\
Ảnh minh họa.

Xác định định hướng và thực tiễn

Yêu cầu đặt ra là cần hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho việc nghiên cứu, ứng dụng ĐMST ở Việt Nam, đáp ứng trong quá trình xây dựng đội ngũ doanh nghiệp và điều này dường như đang sẵn sàng. Trên thực tế, Chính phủ, các bộ, cơ quan chức năng đang dồn sức hỗ trợ hoạt động ĐMST nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả của doanh nghiệp Việt. Những năm gần đây, Chính phủ đều chỉ đạo và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên đưa ra mục tiêu, định hướng cũng như triển khai các chương trình hành động nhằm từng bước lan tỏa phong trào ĐMST trong doanh nghiệp trên diện rộng. Đến nay, Việt Nam cũng đã hình thành một số doanh nghiệp, đơn vị hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất hiện đại mà phần lớn dựa trên nền tảng là tiếp thu công nghệ mới đồng thời chủ động sáng tạo trong khoa học công nghệ như VNPT, FPT hoặc Viettel. Đặc biệt, gần đây dư luận rất quan tâm và ủng hộ sự thành công bước đầu của FPT và Viettel trong nghiên cứu sản xuất chip; nhất là khi Viettel đề xuất nghiên cứu thiết kế để tiến tới sản xuất chip phục vụ trong nước và hướng tới xuất khẩu. Rõ ràng, dù mới là bước khởi đầu nhưng mang ý nghĩa lớn, thể hiện sức sáng tạo của doanh nghiệp Việt. Đồng thời bắt kịp xu hướng thời đại về lĩnh vực công nghệ cao, với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của thế giới. Thực tế trên cũng cho phép chúng ta mơ về việc Việt Nam xuất khẩu chip bán dẫn ra thị trường thế giới-hiện doanh số đạt khoảng 500 tỷ USD/năm.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năng lực sản xuất công nghiệp trong nước ngày càng cải thiện và đạt kết quả đáng ghi nhận. Từ đó lý giải vì sao kết quả xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo thường xuyên chiếm hơn 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nền kinh tế; cho thấy xu hướng sản xuất những sản phẩm giá trị cao, chú trọng đầu tư cho du nhập, ứng dụng và phát triển công nghệ cao của doanh nghiệp Việt nói chung.

\
Sản xuất của một doanh nghiệp có vốn EU tại Việt Nam. Ảnh minh họa: TL

Tập trung hành động

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, Bộ kế hoạch và Đầu tư, NIC đang phối hợp với các tập đoàn công nghệ trong nước và quốc tế triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo với các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới, quy trình mới. Riêng Chương trình ĐMST năm 2022 hướng đến hỗ trợ, phát triển 500 doanh nghiệp tiên phong ĐMST, dẫn dắt nền kinh tế vào năm 2030 cũng như góp phần nâng cao năng lực ĐMST trong khu vực công. Đồng thời đóng vai trò là hạt nhân phát triển hệ sinh thái ĐMST toàn diện tại Việt Nam, khởi tạo điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư công nghệ và ĐMST với sự tham gia của nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thông qua việc xác định cả thách thức cũng như thúc đẩy hoạt động ĐMST sẽ giúp tìm kiếm các giải pháp ĐMST nhằm giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia, hướng đến một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững. Từ đó, Việt Nam kêu gọi sự hợp tác giữa khu vực công, khu vực tư nhân và các đối tác trong và ngoài nước chung tay hình thành, thử nghiệm và thực thi các sáng kiến đổi mới sáng tạo vì một Việt Nam thịnh vượng...

Trong thời gian tới, Việt Nam tập trung tìm kiếm các giải pháp ĐMST và chuyển đổi số nhằm giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó tập trung vào các nội dung, mục tiêu gồm: Nâng cao năng lực quản trị của hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng nguồn thu từ mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới và nâng cao năng suất lao động từ quy trình mới, công nghệ mới.

Bên cạnh đó, tăng cường liên kết giữa khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lớn mạnh để chủ động tham gia, chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung phát triển sản xuất xanh, kinh tế số, tự động hóa...

Dù có nhiều tiềm năng, cơ hội nhưng vẫn còn một số rào cản cho thực hiện ĐMST, chủ yếu do thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, thành phố là một trong những nơi dẫn đầu cả nước về lĩnh vực bán dẫn nhưng chỉ có khoảng 1 nghìn kỹ sư vi mạch cùng hơn 2 nghìn kỹ sư chuyên ngành hệ thống nên không đủ đáp ứng yêu cầu sản xuất và tăng trưởng của ngành này. Thực tế cần có hàng chục nghìn người đạt trình độ như vậy cho ngành này…

Thực tế cũng cho thấy, để nâng cao tính sẵn sàng, năng lực tiếp thu và thực hiện ĐMST của doanh nghiệp thì rất cần sự chia sẻ, trợ giúp giữa các đơn vị. Theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC, ĐMST là động lực quan trọng của doanh nghiệp và mỗi đơn vị cần có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau. Tập đoàn luôn chào đón, tham vấn các nội dung về môi trường phát triển, khởi nghiệp trong đó tập trung vào chuyển đổi số, xây dựng văn hóa doanh nghiệp…