Phía Đông Hà Nội oằn mình chống đỡ ô nhiễm không khí: Nhiều dự án mở bán khốn khổ vì khách liên tục lắc đầu, quay xe
Qua khảo sát, tìm hiểu thực tế, liên tục trong nhiều tháng nay, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và đặc biệt là những quận, huyện ngoại thành ở Hà Nội như quận Long Biên, huyện Gia Lâm, Đông Anh..., hay huyện Văn Giang- Hưng Yên đang gây ra nhiều hệ luỵ về sức khoẻ cho người dân và các hoạt động làm ăn, kinh doanh của các doanh nghiệp ở đây.
Đáng chú ý, nhiều dự án mới mở bán tại khu vực này gặp khó khăn lớn như các phân khu The London, The Paris của chủ đầu tư Masterihomes tại khu đô thị ở huyện Gia Lâm hay dự án Fibonan của chủ đầu tư là công ty TNHH đầu tư phát triển An Phú ở Văn Giang, Hưng Yên... khi khách hàng liên tục từ chối môi giới hoặc thay đổi quyết định do lo ngại về chất lượng không khí. Sự suy giảm niềm tin của người mua không chỉ làm chậm tiến độ giao dịch mà còn khiến các chủ đầu tư phải vật lộn tìm cách thích nghi, điều chỉnh chiến lược tiếp thị để thu hút khách hàng trong bối cảnh đầy thách thức này.
Cư dân kêu cứu để có được “quyền hít thở”
Hàng nghìn cư dân tại Ecopark và Ocean Park đang kêu gọi sự can thiệp từ chính quyền, yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường và bảo vệ quyền được hít thở không khí sạch của cộng đồng.
Ecopark vẫn được biết đến là một đô thị sinh thái lớn, nhiều cây xanh, thơ mộng, không khí trong lành.
Nhưng, có một góc khuất ít người biết là sự ô nhiễm không khí nghiêm trọng mỗi khi màn đêm buông xuống: các nhà máy tái chế rác thải lân cận xả thải rất mạnh khi mọi người đã say ngủ và không thể nhìn thấy khói. Không chỉ có Ecopark, cư dân sống tại khu vực Oceanpark cũng phải hứng chịu sự ô nhiễm này.
Theo phản ánh của cư dân, vài tháng trở lại đây, người dân không chỉ đốt rác vào ban đêm nữa, mà suốt cả ngày, 24/7 khiến cư dân luôn phải đóng kín cửa vì sợ khí độc xộc vào nhà. Mọi người đều lo lắng cho sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Đặc biệt, vào khoảng thời gian từ chiều tối (4h-5h chiều) đến sáng sớm hôm sau (9h-10h sáng), cư dân sống tại khu vực Văn Giang, Hưng Yên và Gia Lâm, Hà Nội phải chịu đựng không khí với khói độc, mùi khét, mùi hoá chất, nhựa cháy, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe.
Nhiều ngày nay, các thiết bị đo chất lượng không khí đã chỉ ra rằng chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) đạt ngưỡng cảnh báo nguy hại cho sức khỏe, vượt xa mức an toàn do các tổ chức giáo dục khuyến nghị, thường xuyên ở ngưỡng 200-450. Đây là không khí ở mức độ đầu độc chết người.
Qua quá trình khảo sát, tìm hiểu, cư dân tại khu vực này đã xác định được một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm là do 2 nguồn chính, do khí thải từ KCN Tân Quang và làng nghề Minh Khai và đốt rác trái phép tại các bãi rác Xuân Quan, Nghĩa Trụ, Kiêu Kỵ.
Từ chiều tối (tầm 5-6h, đặc biệt về đêm tầm 10h đổ ra) những điểm gây ô nhiễm trên liên tục xả thải trái phép, khiến không khí có mùi khét lẹt. Đốt rác cùng với khí thải từ các KCN liên tục ngày đêm không nghỉ, hun chất độc liên tục vào toàn bộ khu dân cư Xuân Quan xung quanh và Ecopark.
Hàng nghìn học sinh, sinh viên Vin School, Vin Uni và các trường địa phương hàng ngày vẫn phải đến trường trong bầu không khí khét lẹt vì nhựa đốt, khói đen mù trời.
Trước thực trạng đốt rác thải bừa bãi trở thành chuyện thường ngày ở khu vực Văn Giang (Hưng Yên) này, hàng trăm nghìn cư dân sinh sống tại Ocean Park và Ecopark đang kêu cứu để có được “quyền hít thở”.
Để phản ánh nguyện vọng, người dân sống quanh các khu vực Ecopark và Ocean Park đã lập ra nhiều hội nhóm chia sẻ hình ảnh “cầu cứu” các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường, nhằm đảo bảo sức khỏe, môi trường sống cho cộng đồng dân cư trong khu vực.
Cụ thể, cư dân sinh sống tại KĐT Ecopark và Ocean Park kiến nghị chính quyền huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên và huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội giải quyết nhanh và dứt điểm tình trạng đốt rác thải sinh hoạt và công nghiệp trên địa bàn, trả lại không khí trong lành cho họ.
Yêu cầu chính quyền kiểm soát chặt chẽ KCN Tân Quang, Làng nghề Minh Khai và các KCN trong tỉnh, xả thải theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Đồng thời, cần có phương án di dời KCN và Làng Nghề ra xa khỏi khu vực đông dân cư.
Bên cạnh đó, họ cũng kiến nghị xử lý rác tại bãi Xuân Quan, Nghĩa Trụ, Kiêu Kỵ, và những bãi rác khác trong khu vực theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, không tập kết và đốt ngay tại địa phương.
Đồng thời, cũng cần có các chương trình tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về việc xử lý rác đúng cách, hạn chế đốt rác bừa bãi. Các biện pháp thu gom, phân loại và xử lý rác cần được thực hiện nghiêm túc tại từng hộ gia đình và cộng đồng.
Trong thời gian giải quyết các vấn đề ô nhiễm, các trường học tại khu vực này cần trang bị máy lọc không khí để đảm bảo sức khỏe cho học sinh được học tập trong môi trường trong
Dự án mới mở bán khốn khổ, không chốt được khách vì ô nhiễm
Khu vực phía Đông Hà Nội, vốn được kỳ vọng là "vùng đất hứa" của thị trường bất động sản với hàng loạt dự án mới, đang đối mặt với một thực trạng đáng lo ngại như trên. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của cư dân, mà còn khiến nhiều dự án bất động sản tại đây gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng.
Nhiều dự án mới mở bán ở phía Đông, điển hình là hai phân khu The Paris Vinhomes Ocean Park và The London đang phải "oằn mình" tìm kiếm khách hàng. Dù được quảng bá với thiết kế hiện đại, tiện ích cao cấp và vị trí đắc địa, hai phân khu này vẫn rơi vào cảnh ế ẩm. Nhiều khách hàng, sau khi đến tham quan, chứng kiến tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng trong khu vực, đã ngán ngẩm rời đi mà không đặt cọc.
Một trường hợp khác là dự án Fibonan, được quảng cáo nằm ở Ecopark - một khu đô thị nổi tiếng xanh sạch nhưng thực chất không phải của chủ đầu tư Ecopark. Điều này gây hiểu lầm cho nhiều khách hàng, khiến họ thất vọng khi phát hiện vị trí dự án không nằm trong khu vực được quy hoạch bài bản như kỳ vọng. Kết hợp với tình trạng không khí kém chất lượng, dự án này càng khó thuyết phục khách hàng xuống tiền.
Không chỉ khách hàng, đội ngũ môi giới bất động sản cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Anh T.H., một nhân viên kinh doanh dự án The Paris, chia sẻ: “Khách hàng không thiếu nhưng họ đến một lần rồi bỏ đi. Ai cũng lo ngại về môi trường sống khi chất lượng không khí ở đây đang ngày càng xấu đi”.
Tương tự, chị H.L. - môi giới tại dự án Fibonan cho biết: “Cứ nói dự án gần Ecopark là khách tò mò đến xem. Nhưng khi đến nơi thấy không khí ô nhiễm, họ lập tức rời đi. Tụi mình đã cố giải thích, nhưng khách hàng hiện tại rất nhạy cảm với vấn đề môi trường”.
Trong bối cảnh ô nhiễm không khí trở thành mối lo chung, các chủ đầu tư cần có chiến lược rõ ràng hơn để cải thiện niềm tin của khách hàng. Ngoài việc nâng cao chất lượng dự án, họ cần phối hợp với chính quyền và các đơn vị liên quan để đưa ra giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo môi trường sống lành mạnh cho cư dân tương lai.
Phía Đông Hà Nội vẫn là khu vực giàu tiềm năng, nhưng nếu không giải quyết được bài toán ô nhiễm, thị trường bất động sản tại đây khó có thể bứt phá. Khách hàng ngày nay không chỉ tìm kiếm một nơi ở đẹp mà còn đặt môi trường sống lên hàng đầu./.
- VARS: Việc cho phép doanh nghiệp được mua đất không phải đất ở sẽ tháo gỡ pháp lý cho loạt dự án đang “quây tôn”
- Dự án “đất vàng” sát Hồ Gươm đủ điều kiện giao dịch
- Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm, “hồi sinh” các dự án treo