Cổ đông lo giá cổ phiếu giảm khi nhiều ngân hàng chia cổ tức
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, nhiều ngân hàng đã thông qua phương án trả cổ tức. Đặc biệt, để đảm bảo tối đa quyền lợi của cổ đông, nhiều ngân hàng quyết định chia bằng cả cổ phiếu lẫn tiền mặt.
Đơn cử như SHB đã thông qua phương án chia cổ tức tại ĐHĐCĐ diễn ra chiều ngày 25/4, tỷ lệ là 16%, trong đó 11% trả bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt, tổng giá trị tương ứng khoảng 1.800 tỷ đồng.
Chủ tịch hội đồng quản trị Techcombank - Ông Hồ Hùng Anh cho biết, sau 10 năm không chia cổ tức bằng tiền mặt, năm 2024 ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 15% và bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1:1.
Tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 là 15%/cổ phiếu, tương đương với mỗi cổ phiếu sẽ nhận 1.500 đồng. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý II hoặc III/2024. Như vậy, ước tính Techcombank sẽ chi khoảng 5.284 tỷ đồng lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính.
Vào tuần trước, ĐHĐCĐ Ngân hàng MB đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2023. Tỷ lệ chia cổ tức là 20%, trong đó 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Như vậy, MB sẽ phải chi hơn 2.600 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt.
Bên cạnh đó, MB cũng phát hành thêm khoảng 796 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, giúp vốn điều lệ của ngân hàng tăng thêm gần 7.800 tỷ đồng.
Dù việc chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu là thông tin tốt, nhưng cũng có nhiều cổ đông băn khoăn về việc chia cổ tức để tăng vốn sẽ khiến cổ phiếu ngân hàng bị loãng, nói cách khác là giá cổ phiếu sẽ giảm.
Nói về vấn đề này, Tổng giám đốc Techcombank - Ông Jens Lottner cho rằng giá cổ phiếu có thể giảm một chút nhưng đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư khác mua cổ phiếu TCB với giả hợp lý.
Với các ngân hàng tốt thì không lo giá cổ phiếu giảm hoặc không tăng trở lại. Quan trọng vẫn là đánh giá về giá trị doanh nghiệp.
Theo ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB, ngoài chia cổ tức bằng tiền mặt, ngân hàng phải nâng cao sức khỏe để phát triển bền vững.
Tăng vốn điều lệ để góp phần phát triển mạng lưới kinh doanh và đem lại giá trị cho ngân hàng. Khi giá trị cổ phiếu được nâng cao, thì cùng với đó phải nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Đây là tầm nhìn chiến lược trong trung và dài hạn.
Có thể thấy, các ngân hàng đã rất mạnh tay chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ tương đối cao. Nhiều dự đoán rằng năm sau tỷ lệ chia cổ tức còn cao hơn năm nay./.
- SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I cao nhất lịch sử, mục tiêu 2024 tăng 22% và chia cổ tức 18%
- Đại hội cổ đông năm 2024: BSC đặt mục tiêu lợi nhuận 550 tỷ đồng, dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 10%