn không kém so với năm 2022. Mặc dù xây lắp là một trong những ngành được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách đẩy mạnh hoạt động đầu tư công của Chính phủ, song việc triển khai thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, mà hầu như các doanh nghiệp phải tự xoay xở.

Đơn cử như tại dự án Vĩnh Hảo 6, công ty đã phải thoái vốn để giải tỏa một phần áp lực nợ vay và tạo dư địa tài chính cho việc đẩy mạnh triển khai các gói thầu lớn trong năm 2023, nhưng chi phí tài chính, cụ thể là chi phí lãi vay vẫn là một gánh nặng lớn đối với nhiều doanh nghiệp.

“Ở giai đoạn trước, lãi suất chỉ khoảng 7 - 8%/năm nhưng hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp đang chịu mức lãi vay từ 10 - 12%/năm. Chi phí tài chính đội lên, trong khi nợ phải thu không giảm, dẫn đến tình trạng một số nhà thầu thua lỗ”, ông Khoa nói.

Thực tế, nhóm doanh nghiệp này vẫn còn nhiều khó khăn
Thực tế, nhóm doanh nghiệp này vẫn còn nhiều khó khăn.

Với Đạt Phương Group, vui khi trúng các gói thầu giá trị cao, nhưng doanh nghiệp này cũng “đau đầu” trong việc tìm nguồn lực để triển khai dự án. Đạt Phương từng phải dùng tài sản của Công ty để thế chấp vay vốn, dùng cổ phần của lãnh đạo doanh nghiệp làm tài sản đảm bảo khi phát hành trái phiếu. Trái phiếu của Đạt Phương có lãi suất 10,5%/năm trong năm đầu tiên, sau đó thả nổi, tương đương với lãi vay tại các ngân hàng.

Tính đến cuối năm 2022, Đạt Phương có tổng nợ phải trả hơn 3.932 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu (2.206,8 tỷ đồng); trong đó, nợ ngắn hạn 2.218,9 tỷ đồng, nợ dài hạn 1.713,2 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu vốn, dân thiếu việc làm, lãi suất ngân hàng cao, thuế cao so với điều kiện thực tế khiến thị trường xây dựng hầu như ngưng trệ. Lãnh đạo các hội, hiệp hội về vật liệu xây dựng cũng đề nghị sớm giảm thuế VAT 2% đến năm 2024; giảm thuế đất hết năm 2023 và cho nợ thuế đất hết năm 2024 cũng như hoàn thuế xuất nhập khẩu kịp thời.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bê tông Việt Nam Lê Quang Hùng cho rằng, cần phải chiến lược mang tính vĩ mô; trong đó, cần đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội vì đây là nhu cầu thật, cấp bách. Từ đó, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững và hỗ trợ tiêu thụ vật liệu xây dựng.