Theo PGS.TS Trần đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nền kinh tế có hai vấn đề lớn đặt ra. Thứ nhất là xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong mấy chục năm qua. Thứ hai là những nghịch lý của quá trình phát triển kinh tế vẫn đang tồn tại như một thách thức.

Doanh nghiệp giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn

PGS.TS Trần Đình Thiên chỉ ra quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam đang chứa đựng ít nhất 2 nghịch lý nổi bật.

Nghịch lý thứ nhất là, nghịch lý phát triển doanh nghiệp - doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành. Biểu hiện cụ thể nhất của việc giỏi chống chịu đó là hiếm có nước nào mà các doanh nghiệp phải trả giá vốn (lãi suất) cao như ở Việt Nam - thường cao gấp 2 - 3 lần các nền kinh tế thị trường “bình thường” trên thế giới, chưa kể các khoản “chi phí giao dịch” khác, cũng thường là cao vượt trội. Đáng nói là việc trả giá vốn cao này diễn ra trong thời gian rất dài.

PGS Trần Đình Thiên nêu bật hai nghịch lý phát triển của nền kinh tế Việt Nam
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày tham luận: "Khơi thông nguồn lực, phát huy nội lực, đưa nền kinh tế sớm phục hồi và bứt phá phát triển". (Ảnh: Quochoi.vn)

“Theo logic cạnh tranh thị trường, với gánh nặng chi phí như vậy, doanh nghiệp Việt khó có thể tồn tại trong môi trường kinh tế mở, nhất là với trình độ thấp và thực lực yếu. Thế nhưng, một cách thực tế, các doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại - một cách bền bỉ và mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước”, PGS.TS Trần Đình Thiên bình luận.

Song, câu hỏi đặt ra là tại sao với năng lực chống chịu và “trụ hạng” hiếm có như vậy mà đa số doanh nghiệp Việt mãi cứ là những thực thể nhỏ bé và yếu kém, cứ “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn”; khi “li ti hóa” trở thành xu hướng xuyên suốt quá trình phát triển của doanh nghiệp Việt, mặc dù chúng là một trong những thành tố quan trọng nhất cấu thành nội lực, quyết định sự phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Từ góc nhìn này, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, nếu đo sự phát triển doanh nghiệp theo logic “chạy tiếp sức”, sẽ thấy vấn đề tuổi thọ của doanh nghiệp Việt là đáng lo ngại. Theo thống kê chính thức, hàng năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tương đương 70% - 75% số doanh nghiệp đăng ký thành lập.

“Đây là một tỷ lệ không bình thường, hàm ý số doanh nghiệp Việt sống thọ không nhiều. Một bộ phận lớn trong số chúng chưa kịp lớn đã ra đi. Xu hướng này ngược lại khả năng sinh tồn cao của doanh nghiệp. Nó báo động chất lượng thấp, năng lực cạnh tranh yếu của doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế thế giới”, ông đánh giá.

Tình thế “nghịch lý” này được bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2023. Theo đó, trong năm 2023, số doanh nghiệp Việt thành lập mới liên tục giảm trong khi số “rút khỏi thị trường” tăng mạnh. 8 tháng qua, tỷ lệ doanh nghiệp “rút khỏi thị trường” (124.700) so với số doanh nghiệp “mới thành lập” và “gia nhập lại” (149.400) đạt xấp xỉ 84%, cao vượt trội mức 68,7% của năm trước đó.

Nền kinh tế “khát vốn” nhưng khó hấp thụ vốn

Đi cùng với nghịch lý thứ nhất là nghịch lý thứ hai - nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn.

PGS Trần Đình Thiên nêu bật hai nghịch lý phát triển của nền kinh tế Việt Nam
Nền kinh tế "khát vốn" nhưng khó hấp thụ vốn. (Ảnh minh hoạ: Hải Thu)

Theo các báo cáo, đến hết tháng 8/2023, giải ngân đầu tư công - trọng tâm của nỗ lực “bơm vốn cho nền kinh tế” của Chính phủ - được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn được coi là chậm. Giải ngân mới đạt 39,6% kế hoạch, cho dù Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã nỗ lực cao độ. Trong khi đó, ở kênh tín dụng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,5% trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14%.

“Mức tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư công thấp thật sự là điều gây bất ngờ trong bối cảnh đa số doanh nghiệp ‘đói vốn, khát vốn’ đang là một thực tế gay gắt. Nó càng khó ngờ khi trong mấy tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách và giải pháp mạnh để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp thoát khỏi tình thế khó khăn”, PGS.TS Trần Đình Thiên bày tỏ.

Cộng lực với hoạt động của Chính phủ, hệ thống ngân hàng từ đầu năm 2023 tới nay cũng làm điều “chưa từng thấy”: 4 lần hạ lãi suất, áp dụng nhiều giải pháp nới lỏng điều kiện tiếp cận vốn, cho dù áp lực nợ xấu, lạm phát, tỷ giá hối đoái và cả áp lực “phải đẩy mạnh cho vay” tiếp tục tăng.

“Nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được vốn; nhiều doanh nghiệp đói vốn nhưng lâm vào tình thế ‘không thể, không dám và không cần’ vay vốn, tùy theo hoàn cảnh mỗi doanh nghiệp. Đây thực sự là một nghịch cảnh phát triển”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Giải pháp lưu thông các nguồn lực

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, hai nghịch lý nêu trên gắn với hai loại nguồn lực quan trọng bậc nhất của nền kinh tế thị trường (vốn và doanh nghiệp), tạm đủ để luận chứng về trạng thái bất thường - khác thường của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Hai nghịch lý ấy là đủ để giúp khẳng định chính tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn.

Dẫn nguyên lý trong bộ “Tư bản” của Karl Marx - vốn phải vận động - PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, chúng ta không được phép để các nguồn lực bất động. Việc đưa các nguồn lực vào vận động, biến chúng thành động lực phải luôn luôn là trách nhiệm ưu tiên của các hoạt động điều hành. Năng lực - tiềm năng phải được chuyển hóa thành thực lực - động lực. Lợi thế so sánh, để phát huy được, phải biến thành lợi thế cạnh tranh. Không có sự chuyển hóa đó, nền kinh tế sẽ trì trệ, bất động, sẽ bị tiêu diệt trong cạnh tranh.

Và để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, ông cho rằng, cần xác lập các điều kiện sau.

Một là, hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin - cho”, “hành chính”.

Hai là, ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh). Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao.

Ba là, bảo đảm “tam thông” trong quá trình vận hành hệ thống: Thông suốt hạ tầng (thông hạ tầng kết nối, cả hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm); thông thoáng cơ chế (thể chế thị trường, công khai - minh bạch, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh...); thông minh vận hành (bộ máy điều hành đồng thuận, đồng hướng, đồng nhịp, năng động, sáng tạo...).

Đó là những đúc kết mang tính nguyên tắc - nguyên lý, nhưng thực chất là trực tiếp hướng tới giải quyết những vấn đề căn cốt đang đặt ra cho cho nền kinh tế Việt Nam ở khía cạnh tạo động lực và giải phóng năng lực phát triển.

“Có đủ căn cứ và cơ sở để nhận định rằng vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là ‘thông mạch, thông các nguồn lực’ để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển. Để giải quyết nhiệm vụ đó, định hướng ưu tiên được nhằm vào chính là: Phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm”, PGS.TS Trần Đình Thiên kết luận./.

HẢI THU (lược thuật)