Blockchain, trí tuệ nhận tạo sẽ giúp định hình tương lai theo cách "không thể tưởng tượng nổi"
Blockchain, trí tuệ nhận tạo là then chốt trong kỷ nguyên số
Tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết năm 2023, người Việt đầu tư tiền mã hoá có thu nhập 1,8 tỷ USD, đứng thứ 3 toàn cầu về thu nhập tiền mã hoá chỉ sau Mỹ và Anh. Nhưng rất tiếc ứng dụng blockchain đang như một nền kinh tế ngầm của “Gen Y” tại Việt Nam. Theo một thống kê, kinh tế ngầm của Việt Nam chiếm từ 20 đến 30% GDP.
“Ở góc độ tích cực, tôi nhìn nhận nền kinh tế ngầm này chắc chắn có giá trị nếu như chúng ta biết chuyển hóa nó thành một nền kinh tế đóng góp khi có một khung pháp lý: Bảo vệ người tiêu dùng, hỗ trợ chính sách thuế, chống rửa tiền, chống khủng bố và những hoạt động cấp phép có điều kiện…”, ông Trung nêu.
Ông Phan Đức Trung nhấn mạnh rằng: “Nếu ngày hôm nay chúng ta vẫn tiếp tục né tránh công nghệ blockchain và chúng ta vẫn chỉ ứng dụng tuyệt đối vào những doanh nghiệp nhỏ chưa đủ lớn thì rất lãng phí. Chúng ta có thể tạo ra một lực lượng lao động, phải đưa blockchain, trí tuệ nhân tạo vào để thu hút chuyển đổi từ nền kinh tế ngầm”.
Theo ông Trung, thị trường Việt Nam đang khó khăn trong huy động vốn, ông mong rằng các bạn trẻ có thể khởi nghiệp và đi theo xu hướng, dịch chuyển các tài sản và thu hút vốn FDI... Theo đó, cần mạnh dạn hơn, khi đó không chỉ nói về nền kinh tế ngầm, giá trị bitcoin mà nói đến việc đóng góp được bao nhiêu vốn FDI…
Theo GS.TSKH Hoàng Văn Huây, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo là những công nghệ then chốt, mũi nhọn của kỷ nguyên số, của nhân loại cũng như của Việt Nam.
Ngoài ra, theo ông Huây, nếu như blockchain là cơ hội lớn nhất mà chúng ta có thể nghĩ đến trong thập kỷ tới thì trí tuệ nhân tạo là sự tiến bộ vượt bậc của loài người, giúp định hình lại tương lai theo cách không thể tưởng tượng nổi. Vì vậy những kiến thức về công nghệ blockchain cần phải được phổ cập cũng như cần phải đào tạo nhân lực để phục vụ ngành công nghệ này.
Theo đó, với sự ra đời của Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII), mục tiêu đặt ra là đào tạo, phổ cập blockchain và trí tuệ nhân tạo cho 1 triệu lượt người đến năm 2030, trong đó bao gồm 100.000 sinh viên tại 30 trường đại học trên cả nước.
“Dưới sự chỉ đạo, đặc biệt là dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng tôi đã tiến hành công tác nghiên cứu và triển khai công nghệ blockchain cũng như trí tuệ nhân tạo vào các ngành kinh tế kĩ thuật của đất nước, đặc biệt là những ngành mũi nhọn như: ngân hàng, tài chính, khoa học công nghệ, kể cả những lĩnh vực liên quan đến quốc phòng và an ninh”, ông Huây nêu.
Ưu tiên phát triển blockchain và trí tuệ nhân tạo
Ông Hoàng Văn Huây cũng nêu rằng, để không lạc hậu so với các nước tiên tiến trên thế giới về lĩnh vực này, hiệp hội đã ký kết hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức với các nước như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... để tiến hành đào tạo và phổ cập công nghệ này rộng rãi trong nhân dân, cũng như ứng dụng nó trong các ngành kinh tế kĩ thuật nói chung. Đặc biệt là trao đổi về những vấn đề có liên quan đến quy định pháp luật để công nghệ này được hoạt động tích cực trong lĩnh vực các ngành kinh tế kĩ thuật của nước ta.
“Chúng tôi mong muốn với hai công nghệ tiên tiến này, chúng ta tiếp tục áp dụng được vào trong cuộc sống, trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam để bắt kịp với những mũi nhọn phát triển kinh tế xã hội nói chung của nhân loại”, ông Huây nói.
Ông Nguyễn Hoàng Giang - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng nêu rằng, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain, trí tuệ nhân tạo có vai trò quan trọng góp phần phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
“Hệ sinh thái blockchain và trí tuệ nhân tạo của Việt Nam trong những năm gần đây đã từng bước hoàn thiện tạo nền tảng phát triển đa dạng, an toàn, tăng năng suất, hiệu quả và tính cạnh tranh của các tổ chức, doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động nghiên cứu phát triển đã dần hình thành các thương hiệu uy tín trên nền tảng công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo”, ông Giang nêu.
Theo ông Giang, ứng dụng của công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo xuất hiện trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau như tài chính, ngân hàng, y tế…
Đứng trước cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng để thúc đẩy, tạo điều kiện cho các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.
Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước đã rà soát, đánh giá để từng bước hoàn thiện những quy định, hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; sớm ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để triển khai thí điểm các sản phẩm công nghệ mới như blockchain và trí tuệ nhân tạo.
Theo ông Giang, nhận thức được tầm quan trọng của những công nghệ này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu, đưa công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo vào danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Giang nhấn mạnh, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện để các nhà khoa học, các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện các nghiên cứu đề tài và thử nghiệm, ứng dụng trong đời sống xã hội Việt Nam./.
- Khảo sát của IDC và Microsoft: Mỗi USD đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ mang về lợi nhuận 8 USD
- Cần đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào “khuôn khổ”
- Bí quyết có việc làm trong thời đại trí tuệ nhân tạo: Phải biết làm Sếp!