“Tấn công” Hoàng Sa

Ngày ấy, Đại hội cổ đông Công ty Đức Khải của đại gia chuyên buôn bán ô tô, sản phẩm điện tử và bất động sản Phạm Ngọc Lâm đã thông qua nghị quyết có một không hai: Đầu tư 100 tàu đánh cá với công suất 500 – 1.500 mã lực và 2 trực thăng để ra biển cùng ngư dân.

Ông Lâm sẽ đích thân sang các nước hàng đầu về công nghiệp đóng tàu như Hàn Quốc, Nhật, Úc mua cả trăm con tàu cũ có công suất lớn để về kinkhai thác thủy sản và cung cấp dịch vụ trên biển.

Kế hoạch này thu hút sự quan tâm đặc biệt bởi sự chuyển hướng đột ngột của một đại gia bất động sản có tiếng tăm tại Sài Gòn và lượng tàu mua lến đến 100 chiếc cùng hai trực thăng để ra biển trong bối cảnh Biển Đông đang dậy sóng.

Chia sẻ với báo chí, ông Lâm bày tỏ: suốt thời gian qua, ông rất căm phẫn trước hành vi hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Càng căm tức hơn khi nhiều con tàu của ngư dân bám biển bị tàu Trung Quốc đâm va gây thiệt hại nặng. Trước tình hình đó, ông Lâm tự đặt câu hỏi: Yêu nước thì phải làm gì để đóng góp cho đất nước? Yêu nước là phải hành động một cách thiết thực để tạo ra sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho người dân chứ không phải đứng đó mà hô hào. Ủng hộ ngư dân, ủng hộ chiến sĩ là rất tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu trực tiếp bước ra “tiền tuyến” cùng ngư dân, chiến sĩ đối diện kẻ thù.

Vậy là ông Lâm quyết định sắm tàu, máy bay “tấn công” ngư trường Hoàng Sa.

Ông Lâm cũng chia sẻ, ý tưởng táo bạo này là mơ ước của ông từ lâu nhưng chỉ đến khi Công ty CP Đức Khải hoàn thành 3 dự án bất động sản lớn ông mới thực hiện được.

Ông Phạm Ngọc Lâm chia sẻ thông tin với báo chí. Ảnh: Internet

Thông tin ban đầu cho thấy Đức Khải đã đặt mua 45 chiếc tàu đánh cá của Hàn Quốc, dự kiến cuối tháng 8/2014 sẽ về Việt Nam; 55 chiếc còn lại mua từ Nhật Bản và Úc cũng được nhập về nước đầu năm 2015.

Bên cạnh đó, Đức Khải sẽ mua 2 ụ nổi từ Đài Loan với sức chưa 5.000 tấn/ụ đặt giữa biển để tiếp nhận hải sản các tàu đưa về để phân loại bảo quản. Hai chiếc máy bay dự kiến có giá hàng chục tỷ sẽ được mua từ châu Âu để phục vụ việc cứu nạn, cứu hộ cho ngư dân trên biển đảo.

Cũng theo kế hoạch, 95 con tàu của ông Lâm sẽ nhanh chóng ra khơi đánh bắt hải sản ngay trong năm tới ở 5 ngư trường bao gồm: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa (thuộc vùng biển Hoàng Sa). Năm chiếc còn lại dùng để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhiên liệu… cung cấp cho các tàu đánh bắt cá và nhận sản phẩm từ tàu khai thác đưa vào đất liền.

Kế hoạch của Phạm Ngọc Lâm đã thu hút sự quan tâm không chỉ vì góp phần khai thác và bảo vệ biển đảo mà còn là hướng mới cho DN.

Được hỏi về việc làm trên của ông Lâm và công ty Đức Khải, Thượng tá Trần Văn Hữu, nguyên Hải đội trưởng Đoàn 125, hiện là Trưởng ban liên lạc Đoàn tàu không số Việt Nam rất hồ hởi: Nếu có 5 Phạm Ngọc Lâm nữa thôi, hoặc nhiều doanh nhân nhỏ cùng có tấm lòng và cách nghĩ như ông Lâm chẳng kẻ nào dám nhòm ngó, xâm phạm lãnh địa của chúng ta.

Nâng cao sức cạnh tranh của DN Việt

Sản xuất xe quân sự nội địa phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc – đó là ước mơ của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), ông Bùi Ngọc Huyên. Mới đây, ông Huyên đã soạn một bức thư gửi Bộ Chính trị, trong thư có đoạn:

“Chúng tôi đang nghiên cứu để có thể sản xuất được xe chỉ huy cho quân đội, công an và trong tương lai có thể là xe bọc thép loại nhỏ trang bị được súng đại liên và tên lửa bắn tăng”.
Theo nội dung bức thư này, việc sản xuất xe cho các lực lượng vũ trang là mục tiêu xa mà Vinaxuki hướng tới, để “vừa tích cực phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước, vừa góp phần chủ động sản xuất các loại trang bị, khí tài quân sự phục vụ công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và an ninh nội địa”.

Trước khi thực hiện kế hoạch đó, người đứng đầu doanh nghiệp sản xuất ôtô 100% vốn trong nước cho biết đang “quyết tâm thực hiện mục tiêu chiến lược là sản xuất ra những loại ôtô nhỏ với chất lượng nâng cao, phù hợp với khí hậu Việt Nam và giá thành thấp, nâng cao sức cạnh tranh”.

Cùng tâm tư với ông Huyên, có rất nhiều doanh nhân trăn trở những hành động thiết thực góp phần bảo vệ chủ quyền. Họ có chung một đáp án: giảm nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, khai thác thị trường nội địa, tăng tỉ lệ nội địa hóa, nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp…

Ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng – Thương mại 55 (Đà nẵng) bày tỏ: “Hơn bao giờ hết, các DN phải thấy rằng nên đoàn kết, làm ăn hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh để vươn lên mạnh mẽ, đứng vững trên thương trường. Cùng với hoạt động của mình chia sẻ tiếng nói với cộng đồng doanh nhân ở các quốc gia trên thế giới nói chung, cũng như doanh nhân Trung Quốc nói riêng để có được sự ủng hộ của họ cho vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta. Chúng tôi cũng đã kêu gọi cộng đồng DN trên cả nước không nên vì lợi ích trước mắt mà nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng, độc hại của Trung Quốc, thể hiện lòng yêu nước bằng cách không tiếp tay cho hành động phá hoại về kinh tế của một số thương lái Trung Quốc như đã diễn ra trong thời gian qua”.

Ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng – Thương mại 55 (Đà nẵng)

Đồng tình với quan điểm này, ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP SQ Việt Nam, bổ sung: “Phát triển DN mình một cách vững mạnh và bền vững, đóng góp nguồn lực vào phát triển kinh tế chung mà trong đó là nắm bắt xu hướng về việc Việt Nam gia nhập Hiệp Định đối tác kinh tế Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định tạo điều kiện cho DN hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Hiệp định TPP là sự đối trọng về chính trị và kinh tế rất lớn với Trung Quốc và Mỹ và có lợi cho nền kinh tế Việt Nam về xuất khẩu, thương mại”.

Một ngày mới đã đến, nắng đã lên từ phía biển Đông đang cuộn sóng chân trời, doanh nhân Việt Nam cũng đã “ra khơi”, tin tưởng rằng cũng với lòng yêu nước, sự quyết tâm, họ sẽ cùng ngư dân và chiến sĩ biển đảo “bám biển, vươn khơi” để góp phần và sự trường tồn của dân tộc…

Trung Linh