ISSN-2815-5823
Trần Ngọc Đức
Thứ sáu, 06h00 21/06/2024

Tập đoàn Viettel: Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động số 1 Việt Nam

(KDPT) - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Tập đoàn Viettel) đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử phát triển để có được vị thế như ngày hôm nay.

Tổng quan về Tập đoàn Viettel 

Có tên đầy đủ là Tập đoàn công nghiệp Viễn thông - Quân đội Việt Nam, Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp viễn thông sở hữu số lượng khách hàng lớn nhất trên cả nước. Đây là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông với hoạt động kinh doanh khắp 13 nước từ Châu Mỹ, Châu Phi đến Châu Á. Quy mô thị trường của Viettel đạt 270 triệu dân.

Tập đoàn công nghiệp Viễn thông - Quân đội Viettel có các sản phẩm nổi bật là mạng di động Viettel Mobile và Viettel Telecom. Kể từ đầu thế kỷ XXI đến nay, Viettel đã đạt doanh thu 1,78 triệu tỷ đồng, lợi nhuận 330.000 tỷ đồng với vốn chủ sở hữu là 134.000 tỷ đồng. Trong đó, 3.500 tỷ đồng được tập đoàn sử dụng để thực hiện các chương trình xã hội. 

Tập đoàn Viettel: Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động số 1 Việt Nam - ảnh 1

Vào năm 2019, Viettel lọt vào danh sách 15 công ty viễn thông lớn nhất toàn cầu về số thuê bao. Ngoài ra, tập đoàn này còn vinh dự góp mặt trong Top 40 công ty Viễn thông lớn nhất về doanh thu. Theo Brand Finance, giá trị thương hiệu của Viettel là 4,3 tỷ USD, đưa tập đoàn này nằm trong top 500 thương hiệu lớn nhất toàn cầu.

Tập đoàn Viettel là công ty tư nhân hay nhà nước?

Là doanh nghiệp kinh tế quốc phòng với 100% số vốn nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel chịu trách nhiệm kế thừa các quyền nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của Tổng công ty Viễn thông Quân đội. Đây là một doanh nghiệp quân đội kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin, có Bộ quốc phòng thực hiện quyền chủ sở hữu.

Các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Viettel

Nhiều người không thể thống kê được toàn bộ các lĩnh vực kinh doanh của Viettel mặc dù biết đến tên của doanh nghiệp này nhiều năm qua. Hầu hết mọi người đều biết đến Viettel ở mảng viễn thông mà hiếm khi biết rằng tập đoàn còn hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực kinh doanh khác.

Tập đoàn Viettel: Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động số 1 Việt Nam - ảnh 2

Sau đây là những lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn Viettel:

  • Cung cấp sản phẩm, dịch vụ viễn thông, CNTT, phát thanh, truyền hình đa phương tiện
  • Hoạt động thương mại điện tử, bưu chính, chuyển phát
  • Thông tin và truyền thông
  • Dịch vụ tài chính, dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, trung gian tiền tệ
  • Tư vấn quản lý, khảo sát, thiết kế, dự án đầu tư
  • Xây lắp, điều hành công trình, thiết bị, hạ tầng mạng lưới viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình
  • Nghiên cứu và phát triển, kinh doanh thiết bị kỹ thuật quân sự, các công cụ hỗ trợ phục vụ quốc phòng, an ninh
  • Kinh doanh trong lĩnh vực hàng lưỡng dụng
  • Thể thao

Lịch sử hình thành và phát triển của Tập đoàn Viettel

Vào năm 1989, tiền thân của Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) - Công ty Điện tử thiết bị thông tin được thành lập.

Đến năm 1995, Công ty Điện tử thiết bị thông tin được đổi tên thành Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội. Viettel chính thức trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thứ 2 tại Việt Nam.

Vào năm 2000, Viettel được cấp phép cung cấp thử nghiệm dịch vụ điện thoại đường dài dùng công nghệ VoIP tuyến Hà Nội - TP.HCM với thương hiệu 178 và đã thành công.

Ba năm sau đó, công ty bắt đầu hoạt động và đầu tư trong những dịch vụ viễn thông cơ bản, lắp đặt tổng đài đưa dịch vụ điện thoại cố định vào thị trường. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng thực hiện phổ cập hóa điện thoại cố định tới toàn bộ các vùng miền tại Việt Nam với chất lượng phục vụ ngày càng cải thiện.

Năm 2004, chính thức đưa mạng di động 098 vào hoạt động. Đây là một cột mốc đánh dấu bước tiến lớn trong sự phát triển của Viettel Mobile và Viettel.

Năm 2005, Tổng Công ty Viễn thông quân đội được thành lập, theo quyết định của Thủ tướng Phan Văn Khải vào ngày 6/4/2004, theo Quyết định 45/2005/BQP của Bộ quốc phòng Việt Nam.

Vào năm 2007, Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) nằm trong Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel được thành lập, dựa trên cơ sở sáp nhập các Công ty Điện thoại cố định Viettel, Điện thoại di động Viettel và Internet Viettel.

Tính đến nay, Viettel Telecom đã có được những bước ngoặt quan trọng và giữ một vị thế lớn trên thị trường cũng như trở thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu của khách hàng.

  • Dịch vụ điện thoại cố định, dịch vụ Internet được phổ cập rộng rãi tới các tầng lớp dân cư và vùng miền trên khắp cả nước với hơn 1,5 triệu thuê bao
  • Dịch vụ điện thoại đường dài trong nước và quốc tế 178 được thực hiện ở khắp 64 tỉnh thành phố trên cả nước và đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu
  • Công ty có dịch vụ điện thoại di động đã vượt con số 20 triệu thuê bao, đưa tên tuổi trở thành nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động số 1 Việt Nam.

Doanh thu kỷ lục của Tập đoàn Viettel trong một vài năm qua

Vào năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel đã nộp ngân sách nhà nước 38.000 tỷ đồng. Theo ghi nhận cho thấy, quy mô doanh thu từ viễn thông trong nước tương đương với viễn thông nước ngoài.

Cụ thể, doanh thu từ viễn thông nước ngoài của công ty đạt gần 3 tỷ USD, tương đương với hơn 70.000 tỷ đồng, ngang với doanh thu từ viễn thông trong nước.

Trong năm 2022, ngoại tệ chuyển về nước của công ty đạt tới gần 500 triệu USD. Đây là mức cao nhất trong vòng nửa thập kỷ qua. Tính tổng đến nay, Viettel Group đã chuyển gần 70% tổng số tiền đầu tư nước ngoài về nước. Ngoài ra, doanh thu từ các giải pháp công nghệ thông tin cũng rất ấn tượng khi tăng trưởng đạt 58%.

Tập đoàn Viettel: Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động số 1 Việt Nam - ảnh 3

Với doanh thu hợp nhất đạt 163,8 nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ghi nhận mức tăng trưởng 6,1% trong năm 2022. Sự tăng trưởng toàn diện của Viettel được thúc đẩy bởi tất cả các lĩnh vực như đầu tư nước ngoài, viễn thông, sản xuất công nghiệp công nghệ cao và công nghệ chuyển đổi số.

Năm 2022 cũng đánh dấu năm đầu tiên Tập đoàn Viettel hoạt động dưới sự quản lý của thế hệ lãnh đạo mới. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn là Đại tá Tào Đức Thắng. Ngoài ra, các đơn vị cũng được bổ sung nhiều cán bộ trẻ. Trong bối cảnh dịch bệnh và tình hình kinh tế trên toàn cầu diễn biến phức tạp và có nhiều rủi ro, Viettel vẫn giữ vững tăng trưởng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Với doanh thu năm 2022 tăng trưởng 6,1%, Viettel ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt tới 43,1 nghìn tỷ đồng, đã tăng 3% so với năm 2021. Theo đó, công ty đã nộp ngân sách nhà nước 38.000 tỷ đồng, ngang với mức đóng góp của năm 2019 - năm trước đại dịch. Nguồn doanh thu từ viễn thông - vốn là mảng chủ lực của Viettel tiếp tục được duy trì đã giúp tập đoàn giữ vững được vị trí là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động số 1 tại Việt Nam khi chiếm 54% thị phần.

Bước sang năm 2023, doanh thu hợp nhất lĩnh vực viễn thông trong nước, nước ngoài, nghiên cứu sản xuất, chuyển đổi số và logistics của Viettel đạt 172,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm trước. Thị phần viễn thông tiếp giữ vững vị thế dẫn đầu bền vững khi tăng thêm 1,64%. 

Viettel Group không chỉ là nhà mạng có chất lượng dịch vụ tốt nhất Việt Nam mà còn là một trong những nhà mạng có chất lượng tốt nhất thế giới hiện nay. Công ty đã có dịch vụ Viettel 5G được triển khai thử nghiệm ở 500 trạm trên cả nước.

Trải qua hành trình hơn 30 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đạt được những thành tựu rất đáng ngưỡng mộ. Thành công trong mảng chủ lực đã giúp doanh nghiệp tiếp tục củng cố vị thế số 1 về cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại Việt Nam, đồng thời ngày càng mở rộng thị phần sang thị trường nước ngoài./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024