ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 10h31 14/03/2024

Trí tuệ nhân tạo (AI) đem đến cơ hội cũng như rủi ro cho tương lai báo chí

(KDPT) - Hiện chúng ta đang sử dụng AI như một trào lưu, dần phụ thuộc vào những tiện ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta chỉ nhìn thấy ra những cái lợi thế của nó mà chúng ta chưa nhận thấy những rủi ro tiềm ẩn đằng sau. Nhiều cơ quan báo chí đã nhìn rõ ảnh hưởng của AI và đang có những hành động để thích ứng và thay đổi.

Cần một mô hình phù hợp với báo chí hiện đại

Hiện nay, một xã hội số gắn liền với Internet đã không còn quá xa lạ với mọi người. Lĩnh vực báo chí cũng không nằm ngoài xu thế đó khi đa phần những công nghệ làm báo tân tiến đã có mặt tại Việt Nam, từ các thiết bị phát thanh - truyền hình cho đến các hệ thống quản trị nội dung cho báo điện tử, từ các hệ thống công nghệ phức tạp cho tòa soạn tới những công cụ tác nghiệp cá nhân của các nhà báo.

Báo chí và cuộc chạy đua với AI. (Ảnh minh họa)
Báo chí và cuộc chạy đua với AI. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, sở hữu hệ thống công nghệ hay máy móc hiện đại không đồng nghĩa với một tòa soạn hiện đại và một phương thức làm báo hiện đại, nếu không đi kèm một chiến lược rõ ràng, biết công nghệ nào là hữu ích cho tờ báo của mình hoặc công nghệ nào không phù hợp, để tránh đầu tư dàn trải và tốn kém.

Tại Hội thảo "Tương lai báo chí và trí tuệ nhân tạo" diễn ra chiều ngày 13/3, nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng biên tập báo Nhân Dân cho rằng: "Mỗi cơ quan báo chí hãy tìm ra phần sức mạnh của mình, để tạo ra mô hình kinh doanh phù hợp. Không có mô hình kinh doanh nào là đúng với tất cả mọi cơ quan báo chí, nhưng mà nếu biết tận dụng phân khúc, lợi thế của mình thì sẽ rất hiệu quả".

Nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập báo Nhân Dân chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: Việt Anh)
Nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập báo Nhân Dân chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: Việt Anh)

Trong thời đại công nghệ số đang phát triển không ngừng, trí tuệ nhân tạo đang bước đến một giai đoạn mới không còn trí tuệ nhân tạo mà như chúng ta nói từ xưa nữa. Giờ AI có thể tự động phân tích để nắm bắt người dùng, theo dõi người dùng và bây giờ đã nâng cấp lên rất nhiều. Công nghệ ngày nay là một đồng minh rất là quan trọng để tạo ra báo chí chất lượng cao và ngay kể cả những cơ quan báo chí ở những quốc gia nhỏ cũng sẽ được lợi rất nhiều từ việc này, tất nhiên cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. 

"Hiện chúng ta sử dụng AI như một cái trào lưu, một cơn sốt và chúng ta có đề cập đến tiện ích rất nhiều nhưng đôi khi chúng ta chỉ nhìn thấy ra những cái lợi thế của nó mà chưa nhận thấy những rủi ro có thể mang lại. Nếu đặt câu hỏi là trong 12 tháng tới thì lĩnh vực nào được ưu tiên thì hầu như các cơ quan báo chí đều cho rằng đầu tư vào AI là rất quan trọng, bên cạnh phân tích dữ liệu và video như là Audio Podcast...

Tuy nhiên, chỉ có 34% thì rất lạc quan rằng, AI tạo sinh sẽ mang lại cơ hội cho họ, có 8% thì hoàn toàn không lạc quan chút nào. Tuy nhiên, có 67% các cơ quan cho rằng là không được chuẩn bị tốt để đón bắt những cơ hội mà AI mang lại", ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Từ những lợi ích mà AI mang đến...

Thực tế, AI đã được nhiều cơ quan báo chí tại Việt Nam sử dụng và mang lại những thành công nhất định. Phó Tổng Biên tập VietnamPlus - ông Nguyễn Hoàng Nhật đã dẫn ra ví dụ của một số cơ quan báo chí tại Việt Nam như VnExpress đã sử dụng AI để sản xuất bản tin podcast tổng hợp.

Ông Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng Biên tập VietnamPlus. (Ảnh: Đức Nguyên)
Ông Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng Biên tập VietnamPlus. (Ảnh: Đức Nguyên)

Ngoài ra, AI cũng được một số cơ quan báo chí sử dụng để lọc và đẩy tự động bình luận của độc giả trên các bài báo. Với trang báo có lượng truy cập rất lớn như VnExpress, những bài có đến hàng nghìn bình luận, AI thực sự hữu ích. Ông Nhật nhấn mạnh: "Nhờ tiết kiệm được nhân lực ở một số khâu như vậy mà nhân lực được tối ưu hóa để sản xuất các sản phẩm báo chí chất lượng cao khác".

Đối với VietnamPlus, việc vẽ biểu đồ công việc mà khá nhiều phóng viên thấy vất vả đã được thực hiện bằng công cụ tự động từ nhiều năm, phóng viên chỉ cần nhập dữ liệu vào và đã có thể vẽ được biểu đồ chỉ sau vài phút. Tại VietnampPus, AI cũng đang hỗ trợ nhiều trong việc dịch văn bản, tóm tắt tin, soát chính tả hoặc hỗ trợ phóng viên chuyển từ giọng nói sang văn bản hoặc ngược lại dựa trên nền tảng lõi ChatGPT4.

Nhìn ra thế giới, chuyên gia Peter Bale, trưởng bộ phận Sáng kiến tòa soạn của INMA (Hiệp hội Truyền thông quốc tế) từng nhận định: "Trí tuệ nhân tạo đã chứng minh giá trị lớn của nó trong hoạt động báo chí dữ liệu, một số hình thức báo chí có tính lặp lại cao (rote journalism - như các bản tin thể thao hoặc báo cáo về thị trường chứng khoán), chưa nói tới việc phân tích các bộ dữ liệu khổng lồ trong báo chí điều tra hoặc các bài báo về y tế".

Dẫn ví dụ về vụ "Panama Papers" đình đám, Hiệp hội phóng viên điều tra quốc tế IJCJ đã sử dụng một phần mềm để lọc 13,4 triệu trang tài liệu về các "công ty ngoài khơi." Nếu không có sự trợ giúp của AI, các phóng viên dù có đến '3 đầu 6 tay' cũng không thể thực hiện khối lượng công việc khổng lồ đến vậy trong một thời gian ngắn.

Hay như hãng Reuters, ngay từ năm 2017 đã sử dụng công cụ News Tracer có khả năng lọc hàng triệu dòng tweet để lọc những tin nóng dạng tiềm năng trên Twitter. Qua đó, hãng tin này sẽ khó lòng bỏ sót bất cứ sự kiện lớn nào như động đất, khủng bố... ở những nơi mà người sử dụng Twitter đăng tải. Từ đó, các phóng viên của hãng sẽ tiến hàng xác minh để kịp thời đưa thông tin nóng hổi đến với bạn đọc.

Đến những rủi ro khôn lường

Sự phát triển quá nhanh của AI cũng khiến chúng ta rơi vào một vòng xoáy của sự phụ thuộc. Dù AI mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên nhà báo Lê Quốc Minh lại tỏ ra rất băn khoăn về những rủi ro mà AI mang lại. Trước tiên, AI dù thông minh nhưng cũng vẫn còn rất nhiều nhược điểm, một trong những điểm yếu lớn nhất chính là AI không phải lúc nào cũng cung cấp những thông tin chính xác. Dù AI đã hỗ trợ rất nhiều trong lĩnh vực sáng tạo nội dung và thu thập tin tức, nhưng cũng mang lại rất nhiều những rủi ro mà nhiều khi chúng ta không thể nào phát hiện được.

Nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ về sự lo ngại ngày càng lớn của các cơ quan báo chí đến với AI. Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu báo chí Reuters thì có đến khoảng gần 50% các cơ quan báo chí hàng đầu ở 10 quốc gia giờ đây đã chặn không cho OpenAI truy cập vào các trang tin của họ nữa. 

Liên minh truyền thông tin tức đại diện cho khoảng 2.000 cơ quan báo chí trên toàn thế giới thì cũng đã xây dựng những bộ nguyên tắc. Yêu cầu việc sử dụng phát triển AI phải có những cái quy chế, cái quy định luật lệ để bảo vệ các cơ quan báo chí. 

Ông Lê Quốc Minh chia sẻ: "Lâu nay báo chí là sự thật, báo chí đưa lên thì của người tin thế, còn những cái điều sai trái, nói dối người ta không tin. Tuy nhiên, đáng sợ nhất là "họ không tin vào cái gì cả" vì không biết đâu là đúng, sai, thì đây là điều vô cùng nguy hại. Điều này đòi hỏi chúng ta bây giờ phải hành động. Hành động hay là chết".

Nhiều chuyên gia đã từng có nhiều lần thử kiểm chứng thông tin trên ChatGPT và vô cùng bất ngờ là ChatGPT đã bịa sai hoàn toàn 100% thông tin, ví dụ như bịa ra những tác giả, tác phẩm văn học mà khi tìm lại lịch sử văn học chưa từng có tác giả hay tác phẩm nào như vậy từng được xuất bản trên bất kỳ nền tảng nào. Chính vì vậy, dù đánh giá cao tác dụng của công nghệ AI, các chuyên gia này cũng khẳng định: Cho đến nay, AI không thể thay thế được con người trong lĩnh vực báo chí./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024