Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh trong giao thông
Theo lộ trình, đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Cục trưởng Cục Vận tải, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, việc chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sang sử dụng điện, sử dụng 100% sang dòng xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là điều cần thiết. Do đó, cần phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới chuyển đổi theo tiêu chí xanh.
Ở góc độ đơn vị vận hành xe buýt lớn nhất Thủ đô, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, xu hướng sử dụng năng lượng xanh là yêu cầu tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cũng xác định rõ nhiệm vụ cốt lõi thời gian tới là tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị về vận hành phương tiện sử dụng năng lượng sạch để sẵn sàng triển khai khi đủ điều kiện. Đi đôi với phát triển xe buýt phải có giải pháp hiệu quả để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ và bảo đảm chất lượng phương tiện.
Từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Ảnh minh họa. |
Tại Hội thảo quốc tế “Phát triển giao thông đường bộ sử dụng điện, hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh”, ông Đào Công Quyết, đại diện cho Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam khẳng định, xe điện hóa là xu hướng chung trên toàn cầu. Minh chứng cho điều này, nhìn từ sự phát triển của thị trường ô tô ở Việt Nam, ông Đào Công Quyết cho biết, từ năm 2015 đến nay, doanh số bán của toàn thị trường từng năm tăng dần. Theo thống kê 8 tháng đầu năm, thị trường cả nước đã bán ra hơn 236.000 xe
Phương tiện công cộng cũng là một trong những trọng điểm cần được đầu tư phát triển. Trong giai đoạn 2025 – 2030, toàn bộ xe buýt Thành phố được đầu tư mới, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh; thị phần của vận tải công cộng tại Hà Nội phải đạt từ 45 – 50%. Đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện. Đến năm 2050, 100% xe taxi , xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Nhiều tuyến giao thông đã triển khai vận hành xe bus điện, xe buýt sử dụng khí CNG và đạt được những thành quả ban đầu. Cùng với đó, việc vận hành hệ thống đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông cũng gặt hái được những kết quả rất tốt, người dân tiết kiệm được tối đa thời gian di chuyển. Hành trình đi học, đi làm của học sinh sinh viên và dân công sở trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Dù là xu thế tất yếu xong để đạt được mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh vẫn còn vấp phải những cản trở, khó khăn. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được việc chuyển đổi mạnh mẽ, giá thành của phương tiện còn khá cao, quy định pháp luật còn trống vì lĩnh vực này còn mới, chưa có quy hoạch hệ thống đồng bộ với hạ tầng lưới điện, hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật cũng chưa đủ rõ ràng, dẫn tới mỗi địa phương hiểu một kiểu, có nơi cởi mở thì ủng hộ, có nơi xin thủ tục còn khó khăn.
Một số hãng sản xuất thiết bị dịch vụ phương tiện giao thông điện quốc tế nổi tiếng như ABB, Siemens và Bosch tuy đã bày tỏ quan điểm ủng hộ đối với sự phát triển phương tiện giao thông điện tại Việt Nam nhưng cũng khó có thể tham gia vào thị trường nước ta bởi thiếu quy định cụ thể.
Hà Nội đã đề ra lộ trình đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Tuy nhiên, số lượng phương tiện buýt sử dụng động cơ dầu diesel còn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi đó, giá thành xe buýt điện đang cao hơn khoảng 3,2 - 4 lần so với các loại xe buýt đang được sử dụng. Việc huy động nguồn kinh phí để chuyển đổi toàn bộ phương tiện sang sử dụng năng lượng xanh là vấn đề nan giải và không dễ khắc phục.
Nhìn chung với bối cảnh này có thể thấy để hướng đến mục tiêu "Phát triển hệ thống vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng "0" vào năm 2050" còn rất nhiều khó khăn cần các cơ quan chức năng giải quyết, khắc phục để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.