Truy xuất nguồn gốc – Nâng tầm nông sản Việt
Sự kiện nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của đoàn viên, thanh niên, đồng thời giúp các nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất… hiểu hơn về quy định, hoạt động truy xuất nguồn gốc, góp phần ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm thì “Truy xuất nguồn gốc” được coi là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.
Không chỉ vậy, đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.
Cũng theo đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai; trong đó một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia.
“Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia sẽ đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, với sự tham gia của tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ, các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng”, vị chuyên gia này nói.
Trình bày về lợi ích của việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ông Nguyễn Vũ Trung, chuyên gia Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản khẳng định: Đối với các doanh nghiệp, việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc có thể làm tăng chi phí, nhưng lợi ích thu lại cũng không nhỏ.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc có thể phục vụ cùng lúc nhiều mục đích và có thể đem lại nhiều lợi ích như: Có thể quản lý tốt chất lượng sản phẩm, từ khâu nuôi trồng, chế biến cho đến quá trình bảo quản, vận chuyển và phân phối; dễ dàng phát hiện và xử lý nếu có sự cố xảy ra; bảo đảm sự thu hồi nhanh chóng sản phẩm; giảm thiểu tác động của việc thu hồi sản phẩm bằng cách giới hạn phạm vi sản phẩm có liên quan.
Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực – Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, hiện nay, vẫn còn tình trạng các hộ gia đình, doanh nghiệp thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc một cách chống chế, điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng. Để sản phẩm có thể đứng vững trên thị trường, bà Thực khuyến nghị các hộ gia đình, doanh nghiệp nên chủ động trong việc tạo dữ liệu truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, thông qua đó không chỉ bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng mà còn bảo vệ chính chủ cơ sở sản xuất khi có vấn đề liên quan đến an toàn, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh việc thảo luận, trao đổi thông tin về hệ thống truy xuất nguồn gốc, hội thảo còn tạo ra một diễn đàn mở để các khách mời tham dự cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ những vấn đề về truy xuất nguồn gốc, những mô hình điểm về truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh nghiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc hiệu quả hơn trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
TRÚC LƯƠNG
Bạn đang đọc bài Truy xuất nguồn gốc – Nâng tầm nông sản Việt
tại chuyên mục Khoa học & Công nghệ.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
0369452904 – 0977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]