ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ bảy, 06h00 02/03/2024

Tạo đột phá trong hoạt động thương mại hóa các nghiên cứu khoa học công nghệ

(KDPT) - Bước sang năm 2024, với những giải pháp chính sách tạo thêm nhiều điều kiện hoạt động thương mại hóa nghiên cứu khoa học từ Nhà nước, kỳ vọng về những bứt phá mới, tăng tính liên kết giữa Nhà nước - nhà khoa học và doanh nghiệp sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và phát triển hơn nữa.

Bối cảnh thương mại hóa hoạt động khoa học hiện nay

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các yếu tố về lao động giá rẻ và vị trí địa lý không còn là lợi thế so sánh giữa các quốc gia. Thay vào đó là vai trò quyết định của khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu KH&CN và phát triển công nghệ đang trở thành vấn đề cấp thiết, nhận được sự quan tâm chung của các cơ quan quản lý, các cơ sở nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, "Thương mại hoá" (commercialization) được định nghĩa là một quá trình hay một chu kỳ giới thiệu sản phẩm mới hay phương thức sản xuất - kinh doanh mới trên thị trường. Thuật ngữ "Thương mại hoá" thường bị sử dụng nhầm lẫn với "bán hàng", "marketing" hay "phát triển kinh doanh".

Tại Việt Nam, việc đánh giá khả năng thương mại hóa khi xét duyệt nhiệm vụ nghiên cứu còn chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù trong quá trình đề xuất và xét duyệt nhiệm vụ của một số chương trình có quy định bắt buộc nhưng các nội dung liên quan đến thương mại hóa còn tương đối hình thức.

Quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học cần sự hỗ trợ với nguồn kinh phí lớn và cơ chế tài chính linh hoạt. Tại Việt Nam, các nguồn hỗ trợ để thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn chưa nhiều. Nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua các nhiệm vụ còn thiếu các mục chi và định mức chi hợp lý, cũng như sự thiếu linh hoạt về cơ chế tài chính; còn các kênh hỗ trợ quốc tế cũng chưa mang lại hiệu quả đáng kể. Đặc biệt là sự thiếu vắng các doanh nghiệp.

Để phát triển qua các bước của quá trình thương mại hóa đòi hỏi một dự án phải trải qua nhiều rào cản khác nhau về công nghệ và thị trường. Bản thân một (hoặc một nhóm) tổ chức rất khó vượt qua các rào cản này. Đây là “thung lũng chết” mà các doanh nghiệp hoặc các tổ chức chính phủ cần hỗ trợ để dự án sống sót. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam các tổ chức trung gian hỗ trợ thương mại hóa công nghệ còn thiếu và yếu. Mặt khác, mối liên kết giữa khu vực nghiên cứu và sản xuất cũng chưa phát triển. Do vậy, việc triển khai các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn.

Vẫn còn những rào cản, thiếu đồng bộ chính sách

Thương mại hóa các nghiên cứu khoa học đã từ lâu luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, còn không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp khó trong thực hiện các dự án phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ do vướng mắc từ chính sách, quá trình vận hành… dẫn đến khó khăn trong việc đưa các sản phẩm ra thị trường.

Ảnh minh họa

Theo ông Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, năm 2023, Viện đã công bố 2.211 công trình khoa học, gồm 1.738 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế và 76 bằng độc quyền phát minh sáng chế và giải pháp hữu ích.

Viện đã được cấp 76 bằng độc quyền phát minh sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích; trong đó có 3 bằng độc quyền sáng chế quốc tế. Nhiều kết quả nghiên cứu nổi bật được đánh giá cao như ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn trong phần mềm dịch ngôn ngữ hiếm, công nghệ sơn chống cháy, công nghệ sơn phản xạ nhiệt, ứng dụng công nghệ sinh học để lai tạo thành công đàn cá nemo có giá trị cao, lai tạo bê lai F1...

Tuy nhiên, đối với việc thương mại hóa các nghiên cứu khoa học trên, PGS.TS Phan Tiến Dũng - Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, điều này còn khó khăn.

Thời gian gần đây, một số chính sách của Nhà nước được ban hành chưa đồng bộ, vô tình tạo nên rào cản cho việc đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào đời sống.

Điển hình như Nghị định 70/2018 của Chính phủ về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Đây là Nghị định được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý tài sản hình thành từ kết quả nghiên cứu sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

Theo Nghị định này, trước khi thương mại hóa cần phải định giá công nghệ, tuy nhiên, đây là việc không đơn giản. Việt Nam hiện chưa có kinh nghiệm về việc định giá loại tài sản công nghệ này.

“Sau khi thương mại hóa thành công, việc phân chia quyền lợi cũng có tới 3 kiểu quy định khác nhau. Luật Quản lý và sử dụng tài sản công quy định đề tài sử dụng kinh phí Nhà nước phải hoàn trả lại Nhà nước theo tỷ lệ kinh phí đóng góp. Luật Khoa học và Công nghệ thì quy định nhà khoa học được hưởng quyền lợi tối thiểu 30%. Còn Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi thì lại quy định tỷ lệ này ở tối thiểu 20%”, PGS.TS Phan Tiến Dũng cho biết.

Đề xuất các giải pháp, tháo gỡ khó khăn

Để tạo điều kiện phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg. Tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, rà soát tổng thể và đề xuất các giải pháp phù hợp, phương án điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về thị trường khoa học và công nghệ; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, trong đó, rà soát, đề xuất, ban hành các quy định pháp luật về góp vốn, thoái vốn khi tổ chức, cá nhân góp vốn bằng kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoàn thành trong năm 2024.

Cùng với đó, chủ trì xây dựng, triển khai các chính sách cụ thể để thu hút chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia người nước ngoài tham gia vào hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ tại Việt Nam, hoàn thành trong giai đoạn 2024-2025…

Điều này sẽ góp phần tạo điều kiện để có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa viện, trường với thị trường. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thương mại hóa các nghiên cứu khoa học.

Cũng theo ông Đỗ Thành Long - Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2024, Bộ triển khai xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị 25/CT-TTg về phát triển thị trường khoa học công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.

Từ đó, nghiên cứu, đề xuất thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, Bộ tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung xây dựng luật, lập đề nghị xây dựng 4 Luật sửa đổi, trình Chính phủ 5 Nghị định liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; trong đó, việc hoàn thiện lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ được coi là nhiệm vụ trọng tâm.

Trong năm 2024, với sự hỗ trợ từ Nhà nước, kỳ vọng các hoạt động thương mại hóa nghiên cứu khoa học sẽ có những bước chạy đà hoàn hảo để từ đó có những cú bứt phá, tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa trong hành trình đổi mới phát triển. Trong sự phát triển đó, mối liên kết giữa Nhà nước - nhà khoa học và doanh nghiệp sẽ là bộ khung vững chắc để mang tới nhiều hơn nữa các sản phẩm khoa học công nghệ có hiệu quả thực tiễn đến từ trí tuệ, sức sáng tạo của các nhà khoa học Việt, từ đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/05/2024