Thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp chuyển đổi số
Tỏa sáng nghị lực Việt
Khởi nghiệp đối với người bình thường đã khó, với người khuyết tật còn khó gấp rất nhiều lần. Thế nhưng, bằng ý chí, nghị lực, nhiều người khuyết tật đã vượt qua khó khăn, rào cản vươn lên phát triển kinh tế, tạo việc làm cho bản thân, người cùng cảnh ngộ, hoàn cảnh khó khăn, góp phần giúp họ vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Chia sẻ tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp với chuyển đổi số”, anh Trịnh Công Thanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật Việt Nam cho biết: "Nhiều bạn trẻ bạn trẻ khuyết tật tiêu biểu tại đây có nhiều người đã, đang kinh doanh và tham gia vào kinh doanh trên nền tảng số ở các mảng như: Quảng cáo, in ấn, đào tạo dạy nghề cho thanh niên khuyết tật; tham gia vào sàn thương mại điện tử để bán sản phẩm của quê hương. Trong cộng đồng người khuyết tật Việt Nam có nhiều người không kém gì diễn giả khuyết tật nổi tiếng Nick Vuijic. Họ là những tấm gương sáng, tiêu biểu cho ý chí, nghị lực Việt".
Hội thảo “Thực trạng và giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp với chuyển đổi số” đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ các bạn trẻ khuyết tật khởi nghiệp. |
Một trong những gương mặt tiêu biểu đó là anh Dương Đình Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mai và Dịch vụ quảng cáo B-ONE (tỉnh Đăk Lăk) bị khuyết tật vận động. Dù vậy, anh đã nỗ lực vươn lên, mở công ty truyền thông, quảng cáo, dạy thiết kế đồ họa online miễn phí bằng kênh Youtube B-One Multimedia. Chàng trai trẻ hỗ trợ cho thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Đăk Lăk khó khăn có việc làm. Công ty của anh Bảo hỗ trợ dạy nghề miễn phí cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương và tặng nhiều suất quà tới trẻ em, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Anh Dương Đình Bảo chia sẻ: “Trước đây, tôi luôn mặc cảm với hai từ khuyết tật. Năm 2015, bị tai nạn, tôi hụt hẫng, sau đó đi xin việc nhưng rất khó khăn. Tôi thấy nếu người ta thương mình thì mới nhận, còn lại bị khuyết tật rất khó hoà nhập. Năm 2016, tôi thành lập công ty về thiết kế đồ hoạ, tự chủ phát triển kinh tế và đào tạo, tạo việc làm cho những người đồng cảnh.
Anh Dương Đình Bảo chia sẻ về con đường khởi nghiệp của bản thân |
Hiện nay, kênh Tiktok của công ty có hàng chục nghìn người theo dõi. Nay, công ty có 15 máy để đào tạo online và offline. Tôi rất muốn kêt nối và nhân rộng mô hình ra các tỉnh, thành khác, để tạo nghề cho người khuyết tật, cũng như những người yêu thích đồ họa”. Anh Bảo cho hay.
Theo bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Người khuyết tật, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nói chung và nền kinh tế số nói riêng đã mở ra những cơ hội giúp người khuyết tật khởi nghiệp. Những ngành như lập trình, thiết kế đồ họa là lĩnh vực nổi trội và được các nhà tuyển dụng săn đón. Điều đó có nghĩa người khuyết tật có trình độ, chuyên môn ở các lĩnh vực trên sẽ cơ hội việc làm khá cao…
Giải pháp hỗ trợ cho các bạn trẻ khuyết tật khởi nghiệp
Hệ lụy từ chiến tranh và những vấn đề xã hội (ô nhiễm môi trường, tai nạn, thức ăn độc hại…) khiến số người khuyết tật không ngừng tăng lên trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo VietnamPlus, hiện tại nước ta có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%. Cả nước có 342.329 gia đình, cá nhân nhận đang chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Nhiều chính sách về người khuyết tật ban hành mới và điều chỉnh phù hợp với thực tế, ưu tiên bố trí nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật khởi nghiệp từ kinh doanh.
Tạo thêm những đề án trợ giúp người khuyết tật khởi nghiệp. Ảnh minh họa |
Theo bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Hà Nam với 15 năm tham gia công tác xã hội, giúp đỡ những người đồng cảnh, kiến nghị, chia sẻ rộng rãi về các chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên khuyết tật; có những hỗ trợ thực chất về công nghệ số, để người khuyết tật khởi nghiệp, hòa nhập với xã hội...
Chị Vân cho rằng: “Hiện nay có hai vấn đề đặt ra trong lĩnh vực đào tạo, đó là cần nắm bắt được xu hướng của thị trường. Không phải chúng ta dạy gì mà phải xem thị trường cần gì để dạy. Không phải chỉ là thị trường lao động cần gì hôm nay, mà tương lai thị trường cần gì. Câu chuyện đào tạo cái gì rất quan trọng, nên tôi nghĩ, chúng ta cũng cần thay đổi, kể cả “cách giải ngân”, tập trung vào việc đào tạo cái gì”.
Theo chị Vân, dạy nghề không khó mà đầu ra mới khó. Để cạnh tranh với thị trường, chúng ta phải đầu tư dài hạn.
Một số ý kiến cho rằng, các địa phương cũng thường xuyên hướng nghiệp, tạo nghề và tập hợp, khuyến khích hỗ trợ các cơ sở, tổ sản xuất, kinh doanh của những người khuyết tật trên địa bàn để tương trợ giúp nhau vươn lên. Việc liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giúp tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người khuyết tật và thanh niên nghèo tại địa phương.
Với các mô hình làm kinh tế để thoát nghèo, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để người dân vay vốn sản xuất, đào tạo và tìm việc làm, nhất là với người khuyết tật, tại các công ty, cơ sở kinh doanh... Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt, kém may mắn đã có điều kiện vượt khó, không ngừng phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no trên mảnh đất quê hương.
Theo bà Đinh Thị Thuỵ, thực tế, công nghệ hiện đại ngày nay đang dần thay thế sức lao động của con người. Con người sẽ đóng vai trò kiểm soát và điều hành nhiều hơn so với trước kia. Nhờ công nghệ hiện đại mà khoảng cách định kiến của xã hội với người khuyết tật đang ngày càng thu hẹp thông qua việc cung cấp các công cụ giao tiếp tiện lợi, sử dụng trí tuệ nhiều hơn, đặc biệt cơ hội khởi nghiệp cho người khuyết tật được mở rộng.
Người khuyết tật cần lắm những động lực để “hạt giống” kinh doanh nở rộ và phát triển rực rỡ nơi cộng đồng của những mảnh ghép còn kém may mắn.