Tin tức khoa học - công nghệ 2/11: Việt Nam tăng bậc về chỉ số tích hợp phát triển bưu chính
Việt Nam tăng bậc về chỉ số tích hợp phát triển bưu chính
Theo đánh giá của Liên minh Bưu chính thế giới - UPU, chỉ số tích hợp phát triển bưu chính của Việt Nam năm 2022 đạt cấp độ 6, lên 1 cấp độ so với kỳ đánh giá trước.
Theo đó, chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (2IPD) của Việt Nam năm 2022 đạt 51 điểm (tăng 4,5 điểm so với năm 2021). Trong đó, các điểm thành phần của cả 4 tiêu chí đánh giá là độ tin cậy, độ phủ, tính phù hợp và khả năng phục hồi đều tăng.
Đáng chú ý, điểm số về độ tin cậy tăng mạnh nhất, từ 79,6 điểm lên 90 điểm. Điều này cho thấy sự đa dạng trong cung cấp dịch vụ, chất lượng dịch vụ cũng như tốc độ giao hàng của bưu chính Việt Nam đã được nâng cao đáng kể.
Trước đó, trong năm 2021, Việt Nam được xếp ở cấp độ 5, nhóm các nước có doanh nghiệp bưu chính được chỉ định đã đáp ứng được các yêu cầu cốt lõi để phát triển, tạo tiền đề cho sự bền vững trong tương lai và kỳ vọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Những nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường đã phát huy hiệu quả tích cực góp phần nâng cao thứ hạng bưu chính của Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
Là doanh nghiệp bưu chính được chỉ định, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam – Vietnam Post còn là thành viên tích cực trong các hội đồng, hiệp hội tại UPU. Doanh nghiệp bưu chính này đóng vai trò chủ lực trong việc triển khai các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số 2IPD, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cũng như nâng cao thứ hạng của bưu chính Việt Nam trên trường quốc tế.
Thời gian qua, những nỗ lực đáng kể từ hoạt động kiện toàn tổ chức sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao thứ hạng bưu chính của Việt Nam.
Với kết quả trên, Việt Nam được UPU xếp trong nhóm các nước đạt cấp độ 6 về chỉ số phát triển bưu chính 2IPD. Đây là cấp độ mà các doanh nghiệp bưu chính được chỉ định đã có những bước phát triển nhanh chóng thông qua các hoạt động tích cực để cải thiện và đảm bảo hiệu suất, tốc độ tăng trưởng ổn định; đồng thời đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Chip Apple M3 - M3 Pro - M3 Max: Sự khác biệt là gì? (KDPT) - Apple đã công bố dòng chip M3 tại sự kiện Mac \"Scary Fast\" vào ngày 30 tháng 10 năm 2023. Giống như các ... |
Trung Quốc chế tạo chip trí tuệ nhân tạo hiệu suất cao
Trong bài báo xuất bản trên Tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu tại khoa Kỹ thuật điện tử và Tự động hóa của Đại học Thanh Hoa cho biết, dù loại chip mới không thể ngay lập tức thay thế những con chip được sử dụng trong các thiết bị như máy tính hoặc điện thoại thông minh, nhưng nó có thể sớm được sử dụng trong các thiết bị đeo, ô tô điện hoặc nhà máy thông minh. Loại chip này hứa hẹn nâng cao khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo đại chúng.
Ảnh minh họa. |
Trung Quốc đang tăng tốc trong cuộc đua phát triển công nghệ AI với Mỹ, sau khi Washington đưa ra loạt biện pháp hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ của Bắc Kinh, bao gồm cả chip tiên tiến.
Loại chip mới được gọi là chip ACCEL (All-Analogue Chip Combining Electronics and Light), hoạt động dựa trên ánh sáng và sử dụng photon - một loại hạt cơ bản - để tính toán và truyền thông tin nhằm đạt được tốc độ tính toán nhanh hơn.
Trong thử nghiệm, chip ACCEL đạt tốc độ tính toán 4,6 PFLOPS (phép toán dấu phẩy động peta mỗi giây), nhanh hơn 3.000 lần so với chip AI thương mại được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay là A100 của Nvidia. Các nhà nghiên cứu nhận thấy chip Trung Quốc cũng tiêu thụ năng lượng ít hơn 4 triệu lần.
Không giống như chip bán dẫn, chip quang tử sử dụng các đặc tính vật lý nội tại của ánh sáng bằng cách thay thế bóng bán dẫn bằng kính hiển vi siêu nhỏ và tín hiệu điện bằng tín hiệu ánh sáng.
“Việc triển khai các hệ thống điện toán quang tử từng là một thách thức, do thiết kế cấu trúc phức tạp và dễ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn cũng như lỗi hệ thống. Nhóm nghiên cứu đã giới thiệu cách sáng tạo khung điện toán kết hợp điện toán quang tử và điện toán tương tự”, trang web của Đại học Thanh Hoa cho biết.
20 mã bí mật hàng đầu của Android cần biết (KDPT) - Mã USSD, còn được gọi thông thường là “mã bí mật”, chỉ đơn giản là mã được sử dụng để mở khóa các ... |
“Bữa tiệc công nghệ” cho thị trường điện tử Việt Nam
Triển lãm IEAE Hà Nội có quy mô lớn tại Việt Nam, quy tụ hơn 200 doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực điện tử, điện gia dụng diễn ra từ ngày 2-4/11/2023. Triển lãm Quốc tế điện tử và thiết bị thông minh Việt Nam năm 2023 (IEAE Hà Nội) với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp là các nhà sản xuất hàng đầu, trưng bày hàng chục nghìn sản phẩm điện, điện tử với công nghệ mới nhất và thịnh hành nhất.
Thống kê cho thấy, 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng điện thoại, máy vi tính, các sản phẩm điện tử, hàng điện gia dụng và linh kiện của Việt Nam từ thế giới đạt hơn 150 tỷ USD, giảm 10,7% so với năm 2022. Kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng này của Việt Nam với Trung Quốc đạt khoảng 43 tỷ USD, giảm 5,4%; trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 13,6%, ở mức 22,1 tỷ USD.
Ông Tô Ngọc Sơn- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sâu rộng, tác động đến toàn bộ nền sản xuất toàn cầu, tạo sự phát triển cho nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau. Trong số đó, không thể không nhắc tới ngành công nghệ ứng dụng với các sản phẩm điện tử và thiết bị thông minh nhằm nâng cao giá trị cuôc sống hiện đại.
Triển lãm IEAE Hà Nội khuyến khích việc nâng cao tiêu dùng các sản phẩm điện tử, giải trí chất lượng cao đồng thời sẽ tập trung trưng bày các sản phẩm với 4 ngành chính bao gồm: Điện tử - Điện gia dụng; Thiết bị thông minh; Máy tính, điện thoại, phụ kiện và thiết bị game; Linh kiện điện tử và sản phẩm khác. Triển lãm cam kết xây dựng một nền tảng mua hàng “one stop shopping” hiệu quả và chuyên nghiệp, mang lại trải nghiệm triển lãm mới mẻ và thông minh cho nhà mua tại Hà Nội và cũng như trên khắp Việt Nam.