Tin khoa học - công nghệ nổi bật tuần qua: Nhiều ưu đãi hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia
Nhiều ưu đãi hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia
Theo Quyết định số 505/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10 tháng 10 hằng năm được chọn là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Năm 2023, Ngày Chuyển đổi số quốc gia lựa chọn chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.
Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số, các tổ công nghệ số cộng đồng nỗ lực "đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người" kỹ năng sử dụng các dịch vụ trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến và tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, rủi ro trên môi trường số.
Mã QR để tải bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia. |
Đặc biệt, người dân sẽ thụ hưởng những chính sách ưu đãi khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số thông qua Chương trình “Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số”, diễn ra từ ngày 1/10 - 31/10.
Tham gia Chương trình, doanh nghiệp triển khai các chính sách ưu đãi tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số, thuộc nhiều lĩnh vực như truyền hình số, viễn thông, thanh toán số, thương mại điện tử, giao thông, sách điện tử.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sẽ tiếp tục nhận thông tin của các doanh nghiệp triển khai các chính sách ưu đãi tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số năm 2023, đồng thời công khai, cập nhật thường xuyên danh sách chính sách ưu đãi tiêu dùng số của các doanh nghiệp gửi về tại Cổng thông tin điện tử Chuyển đổi số quốc gia https://dx.gov.vnvà thông báo toàn dân.
Việt Nam có 47 người vào top nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới 2023
Bảng xếp hạng được Nhà xuất bản Elsevier (chủ cơ sở dữ liệu Scopus) công bố, do nhóm nhà khoa học của GS John P.A. Ioannidis cùng các cộng sự thuộc Đại học Stanford (Mỹ) lựa chọn dựa trên cơ sở dữ liệu Scopus. Danh sách top 100.000 được chọn ra từ 210.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới xét theo bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất.
Theo bảng xếp hạng, danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng, 64 cá nhân đang công tác tại các trường đại học của Việt Nam, trong đó 47 người là nhà khoa học Việt. So với năm 2022, danh sách này tăng thêm 12.
Cụ thể, ở top 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới, Việt Nam có 7 người, tăng 5 người so với năm 2022. Gồm PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (trường Đại học Công nghệ TP HCM, xếp hạng 1.119), PGS.TS Trần Xuân Bách (Đại học Y Hà Nội, xếp hạng 3.240), TS Phạm Thái Bình (trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, xếp hạng 4.444), TS Hoàng Nhật Đức (Đại học Duy Tân, xếp hạng 5.551), GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội, xếp hạng 5.657), TS Trần Nguyễn Hải (trường Đại học Duy Tân xếp hạng 6.669), và PGS.TS Lê Hoàng Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội, xếp hạng 6.982).
GS Nguyễn Đình Đức là một trong hai nhà khoa học Việt có 5 năm liên tiếp lọt top nhà khoa học hàng đầu thế giới. Ảnh: VNU |
Danh sách này có PGS.TS Lê Hoàng Sơn và GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội), đều lọt vào top 5 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021, 2022 và 2023.
Nhiều nhà khoa học có thứ hạng tăng mạnh so với năm trước, như PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (trường Đại học Công nghệ TP HCM, xếp hạng 1.119 - năm 2022 là 17.415), PGS.TS Trần Xuân Bách (Đại học Y Hà Nội, xếp hạng 3.240 - năm 2022 là 12.132), TS Trần Nguyễn Hải (trường Đại học Duy Tân xếp hạng 6.669 - năm 2022 là 13.713), TS Phạm Thái Bình (trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, xếp hạng 4.444 - năm 2022 là 47.240), TS Vương Quân Hoàng (Đại học Phenikaa, xếp hạng 31.057 - năm 2022 là 61.452), TS Võ Nguyễn Đại Việt (trường ĐH Nguyễn Tất Thành, xếp hạng 35.261 - năm 2022 là 93.438), TS Chu Đình Tới (Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, xếp hạng 44.378- năm 2022 là 66.906).
Danh sách cũng có nhiều gương mặt mới như PGS.TS Phạm Văn Việt (trường Đại học Công nghệ TP HCM, xếp hạng 57.893), PGS.TS Bùi Xuân Thành (trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP HCM, xếp hạng 98.112).
Xây dựng hệ thống thông tin chuyên ngành hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp
Nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số (Theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”), do đó “Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản” trong nông nghiệp là bước phải thực hiện đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số toàn ngành nông nghiệp.
Hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu dựa trên nền tảng số trong nông nghiệp đáng tin cậy và hiệu quả, trong thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Tập đoàn VNPT nhằm huy động các nguồn lực tổng hợp, triển khai đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
Trong đó, VNPT AIMS là hệ thống quản lý thông tin ngành nông nghiệp do Tập đoàn VNPT nghiên cứu và phát triển với sứ mệnh đáp ứng yêu cầu quản lý toàn diện tất cả các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp, cung cấp những giải pháp thông tin hiện đại và tin cậy để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững.
Ảnh minh họa. |
Với hệ thống thông tin quản lý sẽ giúp tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, chuyên gia và nhà quản lý trong trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức và tạo ra giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.
Không chỉ vậy, nó còn góp phần nâng cao chất lượng và giá trị của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế thông qua việc cung cấp thông tin về chứng nhận sản phẩm, quy trình sản xuất và các tiêu chuẩn chất lượng.
"Sốnglab"- Bảo tàng kỹ thuật số đầu tiên tại Việt Nam
Khác với những triển lãm truyền thống đây, tại không gian triển lãm kỹ thuật số, các tác phẩm nghệ thuật được trình chiếu bằng những công nghệ hiện tại. Ở đây còn có âm thanh, ánh sáng và còn có mùi hương… tạo thành một không gian thưởng lãm nghệ thuật mới lạ và thú vị.
Sốnglab' là không gian trải nghiệm nghệ thuật kỹ thuật số quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam với tổng diện tích 1.000m2 nằm tại trung tâm TP Huế,, không gian trải nghiệm nghệ thuật kỹ thuật số "Sống Lab" có tất cả 5 phòng trình chiếu. Hiện nơi đây đang trình chiếu 8 tác phẩm nghệ thuật số của các nhà sáng tạo Việt Nam.
Bảo tàng được đặt ở vùng đất cố đô, nên hầu hết các tác phẩm đều được các nghệ sĩ lấy cảm hứng từ đời sống văn hóa Huế. Ở đây, "chất" Huế đóng vai trò là nguyên liệu mang tính gợi mở, còn câu chuyện thì được "kể" bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại, giúp khách tham quan có một cách nhìn sống động về di sản và văn hóa địa phương.
Năm 2023 cũng là kỷ niệm 30 năm quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO vinh danh. Một không gian giải trí và nghệ thuật thế hệ mới, trang bị các thiết bị và công nghệ tối tân hình thành ngay giữa trung tâm cố đô, không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn là sản phẩm du lịch nổi bật dành cho du khách trong và ngoài nước, góp phần nâng cao vị thế về du lịch và di sản cho thành phố Huế và Việt Nam.
Việt Nam xuất sắc giành 2 huy chương vàng Olympic kỳ thi IAChO
Năm 2023, kỳ thi Olympic Hóa học ứng dụng quốc tế được diễn ra tại TP. Bandung, Indonesia từ ngày 28/9-1/10. Trải qua 2 vòng thi loại, Hội Vật lý Việt Nam đã chọn được 3 học sinh xuất sắc nhất để tham dự vòng chung kết.
Kỳ thi Olympic Hóa học ứng dụng quốc tế (IAChO) được diễn ra hằng năm do Hiệp hội Khoa học Indonesia tổ chức, nhằm nâng cao khả năng của học sinh trong lĩnh vực khoa học, đặc biệt là hóa học.Tại đây, các thí sinh tham gia 2 phần thi. Phần 1 các thí sinh làm bài kiểm tra gồm các câu hỏi về lĩnh vực hóa học. Phần 2 thí sinh trình bày bài thuyết trình trước hội đồng giám khảo để kiểm tra kỹ năng giao tiếp, sáng tạo và kiến thức khoa học.
Em Lã Châu Giang, học sinh lớp 12 Hóa 1, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam (Hà Nội), đoạt huy chương vàng, xếp thứ 3 chung cuộc. |
Vượt qua các đội tuyển học sinh đến từ các nước khác nhau trên thế giới, đội tuyển học sinh Việt Nam đã xuất sắc đạt được thành tích cao tại Olympic Hóa học ứng dụng quốc tế 2023 với 2 huy chương vàng và 1 huy chương bạc.
Cụ thể, em Lã Châu Giang, học sinh lớp 12 Hóa 1, đoạt huy chương vàng, xếp thứ 3 chung cuộc; em Nguyễn Phương Minh, học sinh lớp 11 Hóa 1, đoạt huy chương vàng, xếp thứ 14 chung cuộc; em Phạm Minh Quân, học sinh lớp 11 Hóa 1, đoạt huy chương bạc, xếp thứ 19 chung cuộc. Cả 3 em đều là học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam (Hà Nội).
Cảnh báo ba hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất hiện nay
Giả mạo website, lừa đảo chiếm đoạt bằng đường link/file nén, lừa đảo thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR là những hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất hiện nay.
Người dân cảnh giác, lưu ý thực hiện các biện pháp để tránh bị lừa đảo. (Hình minh họa) |
Thông tin này được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại họp báo chiều 5-10.
Theo Cục An toàn thông tin, trong tháng 9-2023, cục đã ghi nhận ba hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất, gồm:
Một là, hình thức lừa đảo giả mạo website. Cụ thể là lợi dụng sự kiện ra mắt của Apple để lập các website giả mạo, quảng cáo bán iPhone 15 với khuyến mãi hấp dẫn, đề nghị người mua đặt cọc tiền, hay giả mạo website nền tảng Ticketbox lừa đảo bán vé concert Westlife…
Hai là, hình thức lừa đảo chiếm đoạt bằng đường link/file nén thông qua việc thu thập và đánh cắp thông tin cá nhân của học sinh bằng những đường link "khảo sát"; phát tán mã giới thiệu ứng dụng siêu thị trực tuyến có chứa mã độc...
Thứ ba là lừa đảo thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR. Mã QR này dẫn tới các trang web giả mạo ngân hàng, yêu cầu nhập thông tin cá nhân, mã OTP hoặc tới các trang quảng cáo cờ bạc để cài mã độc vào thiết bị của người dùng.
Từ thực tế nói trên, các chuyên gia của Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác, lưu ý thực hiện các biện pháp để tránh bị lừa đảo.