ISSN-2815-5823
Thiên Vân
Chủ nhật, 07h17 28/04/2024

Trung tâm thương mại TP.HCM "đắt" khách thuê

(KDPT) - Quý I/2024, mặt bằng tại các trung tâm thương mại TP.HCM đang hút khách thuê quốc tế, tỷ lệ lấp đầy luôn duy trì ở mức trên 90%.

Nhu cầu thuê mặt bằng tăng cao

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong quý I/2024, thị trường bất động sản thương mại - bán lẻ xuất hiện nhiều dấu hiệu “tăng nhiệt”. Tỷ lệ lấp đầy các trung tâm thương mại khởi sắc, vượt mức trên 90% với giá thuê duy trì mức tăng trưởng tốt. Đáng chú ý, tại khu vực trung tâm TP.HCM vẫn duy trì giá thuê ở mức cao, khoảng 140 USD/m2/tháng. Giá thuê tại khu vực ngoại trung tâm tăng nhẹ, đạt mức 40 USD/m2/tháng.

Thị trường mặt bằng trung tâm thương mại ở TP.HCM tăng nhiệt
Thị trường mặt bằng trung tâm thương mại ở TP.HCM tăng nhiệt

Các thương hiệu có nhu cầu mặt bằng lớn, chất lượng liên tục gia nhập, “tất bật” mở rộng mạng lưới. Các siêu thị và cửa hàng tiện ích như FujiMart, Takashimaya, Family Mart,... cũng đều đang liên tục tìm kiếm mặt bằng cho kế hoạch mở rộng.

Gần đây nhất, hai nhãn hàng thời trang Cartier và Rene Caovilla đã mở cửa hàng mới tại trung tâm thương mại ở quận 1, TP.HCM. Đây là hai thương hiệu bán lẻ cao cấp liên tiếp mở rộng kinh doanh trong 3 tháng đầu năm. Nhờ đó, tỷ lệ mặt bằng trống tại các trung tâm thương mại ở đô thị lớn được lấp đầy.

Quý I/2024, nhiều thương hiệu quốc tế đang có nhu cầu thuê mặt bằng tại TP.HCM
Quý I/2024, nhiều thương hiệu quốc tế đang có nhu cầu thuê mặt bằng tại TP.HCM

Báo cáo của JLL cũng cho thấy, trong quý I/2024, thị trường mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM có mức hấp thụ thuần cao, khoảng 1.900 m2. Tỷ lệ trống của các mặt bằng nằm ở vị trí trung tâm luôn duy trì ở mức thấp 1,6%. Còn những mặt bằng nằm ngoài khu vực trung tâm ghi nhận sự tăng trưởng về nhu cầu với một số giao dịch đáng chú ý, góp phần tạo ra hiệu ứng tích cực cho thị trường.

Tương tự, số liệu từ Savills Việt Nam cũng cho thấy, nhiều thương hiệu lớn đang muốn thuê mặt bằng ở các trung tâm thương mại tại thị trường phía Nam khi 67% giao dịch thuê mặt bằng đều đến từ khu vực này. Nhu cầu tăng nhưng phía cung lại giảm 2% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, sự khan hiếm mặt bằng thuê tại các trung tâm thương mại ở thị trường phía Nam.

Theo bà Giang Huỳnh - Trường phòng Nghiên cứu & S22M Savills TP.HCM, thị trường mặt bằng bán lẻ TP.HCM hiện đang trên đà phát triển nhờ triển vọng thu nhập và dân số tăng. Khi các trung tâm thương mại nội thành kín chỗ, các thương hiệu tính mở rộng ra ngoại ô. Đầu tháng này, Aeon vận hành siêu thị tinh gọn đầu tiên trong một trung tâm thương mại ở quận 7, diện tích 5.000 m2.

Bà Giang Huỳnh - Trường phòng Nghiên cứu & S22M Savills TP.HCM
Bà Giang Huỳnh - Trường phòng Nghiên cứu & S22M Savills TP.HCM

Đồng quan điểm, bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, các thương hiệu bán lẻ quốc tế đang thực hiện kế hoạch mở rộng thị phần tại Việt Nam. Những đơn vị này thường hướng đến những mặt bằng nằm ở vị trí có thể tạo được sức ảnh hưởng tốt cho tên tuổi của họ và thu hút được lượng khách tiêu dùng ổn định. Điều này khiến một số trung tâm thương mại xảy ra hiện tượng các nhà bán lẻ phải xếp hàng dài để có thể thuê được một mặt bằng tốt. 

Còn nhiều động lực tăng trưởng

Giới chuyên gia của Cushman & Wakefield Việt Nam, kể từ năm 2022, nhiều trung tâm thương mại đang tiến hành cải tạo và tái cấu trúc mặt bằng thương mại. Đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường, hứa hẹn sẽ đáp ứng phần nào sự khan hiếm nguồn cung mặt bằng. Cụ thể, trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza (quận 12, TP.HCM) đã tái gia nhập thị trường vào cuối quý III//2023 sau một thời gian dài cải tạo. Trung tâm thương mại và dịch vụ Icon 68 của tòa tháp Bitexco (quận 1, TP.HCM) cũng đang trong quá trình cải tạo, nâng cấp để nhiều nhà  hàng, dịch vụ ẩm thực cao cấp đi vào hoạt động. Nổi bật nhất là vào ngày 16/12 /2022, Diamond Plaza đã mở cửa trở lại sau khi cải tạo và đã thu hút nhiều thương hiệu cao cấp và sang trọng như Jo Malone, Chanel, Lilliput, Beauty in the Pot hotpot,... 

Bên cạnh đó, với số dân đạt gần 100 triệu người, nền kinh tế phát triển ổn định, chính sách pháp luật tốt, Việt Nam sẽ tiếp tục lọt tầm ngắm của các thương hiệu bán lẻ quốc tế. Các nhà bán lẻ nước ngoài đã hiện diện ở Việt Nam thì đang tích cực mở rộng mặt bằng ở các trung tâm thương mại, còn những tên tuổi mới thì đang tích cực tìm cơ hội để thâm nhập vào thị trường Việt Nam. 

Việt Nam đang lọt vào tầm ngắm của các thương hiệu bán lẻ quốc tế
Việt Nam đang lọt vào tầm ngắm của các thương hiệu bán lẻ quốc tế

Đưa ra dự báo về thị trường mặt bằng bán lẻ, giới chuyên gia của JLL cho biết, trong năm 2024, thị trường mặt bằng bán lẻ TP.HCM sẽ chứng kiến sự tăng trưởng nguồn cung mới với việc hoàn thành và ra mắt dự kiến của Vincom Mega Mall Grand Park. Trung tâm thương mại này sẽ nâng tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ của thành phố lên khoảng 653.000 m2. Trong khi đó, khu vực ngoài trung tâm thành phố được dự báo sẽ chứng kiến sự mở rộng đáng kể, đạt khoảng 569.000 m2, chủ yếu nhờ vào việc bổ sung trung tâm thương mại mới vào nguồn cung của thị trường này.

Thị trường mặt bằng bán lẻ TP.HCM sẽ duy trì sức nóng trong năm 2024
Thị trường mặt bằng bán lẻ TP.HCM sẽ duy trì sức nóng trong năm 2024

Bên cạnh đó, thị trường mặt bằng bán lẻ TP.HCM dự kiến sẽ duy trì sự phục hồi với giá thuê ổn định trong suốt năm 2024. Vào cuối năm, các trung tâm thương mại tại khu vực trung tâm được dự báo sẽ đạt giá thuê thuần khoảng 84 USD/m2/tháng, còn các mặt bằng ở khu ngoài trung tâm dự kiến sẽ tăng lên mức xấp xỉ 38 USD/m2/tháng nhờ vào nguồn cung mới. Nhu cầu thuê mặt bằng của các nhà bán lẻ F&B, thời trang và đồ thể thao được dự báo sẽ tăng trưởng, liên tục thiết lập sự hiện diện tại các dự án mới, góp phần củng cố triển vọng cho thị trường./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 11/05/2024