ISSN-2815-5823
DUY KHÁNH
Thứ bảy, 22h55 08/04/2023

Ứng dụng Grab không hiển thị quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

(KDPT) - Khi mở ứng dụng gọi xe công nghệ Grab, nếu sử dụng tính năng "chọn từ bản đồ" để tìm kiếm địa điểm đến và zoom màn hình ra tới khu vực biển Đông, người dùng sẽ không thấy xuất hiện quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.

Cụ thể, phóng viên đã sử dụng ứng dụng Grab trên cả hai hệ điều hành trên di động phổ biến hiện nay là Android và iOS của Apple để thực hiện tìm kiếm điểm đến. Theo đó, khi ở phần chọn điểm đến, nếu địa điểm cuối của chuyến đi không sẵn có trong ứng dụng, người dùng có thể chọn "Chọn từ bản đồ" và ứng dụng Grab sẽ đua người dùng ra giao diện tìm kiếm vị trí.

Tại đây, khi người dùng kéo thả màn hình tới khu vực biển Đông, sẽ không thấy hiển thị quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam như thường thấy trên các nền tảng bản đồ khác.

Giao diện bản đồ của ứng dụng Grab không hiển thị hai quần đảo Trường Sa và
Giao diện bản đồ của ứng dụng Grab không hiển thị hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Phóng viên đã thử thao tác tìm kiếm bằng lựa chọn di chuyển xe hai bánh và ô tô đều cho ra kết quả tương tự trên hai hệ điều hành di động phổ biến là Android và iOS.

Giao diện bản đồ của ứng dụng Grab không hiển thị hai quần đảo Trường Sa và
Nếu zoom sâu vào vị trí quần đảo Trường Sa (Tỉnh Khánh Hòa), sẽ thấy hiển thị "Nansha District" và các chữ tiếng Trung thể hiện tên vị trí.

Giao diện bản đồ của ứng dụng Grab không hiển thị hai quần đảo Trường Sa và

Với quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), ứng dụng Grab thậm chí còn không có thông tin gì khác ngoài một khu vực được khoanh lại.

Vừa mới đây, dư luận đã 'sục sôi' vì giải bơi lội Oceanman đang bản đồ thể hiện thông tin xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Công an tỉnh Khánh Hòa, trên trang thông tin điện tử chính thức của giải bơi lội Oceanman do Công ty cổ phần sự kiện Peak làm đại diện, có đăng bản đồ định vị vị trí của giải bơi, lấy nguồn từ bản quyền bản đồ của Leaflet, OpenStreetMap (đơn vị tư nhân), thể hiện thông tin xâm phạm quyền chủ quyền lãnh thổ Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cụ thể, tại khu vực quần đảo Trường Sa có một phần lãnh thổ được chú thích với tên gọi đảo Hải Dương (bằng tiếng Trung Quốc).

Ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam có chú thích là quận Tam Sa (ghi bằng tiếng Trung Quốc) và phần quần đảo Hoàng Sa có chú thích là quận Tây Sa (ghi bằng tiếng Trung Quốc).

Toàn bộ đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa có chú thích địa danh bằng tiếng Trung Quốc.

Cuộc thi này sau đó đã bị dừng tổ chức và đơn vị tổ chức giải bơi lội quốc tế Oceanman đã bị xử phạt.

Bản vẽ Đại Nam nhất thống toàn đồ thời Minh Mạng thể hiện rõ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Ảnh: tư liệu
Bản vẽ Đại Nam nhất thống toàn đồ thời Minh Mạng thể hiện rõ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Ảnh: tư liệu

Chính phủ Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo từ lâu, ít nhất là từ thế kỷ thứ 17.

Nhà nước Việt Nam là quốc gia đầu tiên, với tư cách Nhà nước, đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo một cách hòa bình, thực sự và liên tục qua tất cả các thời kỳ kể từ khi hai quần đảo này chưa thuộc về bất kỳ quốc gia nào. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng được các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ.

Các nguồn tư liệu lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hết sức phong phú, đa dạng. Trong đó, quan trọng nhất là các tài liệu chính sử của các nhà nước quân chủ Việt Nam lúc bấy giờ. Đại Nam thực lục là bộ sử lớn nhất của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép nhiều tư liệu nhất về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như các hoạt động của Triều Nguyễn trong việc quản lý, khẳng định, thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này.

Thêm nữa, các hoạt động quản lý và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn được phản ánh đậm nét và cụ thể trong các Châu bản triều Nguyễn. Đây là các văn bản hành chính chính thức của triều đình nhà Nguyễn, có châu phê của Hoàng đế và ấn tín các cơ quan nhà nước, là những văn bản mang tính pháp lý cao nhất của một quốc gia theo chế độ quân chủ tập quyền. Do đó, nó có giá trị lịch sử và giá trị pháp lý mạnh, sức thuyết phục cao về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các văn bản này cho thấy nhà nước quân chủ Việt Nam đã xác lập và triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cụ thể, hàng năm cử các đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải ra cắm mốc, đo đạc vẽ bản đồ, dựng bia, lập miếu, khai thác các tài nguyên sản vật trên biển, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đối với thuyền bè Việt Nam cũng như tàu thuyền nước ngoài gặp nạn trên vùng biển Việt Nam, ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với những người được triều đình cử đi thực thi công vụ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài ra, nhiều bản đồ của phương Tây từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 đều thể hiện bằng hình vẽ hoặc bằng ghi chú vị trí của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở trong vùng biển Việt Nam, ghi nhận hai quần đảo này là một phần lãnh thổ của Việt Nam.

Năm 1975, cùng với tiến trình giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, Hải quân nhân dân Việt Nam đã giải phóng các đảo do quân đội Sài Gòn đóng giữ, như: đảo Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn và An Bang,… thuộc quần đảo Trường Sa. Ðồng thời, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Liên tục từ đó đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam và Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với hai quần đảo này, phù hợp các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Hiện nay, huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố Ðà Nẵng; huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa với một thị trấn và hai xã đảo.

Theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 119/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a và điểm b khoản 10 Điều 2 Nghị định 14/2022/NĐ-CP):

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đăng, phát tin, bài, ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam;

b) Đăng, phát thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan;

c) Thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia khi đăng, phát hình ảnh bản đồ Việt Nam;

d) Đăng, phát thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em;

đ) Không thực hiện việc đăng, phát ý kiến phản hồi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tác phẩm báo chí theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 43 Luật Báo chí;

e) Đăng, phát thông tin, chương trình dành cho trẻ em không đảm bảo tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng trên báo chí;

g) Không thực hiện đúng các yêu cầu bắt buộc khi đăng, phát tin, bài, chương trình liên quan đến trẻ em trên báo chí;

h) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo chí;

i) Tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân nhưng không được sự đồng ý của cá nhân đó;

k) Đăng, phát thông tin xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín của cá nhân.

l) Đăng, phát thông tin tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo trừ trường hợp người tố cáo có yêu cầu khác, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 8 Nghị định này."

Hiện phía Grab vẫn chưa có động thái về vấn đề này.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024