Bức tranh “Théâtre D’opéra Spatia” đoạt giải nhất tại triển lãm bang Colorado (Mỹ) được thực hiện dựa trên công nghệ AI.
Bức tranh “Théâtre D’opéra Spatia” đoạt giải nhất tại triển lãm bang Colorado (Mỹ) được thực hiện dựa trên công nghệ AI.

Ảnh hưởng của AI tới ngành sáng tạo

Với ứng dụng AI, khác với sự lo ngại của nhiều người, hóa ra lại giúp con người có thể nâng cao năng suất lao động, ngay cả trong ngành sáng tạo. Những bộ công cụ như DALL-E 2, Midjourney và Stable Diffusion đang bùng nổ trên các mạng xã hội và trở nên phổ biến một cách nhanh chóng.

Lấy ví dụ ngành thiết kế với công cụ Midjourney. Trong quá trình làm việc, thực tế người thiết kế gặp khá nhiều rắc rối khi cố gắng cụ thể hóa các ý tưởng của khách hàng. Với một vài mô tả mơ hồ từ khách, người thiết kế sẽ phải dành hàng giờ đồng hồ để phác thảo một vài phương án, với nguy cơ rất cao khách hàng vẫn sẽ từ chối với lý do không giống ý tưởng ban đầu của khách hàng.

Tuy nhiên Midjourney có thể giải quyết được vấn đề này chỉ trong vài phút. Chỉ với một vài mô tả, Midjourney có thể giúp khách hàng hình dung được kết quả cuối cùng có thể sẽ như thế nào và giúp cho khách hàng lựa chọn được sản phẩm mà mình cần. Công việc của nhà thiết kế, khi đó vẫn sẽ là công việc sáng tạo, nhưng với kết quả đầu ra tương đối rõ ràng và đúng với nhu cầu của khách hàng.

Cùng với đó là công cụ DALL-E 2, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lời ngợi khen về dịch vụ này. Nhà điêu khắc người Mỹ Benjamin Von Wong nhận xét: “Tôi không tự tin vào khả năng vẽ nháp của mình, vậy nên DALL-E 2 quả là món quà trời cho”.

Những phản đối từ các họa sĩ đối với công nghệ này

Tại Nhật Bản, nền công nghiệp truyện tranh (manga) rất nổi tiếng và được đông đảo mọi người trong nhiều độ tuổi ưa chuộng. Nhiều họa sĩ đã có được nguồn thu nhập tốt, ổn định thậm chí là có sự nổi tiếng nhờ công việc sáng tác truyện tranh. Tuy nhiên, sự thịnh hành của công nghệ AI trong tạo lập hình ảnh đã xóa mờ ranh giới giữa quyền sở hữu của tác giả các tác phẩm, đồng thời đe dọa đến thu nhập của các họa sĩ.

Nhiều họa sĩ đang cảm thấy hoang mang trước sự xuất hiện của các bức tranh được vẽ bằng AI, họ lo ngại trí tuệ nhân tạo đang dần cướp “miếng cơm” của bản thân và làm rung chuyển ngành công nghiệp truyện tranh. Với sự phát triển của AI nhu cầu mua tranh của mọi người có thể sẽ giảm xuống, vì với những công cụ có sẵn người dùng hoàn toàn có thể nhờ sự hỗ trợ đặc lực của trí tuệ nhân tạo để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao.

Họa sĩ vẽ manga Haruka Fukui chia sẻ “AI là một công cụ hữu ích nhưng vẫn không có ý định sử dụng nó trong tác phẩm của mình. Nếu các nghệ sĩ không đồng ý cho sử dụng tranh của họ, các ứng dụng AI này nên ngừng hoạt động”.

Liz DiFiore, chủ tịch của Hiệp hội Nghệ sĩ Đồ họa cho biết “Mọi thứ thật hỗn loạn, các nghệ sĩ đều lo lắng về công việc của họ”. Ông đã nói lên tiếng lòng chung của giới họa sĩ về nỗi bất an của họ.

Trên khắp các mạng xã hội, một vấn đề khác đang được tranh luận sôi nổi là quyền sở hữu trí tuệ các tác phẩm do AI tạo ra. Về lý thuyết thì AI không thể tự sáng tạo ra cái mới, những tác phẩm của AI đều được tổng hợp từ những thứ sẵn có.

Để bảo vệ chính bản thân mình, các họa sĩ cho rằng những tác phẩm do AI tạo ra không nên được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nếu họa sĩ phát hiện tác phẩm của mình được AI dùng làm tài liệu để từ đó tạo ra sản phẩm kiếm lời thì người họa sĩ có quyền kiện ra tòa.

Cuộc tranh luận vẫn còn kéo dài

Dù vẫn còn nhiều tranh cãi về đạo đức nghệ thuật, nhưng các chương trình AI sáng tạo vẫn có thể là khởi đầu của một làn sóng rất lớn trong giới công nghệ.

Bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có những người ủng hộ AI lại cho rằng những tác phẩm được AI tạo ra vẫn mang tính sáng tạo chứ không phải hoàn toàn là sản phẩm đạo nhái. Theo trang CNBC nhận định, AI sáng tạo đã có những bước tiến vượt bậc trong thời gian gần đây. Nó truyền cảm hứng cho mọi người rời bỏ công việc hiện tại, thành lập công ty mới và mơ về một tương lai nơi trí tuệ nhân tạo có thể cung cấp sức mạnh cho một thế hệ công nghệ khổng lồ mới.

Công nghệ AI cũng chỉ là máy móc, cuối cùng cũng là do con người điều khiển và sử dụng. Nếu được sử dụng đúng cách nó sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của ngành sáng tạo nhưng nếu ngược lại sẽ mang đến nhưng tranh cãi giữa các bên phản đối và ủng hộ công nghệ này.