ISSN-2815-5823

VUSTA: Đẩy mạnh chia sẻ hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học công nghệ

(KDPT) - Sáng 10/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức "Hội thảo: Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức của các tổ chức khoa học và công nghệ".

Thực trạng truyền thông về khoa học công nghệ hiện nay

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Việt Anh)
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Việt Anh)

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Công Lương - Phó Tổng thư ký, Kiêm trưởng ban Khoa học công nghệ và Môi trường VUSTA cho biết, về hoạt động truyền thông, các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) trực thuộc đã tích cực tham gia vào các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng hoặc trực tiếp xây dựng mô hình, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho người dân, trực tiếp thực hiện nhiều dự án bảo vệ môi trường (BVMT), bảo tồn động vật, thực vật; trực tiếp tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông về môi trường với hàng ngàn pano, áp phích, băng rôn; xây dựng và triển khai hàng trăm mô hình BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn và khai thác tài nguyên thiên nhiên có sự tham gia của cộng đồng; xây dựng nhiều mô hình bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên nước, mô hình về năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió…).

"Thông qua các tạp chí, bản tin, website  các tổ chức KH&CN trực thuộc đã thực hiện có hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN. Vusta, các hội thành viên và các tổ chức KH&CN trực thuộc đã in ấn và phát hành hàng chục triệu tờ rơi, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, BVMT, chăm sóc sức khỏe, tư vấn pháp lý phù hợp với nhận thức của người dân; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn phổ biến kiến thức, chuyển giao công nghệ cho người dân trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt chú trọng vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa…", ông Lê Công Lương nhìn nhận.

TS. Lê Công Lương - Phó Tổng Thư ký VUSTA phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Việt Anh)
TS. Lê Công Lương - Phó Tổng Thư ký VUSTA phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Việt Anh)

Theo ông Lương, trong lĩnh vực đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức, các tổ chức KH&CN trực thuộc đã chủ động khai thác các nguồn lực để tổ chức hàng trăm khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các hội viên; tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng; tham gia xã hội hóa công tác đào tạo, dạy nghề, nâng cao năng lực cho trẻ em, thanh thiếu niên, người yếu thế, người nông dân. 

Bên cạnh đó, hình thức tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực khá phong phú: tự nghiên cứu, thiết kế chương trình và trực tiếp tuyển sinh; liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo-dạy nghề của cơ quan nhà nước, trong đó có những đơn vị rất có uy tín, tập trung chủ yếu vào thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.

Điển hình là Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nghề cho Thanh niên có hoàn cảnh khó khăn (REACH) là đối tác của trên 1.000 doanh nghiệp; Được Stars Foundation lựa chọn REACH là 1 trong 24 tổ chức trên toàn cầu nhận giải thưởng cho những tác động hiệu quả giúp cải thiện cuộc sống trẻ em, thanh niên châu Á; Quỹ Epic công nhận REACH là một trong 20 tổ chức có ảnh hưởng lớn nhất sau khi đánh giá và lựa chọn từ 1.400 tổ chức trên 80 quốc gia.  đào tạo tiếng Anh, tin học miễn phí, các kỹ năng mềm Các kỹ năng mềm khác như: Kỹ năng ứng xử với mọi người xung quanh, kỹ năng giao tiếp, bơi lội, tự vệ, phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm…cho trẻ em. Ông Lương cho hay.

Cùng với đó, thực hiện hoạt động liên kết đào tạo với các trường trong nước, nhiều tổ chức KH&CN còn thực hiện các hợp đồng tư vấn về giáo dục. Một số tổ chức KH&CN có nhiều các hoạt động giáo dục trẻ em như kỹ năng ứng xử, giao tiếp, bơi lội, phòng cháy chữa cháy. Viện Khoa học Quản lý nguồn nhân lực đã tổ chức giáo dục kỹ năng sống học sinh bậc tiểu học cho 45.000 học sinh;  Một số tổ chức tiến hành hợp tác với các tổ chức có liên quan xây dựng các bộ bài giảng, giáo trình giảng dạy; Đào tạo, tập huấn các kỹ năng cho phụ nữ, nữ doanh nhân; Tham gia hỗ trợ xây dựng các môi trường học tập thân thiện...

Theo ông Tô Bá Trượng - Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

"Tuy nhiên, để những thành tựu khoa học và công nghệ được ứng dụng rộng rãi, hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức có vai trò rất quan trọng", ông Trượng nhấn mạnh.

Thông qua truyền thông, các khái niệm phức tạp về khoa học và công nghệ được đơn giản hoá, giúp công chúng nhận thức và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Các tổ chức khoa học và công nghệ giữ vai trò tốt nhất trong việc chuyển tải những thành tựu khoa học đến với cộng đồng. Học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thành công, áp dụng công nghệ truyền thông hiện đại, và tăng cường hợp tác đa bên là những yếu tố giúp hoạt động truyền thông khoa học trở nên hiệu quả hơn, ông Trượng cho hay.

Giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức của các tổ chức KH&CN, TS. Lê Công Lương chia sẻ một số giải pháp sau:

Đầu tiên là xây dựng chiến lược truyền thông toàn diện. Định hình mục tiêu rõ ràng: Xác định mục tiêu truyền thông (nâng cao nhận thức, thu hút sự quan tâm của công chúng, tạo uy tín cho tổ chức...). Phân tích đối tượng mục tiêu: Hiểu rõ nhu cầu, sở thích, và đặc điểm của các nhóm đối tượng khác nhau (giới nghiên cứu, doanh nghiệp, công chúng, học sinh/sinh viên...). Kế hoạch nội dung: Phát triển nội dung phù hợp, dễ hiểu và hấp dẫn cho từng nhóm đối tượng. Kết hợp sử dụng đa dạng định dạng như video, infographic, bài viết chuyên sâu, hoặc hội thảo trực tuyến.

Tiếp theo, TS. Lương cho biết, cần đẩy mạnh sử dụng các nền tảng kỹ thuật số. Tận dụng mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok...), website, và các ứng dụng di động để tiếp cận nhanh chóng và rộng rãi. AI và phân tích dữ liệu: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cá nhân hóa nội dung, dự đoán xu hướng quan tâm và tối ưu hóa hiệu quả chiến dịch. Tổ chức sự kiện trực tuyến: Thực hiện các hội thảo, tọa đàm trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí và tiếp cận đông đảo khán giả.

Cùng với đó, phát triển đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp. Đào tạo kỹ năng truyền thông: Tổ chức các khóa học để nâng cao năng lực về viết, quay dựng video, thiết kế đồ họa và sử dụng công nghệ số cho nhân viên. Kết hợp chuyên gia đa lĩnh vực: Hợp tác với các nhà báo, chuyên gia truyền thông để làm cho nội dung KH&CN dễ hiểu và hấp dẫn hơn. TS. Lê Công Lương nhận định.

Hợp tác với các cơ quan báo chí: Xây dựng mối quan hệ tốt với các cơ quan truyền thông để đảm bảo tin tức về tổ chức được phủ sóng rộng rãi. Kết nối với doanh nghiệp và trường học: Phổ biến kiến thức qua các chương trình hợp tác đào tạo, các hội thảo hoặc dự án thực tế.

Lấy ví dụ từ Tạp chí Việt Nam Hội Nhập, Nhà báo Đặng Đình Chấn - Phó TBT Tạp Chí Việt Nam Hội Nhập cho biết, ngay từ những năm đầu thành lập mà đặc biệt từ khi Viện được cấp giấy phép hoạt động báo chí cho tạp chí khoa học là Tạp chí Việt Nam Hội nhập - công tác truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học của Viện được nâng lên một tầm cao mới cả bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần gắn nghiên cứu với thực tiễn trong lĩnh vực chính sách, pháp luật và quản lý.

Nhà báo Đặng Đình Chấn - Phó Tổng biên tập Tạp Chí Việt Nam Hội Nhập chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: Việt Anh)
Nhà báo Đặng Đình Chấn - Phó Tổng biên tập Tạp Chí Việt Nam Hội Nhập chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: Việt Anh)

Ông Chấn cho hay, hoạt động khoa học công nghệ chỉ có thể có hiệu quả nếu như làm tốt công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, lan tỏa trong cộng đồng xã hội và là nhịp cầu giao lưu trong giới nghiên cứu cùng lĩnh vực hoạt động để góp phần cho các nghiên cứu ngày một gần hơn với thực tiễn cuộc sống và sự phát triển của khoa học và công nghệ thời kỳ hội nhập./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 12/12/2024