Triển vọng về ứng dụng IoT trong lĩnh vực y tế
Ứng dụng Internet of Things - IoT là gì
IoT là chữ viết tắt của “Internet of Things”. Theo đó, IoT là mạng lưới vạn vật kết nối Internet hoặc mạng lưới thiết bị kết nối Internet, là một kịch bản của thế giới, khi mà mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh của riêng mình, và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính. IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet.
Lợi ích mà IoT mang lại khiến đây trở thành ứng dụng công nghệ hứa hẹn về lĩnh vực y học. Ảnh minh họa |
IoT là một mạng lưới các thiết bị được kết nối và giao tiếp với nhau. Trong y học, mạng lưới này có thể bao gồm mọi thứ, từ máy đo huyết áp thông minh đến hệ thống theo dõi bệnh nhân phức tạp. Ví dụ: Thiết bị theo dõi huyết áp tự động gửi dữ liệu đến điện thoại thông minh của bệnh nhân và bác sĩ hoặc bút đo insulin thông minh tự động ghi và truyền dữ liệu về lượng insulin được bệnh nhân sử dụng. Những thiết bị này không chỉ giúp cuộc sống của bệnh nhân dễ dàng hơn mà còn giảm bớt gánh nặng cho nhân viên y tế.
Với việc áp dụng IoT, bệnh nhân có thể sử dụng các ứng dụng và phần mềm để truy cập dữ liệu sức khỏe của chính mình; theo cách này chắc chắn người bệnh sẽ quan tâm và cải thiện hơn tình trạng sức khoẻ của mình bằng cách tham gia tích cực hơn với hoạt động chăm sóc sức khoẻ của bệnh viện.
Xu hướng phát triển IoT hiện nay
Tại nhiều nước trên thế giới hiện nay, xu hướng ứng dụng IoT trong y tế đã dần trở nên phổ biến. Tại Canada, nhờ dịch vụ đối thoại mà người khám có thể đặt lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Trong khi tại nước Đức, công ty khởi nghiệp Ada Health đã sử dụng AI để chẩn đoán các triệu chứng cho bệnh nhân. Phân khúc này cũng đang tích cực phát triển ở Nga và nhiều công ty đã cung cấp các giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực này.
Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển IoT đang tăng theo thời gian. Trong những năm gần đây, ngành y tế rất quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa nhiều hoạt động, nhằm nâng cao cơ hội chăm sóc sức khỏe người dân, trong đó có gắn với công nghệ số, như xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin; dữ liệu hồ sơ sức khỏe cá nhân, bệnh án điện tử,… Từ đó hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.
Nền tảng kết nối thiết bị và theo dõi sức khỏe từ xa. |
Ứng dụng phòng chờ ảo (QQueue) tạo ra hệ thống xếp hàng trực tuyến với những tính năng nổi bật như: bệnh nhân ở nhà có thể xếp hàng như khi đang trực tiếp tại bệnh viện; dự đoán thời điểm đến lượt khám của bệnh nhân bằng công nghệ AI. QQueue giúp bệnh nhân chủ động quản lý thời gian, đến khám đúng lúc, không mất thời gian chờ. Với các bệnh viện, Qqueue giúp tích hợp nền tảng vào thẳng hệ thống hiện tại của mình mà không phải thay đổi quy trình hoạt động.
Dù có nhiều ưu điểm nổi trội, IoT cũng còn có những hạn chế nhất định, chẳng hạn như vấn đề tương thích giữa các hệ thống, yêu cầu bảo mật dữ liệu và thiếu tiêu chuẩn quản trị.
Bất chấp những tiến bộ thú vị được cung cấp bởi IoT và AI trong ngành chăm sóc sức khỏe, một số tổ chức y tế vẫn thận trọng trong việc vận hành các hệ thống này. Vô số thông tin được thu thập dưới dạng dữ liệu bệnh lý kỹ thuật số, dữ liệu chẩn đoán, dữ liệu cảm biến, dữ liệu EHR, dữ liệu hình ảnh và các thông tin khác dẫn đến việc lưu trữ quá mức dữ liệu khó xử lý. Tuy nhiên, những lợi ích mà IoT mang lại khiến nó trở thành một trong những lĩnh vực công nghệ ứng dụng hứa hẹn nhất trong y học.
Hiện nay, mô hình khám, chữa bệnh trên toàn thế giới đang chuyển dịch theo xu hướng cá nhân hóa, di động và ưu tiên phòng ngừa, với các ứng dụng công nghệ sức khỏe thông minh, nhằm đem đến tiện ích tối đa cho người dân trong việc chủ động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Chính vì thế, các nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là AIoT vào lĩnh vực y tế tại Việt Nam đang góp phần tạo cơ sở cho các đột phá về chuyển đổi số trong y tế.