ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ ba, 15h46 20/06/2023

Phục hồi đa dạng sinh học hướng tới bảo vệ tài nguyên môi trường

(KDPT) - Ngày 20/6, tại Hà Nội, Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức Hội thảo "Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu".
Quang cảnh hội thảo

PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho biết: "Với vai trò là tổ chức chính trị-xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời gian qua thực hiện nhiều nội dung nhằm góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường".

PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Đánh giá cao sáng kiến của Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc tổ chức Hội thảo "Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu" vào đúng dịp Tháng hành động vì môi trường, Ngày Môi trường Thế giới 5/6, ngày Đa dạng sinh học 22/5, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho biết: "Ngày Đa dạng sinh học 22/5/2023 với chủ đề được Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động về đa dạng sinh học.

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề "Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học" nhằm kêu gọi chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai "Sống hài hòa với thiên nhiên".

Ngày Môi trường Thế giới 05/6/2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề "Giải pháp cho ô nhiễm nhựa" (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch "Chống ô nhiễm nhựa" (Beat Plastic Pollution).

Chủ đề năm nay nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa".

Theo chia sẻ của TS. Trần Văn Miều - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: "Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học cao của thế giới, có các hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng về các nguồn gen động, thực vật quý hiếm và đặc hữu chỉ phân bố ở Việt Nam mà không có nơi nào trên Thế giới có được. Hiện nay, nước ta có 176 khu bảo tồn, trong đó có 34 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 58 khu bảo vệ cảnh quan. Trong đó có 10 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới, 10 vườn Di sản ASEAN và 2 khu di sản thiên nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long và Tràng An Ninh Bình.

Trong khuôn khổ hội nghị, các tổ chức, nhà khoa học, nhà quản lý đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận để thúc đẩy các cơ chế, chính sách nhằm thực hiện tốt hơn chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực hiệu quả để chung tay góp phần vào mục tiêu quốc gia và toàn cầu về bảo tồn thiên nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu đồng thời cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024