Ứng dụng công nghệ số trong việc tạo nên tòa soạn hội tụ đa phương tiện
Báo chí thế giới đang nỗ lực trong công cuộc chuyển đổi số
Hơn 10 năm qua, công nghệ đã có sự thay đổi lớn, tác động đến hành vi người dùng internet và xu thế phát triển của báo chí hiện đại. Sự khác biệt giữa báo in, truyền hình và báo điện tử nới rộng bởi yếu tố công nghệ cho phép trình bày các thể loại báo chí đặc thù trên nền tảng internet với tính tương tác cao.
Sự phát triển của mạng xã hội đã tạo cạnh tranh với báo điện tử, đồng thời cũng đẩy người dùng lên internet để tiếp nhận thông tin nhiều hơn. Theo nghiên cứu của Quỹ Báo chí Hàn Quốc (KPF), trong 3 năm 2020-2022, số lượng người tiếp nhận thông tin qua các phương tiện truyền thông truyền thống sụt giảm mạnh, thay vào đó là tiếp nhận thông tin qua điện thoại di động.
Ở góc nhìn kinh tế, theo một thống kê từ From Digital, gần 70% số tiền chi cho quảng cáo trên các ấn phẩm giấy đã bay hơi trong 15 năm qua. Năm 2022, tổng doanh thu quảng cáo trên toàn cầu vượt mức 500 tỷ USD, trong đó doanh thu quảng cáo trên nền tảng số chiếm hơn 50% và giữ mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn sau của đại dịch COVID-19.
Tòa soạn báo nổi tiếng - The New York Times quyết định chuyển đổi số là chiến lược phát triển quan trọng trong tương lai. (Ảnh minh họa) |
The New York Times là một trong những tờ báo từng có lượng bản in khổng lồ xuất bản mỗi ngày. Mặc dù có hơn 2/3 doanh thu đến từ báo in, The New York Times vẫn quyết định chuyển đổi số là chiến lược phát triển quan trọng trong tương lai. Cụ thể, với bộ máy lãnh đạo gồm 14 người thì đa số (bao gồm cả người sáng lập) tập trung nghĩ các chiến lược tiếp theo cho kế hoạch số hóa.
Sự chuyển đổi kịp thời và chiến lược này đã giúp tòa soạn đương đầu được với một trong những vấn đề cốt lõi cơ bản của ngành báo chí - khi mà công nghệ thay đổi, các thiết bị điện tử lên ngôi thì những tờ báo in truyền thống sẽ phải thay đổi thế nào. New York Times tiên phong chuyển đổi số bằng giá trị cốt lõi, thế mạnh nền tảng là kho tàng nội dung không giới hạn của họ kết hợp với công nghệ hiện đại trong sản xuất, phân phối.
Báo chí Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế
Tại Việt Nam, không ít cơ quan truyền thông đã có những thay đổi mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số. Nhiều cơ quan báo chí cũng đẩy nhanh thực hiện chiến lược multi-platform - đa nền tảng và xu hướng social-first - ưu tiên phát thông tin lên mạng xã hội.
Theo đó, ngày 06/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chiến lược nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Đây là văn bản pháp lý quan trọng đổi với việc thúc đẩy thực tiễn chuyển đổi số báo chí ở nước ta. Đích cuối của chuyển đổi số báo chí là chuyển đổi từ nền báo chí truyền thống đơn loại hình thành đa loại hình, rồi dần đến báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động. Sự chuyển đổi này bao gồm cả sáng tạo nội dung, mô hình toà soạn, phát triển nguồn nhân lực đến tầm nhìn, tính chiến lược, tư duy và phương thức lãnh đạo, quản lý.
Người đứng đầu Báo Điện tử VietnamPlus - cơ quan báo chí đạt mức xuất sắc về trưởng thành chuyển đổi số trong năm 2023, Tổng biên tập Trần Tiến Duẩn cho biết, VietnamPlus của TTXVN là đơn vị báo chí đầu tiên ở Việt Nam đăng tải các bài viết, video dạng WebStory, Video.
Ông Trần Tiến Duẩn - Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus. (Ảnh: VietnamPlus) |
Tin tức theo dạng ảnh, video không chỉ được hiển thị tối ưu trên điện thoại thông minh mà còn giúp người xem có trải nghiệm không ngắt mạch, tương tự cách trải nghiệm tin tức trên các nền tảng video dọc như Reels, Shorts hay Tiktok.
Các tòa soạn báo chí số hiện nay đã thiết lập quy trình sáng tạo các sản phẩm báo chí đa phương tiện. Điều thuận lợi là CMS hiện đại cho phép sản xuất bài chất lượng cao theo dạng tích hợp nhiều loại hình trong một sản phẩm như longform, megagtory nhằm tạo ra các sản phẩm báo chí sáng tạo, có khả năng thu hút bạn đọc, tăng cường trải nghiệm cho người dùng.
Những giá trị to lớn mà chuyển đổi số mang lại
Đề cập đến lợi ích của chuyển đổi số báo chí, PGS.TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, tại Việt Nam, chuyển đổi số báo chí nằm trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Các công nghệ mới và xu hướng số hóa sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, tạo ra sự sáng tạo và thay đổi trong ngành này.
Chuyển đổi số cung cấp cho các cơ quan báo chí môi trường để mở rộng phạm vi và khả năng tiếp cận thông tin người dùng. Trước đây, việc phát hành và phân phối thông tin bị giới hạn bởi cả không gian và thời gian, ảnh hưởng đến cả số lượng, tần suất, tốc độ, sự đa dạng của thông tin, thì nay những rào cản đó đã bị phá vỡ. Điều này đặc biệt cần thiết đối với những người ở những khu vực xa xôi, kém phát triển, nơi tiếp cận thông tin có thể bị giới hạn.
Các công cụ như blog, podcast và video trực tuyến cho phép các nhà báo tự do hơn trong sáng tạo, thể hiện ý kiến và nhận quan điểm của độc giả từ khắp nơi.
Chuyển đổi số giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện các hoạt động của mình từ quy trình thu thập, sản xuất, quản trị dữ liệu, phân phối nội dung thông tin, tiếp nhận và xử lý phản hồi của công chúng, đến thay đổi thói quen làm việc, cách trao đổi và giao tiếp với nhau, cách xây dựng bộ máy và quản trị hệ thống phân cấp trong tòa soạn, tạo ra văn hóa công sở mới, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là số hóa nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới mẻ, thậm chí tạo ra văn hóa trong tòa soạn cho phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Kỳ vọng trong tương lai, các cơ quan báo chí tại Việt Nam sẽ nỗ lực cao hơn nữa, xác định rõ những mục tiêu và có những kế hoạch phù hợp và ứng dụng sao cho hiệu quả các nền tảng công nghệ cho mô hình báo chí hiện đại./.