Vụ chung cư rạn nứt, vỡ kính, nước thấm vào nhà khi bão Yagi: Chuyên gia nghi chất lượng nhiều công trình "có vấn đề"
Những ngày qua, trên các diễn đàn của cư dân và các diễn đàn về bất động sản, vấn đề chất lượng của các tòa chung cư đang được bàn tán sôi nổi.
Hình ảnh trần thạch cao bị sập, nhiều tấm kính chịu lực, cửa kính tại các cao ốc, chung cư trên địa bàn Quảng Ninh, Hải Phòng, thậm chí cả Hà Nội bị nứt, gãy hoặc vỡ vụn trong gió bão Yagi.
Hay hình ảnh các hộ dân sống ở chung cư cao tầng miệt mài lấy giẻ để chèn cửa, lấy chậu hứng nước mưa tạt theo cửa sổ tràn vào nhà khi bão quét qua đang dấy lên nhiều lo ngại về chất lượng trong việc xây dựng các công trình cao ốc hiện nay.
Có ý kiến cho rằng, những hiện tượng nêu trên phản ánh rõ sự thiếu sót trong cả quá trình xây dựng và kiểm định chất lượng công trình cao tầng. Thậm chí nhiều người dân kiến nghị cơ quan chức năng cần phải ngay lập tức yêu cầu các chủ tòa nhà trên cả nước báo cáo chi tiết về chất lượng kết cấu xây dựng.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), cho biết nguyên nhân khách quan của hiện tượng trên đến từ cường độ cơn bão. Bởi Yagi có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm qua tại Việt Nam. Đây cũng là cơn bão hiếm hoi đổ bộ trực diện Hà Nội nên không tránh khỏi tác động đến các công trình xây dựng, nhất là những tòa chung cư, khu nhà đã hoạt động hơn chục năm, có sức chịu gió bão kém.
Tuy nhiên, Chủ tịch VACC nhìn nhận, nhiều tòa chung cư mới hoạt động 4-6 năm cũng đổ cả mảng kính, sập trần nhà, hỏng lan can khi cơn bão đi qua cho thấy chất lượng thi công hoặc trang thiết bị, vật liệu có vấn đề. Việc thi công không đảm bảo quy trình, làm việc thiếu trách nhiệm ở một số dự án thuộc về trách nhiệm của nhà thầu. Còn chất lượng đầu vào của trang thiết bị, vật liệu thuộc về phía chủ đầu tư khi bàn giao cho cư dân.
"Ngoài tác động tiêu cực, bão Yagi cũng là phép thử cho chất lượng thi công công trình xây dựng, nhất là chung cư, ở các đô thị hiện nay", ông Hiệp nhìn nhận.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Thịnh - nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: "Trong bão vừa qua tại Hà Nội, nhiều khu chung cư nứt tường, vỡ kính, sập trần... Tất cả công trình này đều thi công không đúng quy chuẩn chứ không phải là quy chuẩn lỗi thời".
Ông Thịnh đánh giá, các hiện tượng các tòa chung cư vừa qua trong bão tại Hà Nội, Quảng Ninh cho thấy liên kết khung vào kết cấu bao che hoặc liên kết vào hệ thống chịu lực là quá kém. Do đó, phải làm rõ trách nhiệm của các chủ thể từ chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế, nhà thầu thi công xây dựng đến nhà thầu giám sát.
Theo ông Thịnh, cửa, vách kính trong xây dựng được gọi là kết cấu bao che, có vai trò rất quan trọng. Ở đây, cần phân ra đơn vị thiết kế kiến trúc, đơn vị thiết kế kết cấu. Đối với việc lắp đặt cửa/vách kính, đơn vị thiết kế kiến trúc có nhiệm vụ chia các ô/mảng kính sao cho đẹp, mang tính thẩm mỹ. Đơn vị thiết kế kết cấu chịu trách nhiệm về toàn bộ thiết kế kết cấu của hệ thống cửa/vách. Nhưng hiện nay, hầu hết bản vẽ thiết kế kết cấu người ta lờ đi thiết kế kết cấu của hệ thống cửa/vách này.
Ông Thịnh nhấn mạnh, bất kể một toà nhà hay một công trình đều có kết cấu chịu lực, kết cấu bao che. Kết cấu bao che rất quan trọng, nhưng nếu quên hoặc tính toán không cẩn thận thì rất nguy hiểm.
“Đơn vị thiết kế kết cấu phải tính toán với các áp lực gió thì kính phải dày bao nhiêu, kính mấy lớp, cấu tạo kính như thế nào, đặc biệt, khung vách hay khung cửa phải được liên kết với kết cấu chịu lực, kết cấu bao che xung quanh ra sao... Đây là vấn đề mà đơn vị thiết kế kết cấu phải tính toán, lựa chọn để nhà thầu thi công thực hiện.
Tuy nhiên, trong thiết kế kết cấu đang có tình trạng rất lười, để nhà thầu thi công tự chọn, dẫn đến việc chất lượng không đảm bảo. Nhà thầu thi công, sau khi chế tạo và lắp dựng xong cửa/vách kính, có thể lập bản vẽ hoàn công và việc này được hợp pháp hóa bằng cách đưa bản vẽ này cho nhà thầu thiết kế ký”, ông Thịnh nói.
Sau khi công trình được nghiệm thu, bàn giao, các đơn vị phải bàn giao cho chủ đầu tư quy trình vận hành/sử dụng để hướng dẫn chủ hộ (cư dân) biết sử dụng cửa/vách kính trong trường hợp bình thường cũng như khi gió bão.
Theo ông Thịnh, ở đây cũng cần xem xét đến trách nhiệm của đơn vị giám sát, nghiệm thu công trình khi để xảy ra những hiện tượng trên.
Hiện nay, một tòa chung cư có tuổi thọ từ 50 đến 70 năm, trong khi tình trạng biến đổi khí hậu và các cơn bão lớn như bão số Yagi đang ngày càng nhiều. Việc đảm bảo chất lượng công trình là cần thiết để đối phó với những thách thức từ thiên nhiên trong tương lai./.
- Tỷ giá hôm nay 10/9: Chờ dữ liệu lạm phát của Mỹ
- Nhiều loại xe bị cấm qua cầu Chương Dương từ hôm nay
- Thanh Hoá nâng vốn khu du lịch sinh thái Tân Dân lên hơn 11 nghìn tỷ đồng