Nhiều loại xe bị cấm qua cầu Chương Dương từ hôm nay
Đêm 9/9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội ra Thông báo số 955/TB- SGTVT về việc điều chỉnh tổ chức giao thông, hạn chế các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các nhà máy thủy điện đang xả lũ dẫn đến mực nước sông Hồng dâng cao, dòng chảy xiết, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng công trình cầu.
Để bảo đảm an toàn giao thông cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu, Sở Giao thông vận tải Hà Nội hạn chế các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương (Hà Nội).
Theo đó, bắt đầu từ 8h30 ngày 10/9, theo hướng từ Hoàn Kiếm đi Long Biên: Cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn; xe buýt được phép hoạt động.
Hường từ Long Biên đi Hoàn Kiếm: Cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn; xe buýt được phép hoạt động.
Dịp này, các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ và xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn có nhu cầu đi qua cầu Chương Dương lưu thông theo các cầu Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy và Thăng Long.
Việc điều chỉnh tổ chức giao thông hạn chế các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương sẽ bắt đầu từ 8h30 ngày 10/9 cho đến khi có thông báo thay thế.
Cầu Chương Dương được xây từ năm 1983, sử dụng từ tháng 6/1985, đến nay đã 39 năm. Từ năm 1985 đến 2010, đây là cầu độc đạo cho ôtô đi từ trung tâm Hà Nội sang Gia Lâm, kết nối các tỉnh phía Bắc. Hiện mỗi ngày, cầu có khoảng 95.000 lượt xe qua lại, hơn 8 lần so với thiết kế.
Trước đó sáng 9/9, cầu Phong Châu ở Phú Thọ bị sập khiến khoảng 10 ôtô, hai xe máy và 13 người mất tích. Lo ngại nguy cơ sập cầu các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang cấm xe qua 9 cầu./.
- Thanh Hoá nâng vốn khu du lịch sinh thái Tân Dân lên hơn 11 nghìn tỷ đồng
- Tìm hiểu về cổ phiếu ESOP: Lợi ích và ứng dụng
- Trung Quốc tạm dừng mua vàng sau 18 tháng liên tiếp