ISSN-2815-5823
Thứ tư, 08h08 01/11/2023

TP.HCM kiến nghị giải pháp thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới

(KDPT) - Để thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp quan trọng.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả ban đầu rất quan trọng Đại biểu Quốc hội: Xây dựng nông thôn mới vẫn còn nặng thành tích

Năm 2023 được xác định là năm bản lề để thực hiện mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại TP.HCM đã đạt được những kết quả tích cực, thay đổi bộ mặt nông thôn ngoại thành TP.HCM.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại TP.HCM đã đạt được những kết quả tích cực, thay đổi bộ mặt nông thôn ngoại thành TP.HCM.

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP.HCM, nhiều địa phương ở TP.HCM đã hoàn thành chương trình nông thôn mới. Trong đó, cấp xã có 56/56 xã đã được UBND TP.HCM công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 và đạt chuẩn nâng cao giai đoạn 2016-2020. Cấp huyện có 5/5 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Để xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, TP.HCM căn cứ điều kiện thực tế kinh tế - xã hội, luôn tích cực có ý kiến đóng góp cụ thể giúp Trung ương sớm ban hành các văn bản pháp lý triển khai phù hợp với các địa phương trên cả nước nói chung và Thành phố nói riêng. Sau khi các Bộ, ngành Trung ương ban hành các văn bản triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình, thành lập Ban Chỉ đạo và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025 và đã phân công, phân nhiệm rõ ràng. Công tác phối hợp giữa các đơn vị được đảm bảo theo chức năng nhiệm vụ theo quy định.

TP.HCM thực hiện xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Để thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp quan trọng.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là ở cấp cơ sở, cấp trực tiếp tổ chức thực hiện. Các sở ngành, địa phương cần nhận thức xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị, kết quả thực hiện xây dựng nông thôn là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và mỗi cá nhân. Tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh rà soát mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 để chủ động bắt tay vào xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, gắn sát với điều kiện thực tiễn. Nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới chuyên trách ngày càng chuyên nghiệp.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về nội dung xây dựng nông thôn mới, nâng cao hơn nữa nhận thức vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị huyện, xã, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới"; Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"… Xây dựng hệ thống và tăng cường các kênh truyền thông tương tác thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới về thông tin truyền thông như mạng xã hội, ứng dụng giải trí trên thiết bị thông minh, công nghệ thực tế ảo,... nhằm nâng cao sự tương tác và tham gia của người dân; tạo các kênh truyền thông hai chiều, vừa đảm bảo mục tiêu tuyên truyền của cơ quan quản lý Nhà nước vừa tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nghiên cứu ban hành hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ và linh hoạt ở các cấp (thành phố, huyện, xã, ấp) và phù hợp với từng nhóm địa phương. Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo hướng tiếp tục sáp nhập các chương trình, dự án có cùng nội dung đầu tư, nội dung hỗ trợ trên địa bàn nông thôn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm thống nhất cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương triển khai hiệu quả các nội dung của chương trình, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn lực, đảm bảo không chồng chéo, lãng phí nguồn lực.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp ứng dụng trong các hoạt động quản lý, điều hành các cấp (huyện, xã), đặc biệt là quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn và các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự,... Đẩy mạnh quá trình số hóa, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở về kết quả xây dựng nông thôn mới. Rà soát các nội dung, định mức hỗ trợ của Nhà nước về chuyển đổi số để đề xuất áp dụng trong xây dựng nông thôn mới thông minh; chính sách khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch,… để đầu tư vào khu vực nông thôn.

Tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng internet đến cấp xã, ấp; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực.

Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị. Ưu tiên vốn đầu tư cho các hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng liên thông nông thôn - đô thị; hạ tầng về xử lý môi trường; hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin… Tăng cường phát triển đô thị ven đô theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, đưa nông nghiệp ven đô trở thành không gian sinh thái, nghỉ dưỡng, phục vụ đô thị. Thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn, bao gồm cả đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ công; đồng thời với nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Ưu tiên nguồn lực cho các địa phương thực hiện tốt, xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể để xác định, lựa chọn các địa phương có tiềm năng hoàn thành sớm công tác đạt chuẩn các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ đạt chuẩn, góp phần chung vào nhiệm vụ Thành phố sớm được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố vào năm 2025.

Ngoài nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình, cần tăng cường huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình dự án khác thực hiện trên địa bàn theo nguyên tắc ưu tiên huy động, khai thác tối đa nguồn lực trực tiếp tại địa phương, các nguồn vốn hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, nguồn huy động của cộng đồng, cá nhân để tập trung ưu tiên hỗ trợ các địa phương theo kế hoạch đạt chuẩn./.

HƯƠNG LAN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024