ISSN-2815-5823
Đỗ Phương
Thứ ba, 11h40 22/08/2023

Tiềm năng phát triển của ngành học tự động hóa tại các trường Việt Nam hiện nay

(KDPT) - Với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, tự động hóa là một trong những ngành có nhiều tiềm năng phát triển. Trong nhiều năm nay, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá đang thành ngành thu hút nhiều người học, được nhiều trường chú trọng đào tạo.

Khi nhu cầu nhân lực tự động hóa tăng cao

Trên cả nước hiện đã có hơn 50 trường đào tạo về chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Robot. Chỉ tiêu tuyển sinh cũng ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Vài năm trở lại đây, bên cạnh ngành Tự động hóa đã có thêm các trường mở thêm ngành học mới phục vụ cho ứng dụng tự động hóa như: trường Đại học Công nghiệp Hà Nội mở ngành Sản xuất thông minh (năm 2023); trường Đại học Giao thông Vận tải mở ngành Kỹ thuật robot và Trí tuệ nhân tạo (năm 2022); trường Đại học Kinh tế TPHCM ngành – Robot và Trí tuệ nhân tạo (năm 2023).

Sinh viên ngành Tự động hóa ra trường không chỉ cần nắm vững chuyên môn mà còn cần thành thạo kỹ năng thực hành. Ảnh minh họa.

TS. Phạm Việt Phương – Trưởng khoa Tự động hoá – trường Điện – Điện tử – Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ ra các yếu tố khiến ngành này có sức hút: Sự thành công của đội ngũ cựu sinh viên trong lĩnh vực tự động hoá đã góp phần nâng cao hiểu biết của học sinh và phụ huynh về lĩnh vực rõ ràng hơn. Hiện nay Việt Nam có rất nhiều nhà máy đang trong xu thế chuyển đổi số, hiện đại hoá, đây chính là cơ hội cho ngành học tự động hoá.

Theo nhận định của các chuyên gia ngành học này luôn có thu nhập cao và tương lai nghề nghiệp vô cùng mở rộng. Sinh viên theo học chuyên ngành tự động hoá thường xuyên được các nhà tuyển dụng mời làm ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

PGS.TS. Khổng Cao Phong – Trưởng khoa Cơ Điện, Trưởng Bộ môn Tự động hóa – trường Đại học Mỏ – Địa chất cũng cho biết: Chu trình phát triển của nền công nghiệp đi từ cơ khí, cơ giới hoá, tự động hoá, IoT và Trí tuệ nhân tạo. Mức phát triển mạnh mẽ nhất của Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn công nghiệp tự động hoá. Tại trường Đại học Mỏ – Địa chất có những bạn sinh viên ở vùng miền núi, khả năng nắm bắt thông tin thấp, khi đỗ và theo học các bạn mới hình dung được việc học và ngành học dẫn đến hay có xu hướng thay đổi. Vì vậy, PGS.TS. Khổng Cao Phong cũng nhấn mạnh đến việc các em phải nắm bắt được thông tin cụ thể về ngành học để đảm bảo được đúng định hướng mình theo đuổi.

Yếu tố cần của sinh viên khi theo đuổi chuyên ngành

Tự động hoá là ngành kỹ thuật, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức về truyền thông công nghiệp, tự động hóa sản xuất, thiết kế, chế tạo và điều khiển robot hay điều khiển các thiết bị và hệ thống tự động,… Đặc thù của ngành Tự động hóa đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, sinh viên ra trường không chỉ nắm vững chuyên môn mà còn cần thành thạo kỹ năng thực hành và các kỹ năng mềm khác.

Điều khiển robot là một trong những nội dung của ngành Tự động hóa.

Học sinh phải yêu thích về vật lý và toán, có khả năng học môn đó tốt, yêu thích tìm hiểu các vấn đề kỹ thuật máy móc và các giải pháp điều khiển trong tự động hoá. Tuy nhiên, cũng theo TS. Phạm Việt Phương: yêu thích, giỏi toán, vật lý không phải hoàn toàn đáp ứng được, học sinh cần phải vượt qua kỳ thi tuyển sinh của các trường, phải được tư vấn định hướng từ khi ngồi trên ghế nhà trường để hiểu rõ về ngành học, các vị trí việc làm, cơ hội nghề nghiệp trong tương lai, mức lương trung bình.

Hiện nay nhu cầu đào tạo về tự động hoá rộng, ở nhiều mức độ về chuyên môn vì vậy, chương trình đào tạo mỗi trường là khác nhau, có sự phân cấp, phân hạng giữa các nhu cầu,… PGS.TS. Khổng Cao Phong minh chứng: có những ứng dụng không đòi hỏi cao về chuyên môn nhưng lại rất nhiều trong thực tế như: tự động hoá mạch logic, xe vào Barie đóng mở tự động, điều khiển logic, bật tắt đèn khởi động động cơ,…. Ở trường hợp khác tự động hoá yêu cầu cao, đòi hỏi ở mức độ chuyên sâu. Vì vậy các trường đào tạo tự động hoá ở mức nào cũng sẽ có thị trường. Mỗi trường sẽ tự phân mức cho đầu ra của mình để phân cấp ra thị trường.

TS. Phạm Việt Phương chia sẻ, với sự bùng nổ công nghệ như hiện nay, ngành học tự động hoá phát triển mạnh, vì vậy nhu cầu đào tạo của các trường khác nhau. Mỗi trường đại học sẽ có một định hướng ứng dụng, phân khúc sinh viên và ngành học khác nhau.

Tham khảo một số trường đào tạo về chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa như: Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội; Đại học Công nghiệp Hà Nội; Đại học Giao thôn vận tải; Đại Học Thủy Lợi; Đại Học Mỏ - Địa chất; Đại Học Điện lực; Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội; Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội,...



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024