Trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra tăng trưởng mạnh mẽ trong năng suất công việc
An toàn dữ liệu trong thời đại điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội |
Liệu AI có thay thế công việc của con người?
Theo Steven Miller - Giáo sư danh dự bộ môn Hệ thống thông tin tại Đại học Quản lý Singapore (SMU), sự phát triển của AI đồng nghĩa công nghệ ngày càng có thể đạt được nhiều thành tựu hơn và điều đó tất nhiên sẽ tác động đến việc làm.
Ông cho rằng, với sự hỗ trợ của AI, máy móc, hệ thống phần mềm và sự kết hợp giữa phần cứng - phần mềm sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Do đó, các ứng dụng AI hoàn toàn có khả năng thay thế phần lớn công việc của con người một cách hiệu quả và tiết kiệm hơn.
AI có thể trở thành một trợ lý cá nhân mạnh mẽ cho con người. (Ảnh minh họa) |
Giáo sư cho biết thêm, có những vị trí rủi ro hơn, nhất là những công việc có tính lặp lại cao hoặc dựa trên các hướng dẫn, quy định cụ thể. Ngược lại, những công việc thường xuyên thay đổi, yêu cầu khả năng thích ứng và linh hoạt thì sẽ khó bị công nghệ thay thế hơn.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Dimitris Papanikloaou - Giáo sư tài chính tại Trường Quản lý Kellogg thuộc Đại học Northwestern (Mỹ) cho rằng, những công việc đòi hỏi yếu tố con người mạnh mẽ - chẳng hạn như bác sĩ trị liệu - đặc biệt khó bị "truất ngôi".
"Rất khó để một ứng dụng AI thay thế con người trong những công việc yêu cầu cao về kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân" - Giáo sư Papanikloaou nhấn mạnh.
Sự bùng nổ của AI và những lợi ích mang lại
Bà Nguyễn Quỳnh Trâm - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ về tác động của AI và những lợi ích mà những ứng dụng của AI tạo sinh (Generative AI) mang lại, từ việc tăng cường hiệu suất đến việc giải phóng sự sáng tạo.
Theo bà Trâm, AI tạo sinh là một bước đột phá quan trọng trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, thay vì nhìn nhận AI tạo sinh "lấy đi" công việc của con người, chúng ta nên biến nó thành một trợ lý cá nhân mạnh mẽ. Theo báo cáo mới nhất của Microsoft Việt Nam về Chỉ số Xu hướng công việc, có đến 78% người được khảo sát tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết họ sẵn lòng ứng dụng AI để giảm tải khối lượng công việc hiện tại, 83% người thoải mái sử dụng AI cho những công việc không chỉ là hành chính giấy tờ.
Ngoài ra, có đến 34% trong số các nhà lãnh đạo được khảo sát mong muốn nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên bằng cách ứng dụng AI, cao gấp gần 2 lần so với số người có mong muốn sử dụng AI thay thế một phần công việc.
Từ góc độ của một nhà lãnh đạo, bà Trâm tin rằng AI tạo sinh sẽ không phải đối thủ cạnh tranh với con người, mà nó đóng vai trò như một đối tác rất hữu ích. AI tạo sinh có thể giúp chúng ta giảm tải những công việc có tính chất lặp đi lặp lại, giải phóng thời gian để chúng ta có thể tập trung vào các nhiệm vụ đòi hỏi sự sáng tạo, đánh giá và quyết định chiến lược.
Tận dụng và làm chủ AI
Đứng trước những thách thức và rủi ro về tính bảo mật, quyền riêng tư, độ xác thực… của AI, các quốc gia trên thế giới đều mong muốn tận dụng được mọi ưu điểm của công nghệ này một cách tin cậy và an toàn.
Dù muốn hay không, AI tạo sinh sẽ tác động mạnh mẽ đến cách chúng ta làm việc và vận hành doanh nghiệp. AI tạo sinh không đơn giản là "thay đổi", mà nó sẽ "tái định hình" lại cách thức làm việc.
Do đó, các nhà lãnh đạo cần biết cách áp dụng một cách hiệu quả, đặc biệt trong việc đặt con người làm trung tâm của mọi tương tác, từ đó giúp tiết kiệm thời gian cũng như nâng cao hiệu suất công việc. Cơ hội và cũng là trách nhiệm quan trọng nhất cho các nhà lãnh đạo là làm sao có thể ứng dụng AI tạo sinh một cách phù hợp và có trách nhiệm.
AI cũng mang đến cơ hội cho các nhà lãnh đạo nhìn nhận lại cách thức quản lý và vận hành doanh nghiệp. Họ cần phải biết cách kết hợp sự hiểu biết và trải nghiệm của mình để có thể triển khai AI và đào tạo nhân viên sử dụng AI hiệu quả để mang lại những tác động lớn cho doanh nghiệp.
Hồi đầu tháng 12/2023, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã công bố bộ quy tắc quốc tế toàn diện đầu tiên về hệ thống AI tiên tiến, trong đó đưa ra các khuyến nghị để không chỉ các nhà phát triển mà cả những người dùng bình dân khác có thể giảm thiểu các rủi ro do công nghệ này mang lại. Bộ quy tắc này không mang tính ràng buộc, áp dụng đối với tất cả các bên liên quan công nghệ AI.
Bộ quy tắc của G7 đưa ra 12 khuyến nghị nhằm thúc đẩy sự an toàn, bảo mật và phát triển AI một cách đáng tin cậy trên toàn thế giới, trong đó bao gồm các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân và sở hữu trí tuệ, cũng như ưu tiên phát triển các hệ thống AI tiên tiến để giải quyết các thách thức toàn cầu cấp bách như cuộc khủng hoảng khí hậu./.