ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ ba, 15h35 07/11/2023

Tăng cường liên kết ngành trong phát triển dịch vụ logistics

(KDPT) - Các chuyên gia cho rằng, hiện nay cần khắc phục những hạn chế chủ quan và những trở lực khách quan để ngành logistics có thể phát triển như kỳ vọng. Trong đó, cần tăng tính liên kết giữa các bên của chuỗi cung ứng và các bên liên quan của ngành.

Những thách thức làm chậm bước phát triển của Logistics Việt Nam

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt khoảng 14-16%; tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.

Số doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cũng tăng nhanh về số lượng. Đến nay, có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán…

Tăng cường liên kết ngành trong phát triển dịch vụ Logistics
Ảnh minh họa

Mặc dù lĩnh vực logistics của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và đạt các kết quả tích cực nhưng trên thực tế vẫn tồn tại những hạn chế và thách thức.

Cụ thể như thể chế, chính sách đối với lĩnh vực logistics chưa đồng bộ. Về khung khổ pháp lý với ngành logistics, đã có nhiều văn bản được ban hành, song các chính sách cụ thể, chi tiết hóa các chủ trương đó vẫn chưa được thực hiện hoặc còn chồng chéo.

Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và logistics còn hạn chế, không đồng bộ, chưa tạo ra hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa giữa các phương thức đang ngày càng lớn. Việt Nam cũng còn thiếu các khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, ngành logistics Việt Nam vẫn còn một số hạn chế khi chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương.

Theo đại diện Bộ Công Thương, nguyên nhân của tình trạng này chính là sự thiếu liên kết giữa các bên của chuỗi cung ứng và các bên liên quan của ngành, thể hiện qua tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics ở Việt Nam còn thấp so với các nước phát triển khác.

Ông Trần Đức Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội, cho rằng hiện các doanh nghiệp, chủ hàng tuy đã có sự hợp tác với các đơn vị logistics nhưng chưa đi vào chiều sâu, vẫn theo kiểu thời vụ nên chưa tạo thành mạng lưới cung cấp hàng hóa và dịch vụ đến tận tay người tiêu dùng, làm giảm hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh hàng hóa giữa các bên.

Các doanh nghiệp cần tạo ra các mối liên kết trong ngành

Nhằm thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics, trong thời gian tới, bên cạnh những giải pháp căn cơ đã và đang được thực hiện, thì giải pháp cần tập trung triển khai mạnh chính là củng cố, tăng cường các mối liên kết trong ngành.

Cụ thể, cần tăng cường thực hiện liên kết các vùng kinh tế, gồm liên kết liên vùng và nội vùng trong xây dựng hệ thống logistics. Hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông và trung tâm logistics phù hợp nhằm phát huy tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý, bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, thực thi cơ chế chính sách về hoạt động logistics và các chính sách hỗ trợ khác.

Sự phối hợp, liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp thông qua cầu nối là các hiệp hội có vai trò quan trọng. Vì vậy, cần tăng cường liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp logistics và các hiệp hội ngành hàng, giữa các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp trong việc đào tạo và phát triển nhân lực phục vụ ngành logistics. Phát triển các chương trình đào tạo liên kết nhà trường và doanh nghiệp, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp phát triển đội ngũ nhân lực logistics chất lượng cao, tay nghề tốt, đáp ứng được nhu cầu thực tế công việc ngay khi ra trường.

Về phía các doanh nghiệp logistics, cần xây dựng chiến lược kinh doanh, thực hiện liên kết chiến lược, liên doanh với các đối tác hoặc hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp để tạo ra các doanh nghiệp mạnh, tăng khả năng cạnh tranh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên, ngành logistics Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Điều quan trọng là cần có những doanh nghiệp, cá nhân có đủ tâm, đủ tầm, đủ nhiệt huyết, uy tín, tích cực đứng ra kết nối, từ đó có hợp tác lâu dài, giúp ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, đồng thời tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, như kinh tế xanh, kinh tế số… nhằm đạt mức tăng trưởng cao nhất mà kế hoạch năm 2023 đề ra.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024