Tác động của công nghệ 5G hướng tới cách mạng xanh
5G là thế hệ di động mới nhất đang được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai thương mại. Theo số liệu công bố tháng 10/2023 của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA) cho thấy, sau hơn 4 năm kể từ khi Hàn Quốc triển khai mạng 5G thương mại đầu tiên trên thế giới vào tháng 4 năm 2019, đến nay trên toàn cầu đã có 292 mạng 5G thương mại và 578 nhà khai thác di động đang đầu tư vào mạng 5G.
Tương lai của kỹ thuật số sẽ là công nghệ 5G
Tiếp nối 4G, mạng truyền thông di động 5G xuất hiện trên thế giới vào khoảng năm 2020 đã chứng minh được ưu thế truyền dẫn vượt trội, nhanh gấp khoảng hơn 100 lần so với mạng 4G hiện tại, đã và đang được sử dụng một cách dần phổ biến ở nhiều quốc gia tiên tiến, có trình độ phát triển công nghệ cao.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển công nghệ internet mới nhất của thế giới. Ngay sau khi 5G xuất hiện thì Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thử nghiệm và phổ biến hệ thống truyền dẫn hiện đại này trên lãnh thổ của mình.
So với các thế hệ mạng 4G, 3G và 2G thì 5G sẽ cung cấp cho người dùng các trải nghiệm hoàn toàn mới như trải nghiệm chơi trò chơi thực tế ảo, tập thể thao cùng huấn luyện viên ảo, tham quan bảo tàng nghệ thuật ảo... Với tốc độ tối đa lý tưởng nhanh hơn gấp 100 lần 4G, mạng 5G được kỳ vọng sẽ mang đến cho người dùng trải nghiệm học tập, mua sắm và làm việc trực tuyến nhanh nhất.
Ảnh minh họa |
Đến năm 2024, mạng 5G sẽ trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành một tiêu chuẩn thông tin di động mới, cung cấp cho người dùng tốc độ dữ liệu cực nhanh và độ trễ cực thấp. Nhưng xu hướng này không dừng lại ở đó, các nghiên cứu về công nghệ di động thế hệ tiếp theo (6G) sẽ được thúc đẩy một cách mạnh mẽ bởi các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới, tạo tiền đề cho việc phát triển và thương mại hóa thế hệ di động tiên tiến sau 5G.
Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam cho biết: "Với đặc điểm siêu băng rộng, độ trễ siêu thấp, độ tin cậy siêu cao, đặc biệt là mật độ IoT (Internet vạn vật) siêu cao, 5G kỳ vọng sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế xã hội. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi 5G được đầu tư và phát triển nhanh hơn nhiều so với các thế hệ công nghệ thông tin di động trước đó".
Công nghệ 5G có tác động tích cực, to lớn với sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là đối với các quốc gia trong việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, ông Hoan nhấn mạnh.
Nhiều lĩnh vực muốn cách mạng xanh thì không thể thiếu 5G
Được đánh giá về sự vượt trội trong công nghệ với tốc độ truyền tải nhanh hơn, băng thông rộng hơn và độ trễ giảm xuống, thế hệ thứ 5 của công nghệ mạng di động (5G) mở ra khả năng phản hồi “thời gian thực”, điều mà các thế hệ trước chưa thể cung cấp được. Các thử nghiệm trên thế giới đã chứng minh rằng, 5G có thể tối ưu hóa các hoạt động sản xuất năng lượng bằng cách giám sát các tuabin gió trong thời gian thực để tối đa hóa năng suất.
Bên cạnh đó, công nghệ 5G được thiết lập để “cách mạng hóa” cách quản lý và tái chế chất thải điện tử, giúp thu thập, xử lý và sử dụng dữ liệu cho phép quản lý chất thải để tái chế hiệu quả hơn thông qua việc lập kế hoạch tốt hơn.
Dẫn chứng từ các tòa nhà ở Singapore, bằng cách theo dõi mức tiêu thụ năng lượng theo thời gian thực, cư dân có thể điều chỉnh thói quen sinh hoạt để giảm mức tiêu thụ năng lượng thông qua việc tiết kiệm điện, nước, giảm chi phí sinh hoạt và góp phần bảo vệ môi trường.
Nghiên cứu tại Vương quốc Anh chỉ ra, tiềm năng của 5G trong việc giảm lượng khí thải carbon là rất lớn. Công nghệ 5G không chỉ tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ, mà còn mang lại một bước tiến đáng kể hướng tới một tương lai bền vững không có carbon. Theo công bố, với sự hỗ trợ của 5G, kỳ vọng đến năm 2035, ngành nông nghiệp và sản xuất thực phẩm ở Anh có thể giảm lượng khí thải carbon lần lượt là 6% và 11%. Bên cạnh đó, việc khai thác công nghệ 5G có khả năng tạo ra đủ năng lượng bổ sung để sưởi ấm vào năm 2035, tương đương 2,4 triệu ngôi nhà.
Trong ứng dụng nông nghiệp thông minh, công nghệ 5G hỗ trợ canh tác đạt hiệu quả cao. Máy bay không người lái có kết nối cảm biến được kết nối qua công nghệ 5G cho phép giám sát và cung cấp phản hồi tức thì, chính xác về điều kiện đất đai, dự báo thời tiết và sức khỏe cây trồng, giảm đáng kể chất thải tác động đến môi trường và tối đa hóa năng suất.
Trong ngành bảo trì, bảo dưỡng công nghiệp, công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) kết hợp với 5G giúp đơn giản hóa quá trình lắp ráp, vận hành thiết bị thông qua việc truy cập vào hệ thống dữ liệu, thông tin sai sót của thiết bị, từ đó giảm mức tiêu thụ năng lượng (điện, nước) và lãng phí chi phí phát sinh không cần thiết khác.
Mạng 5G sẽ hỗ trợ việc tận dụng các hệ thống giao thông thông minh sử dụng radar để giám sát luồng phương tiện và người đi bộ. Điều này giúp công tác lập kế hoạch tuyến đường thông minh thông qua hoạt động cập nhật trực tiếp và liên tục theo thời gian thực, điều này sẽ giúp hành trình hiệu quả hơn, cải thiện được vấn nạn ùn tắc giao thông.
Tại Việt Nam, hệ thống khu công nghiệp, cảng biển, cảng hàng không, các trung tâm logictics có mặt ở hầu hết các tỉnh thành khu kinh tế trong cả nước. Do đó, việc ứng dụng 5G kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế nói chung và các lĩnh vực sản xuất, khai khoáng, logistics, thành phố thông minh...
Mặc dù hành trình triển khai 5G đầy thách thức, nhưng tiềm năng là rất lớn. Vượt qua những rào cản này sẽ đòi hỏi sự hợp tác giữa các công ty viễn thông, chính phủ và các bên liên quan khác. Kỳ vọng rằng trong thời gian tới, công nghệ 5G sẽ phát triển hơn nữa, tạo nên những bước chuyển đổi mới góp phần đẩy mạnh nền kinh tế đất nước, tạo nên những đóng góp thiết thực trong đời sống người dân cũng như vun đắp cho một tương lai xanh, bền vững./.