ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ tư, 14h49 06/11/2024

Vusta bàn về các giải pháp tăng giá trị kinh tế cho ngành nông nghiệp

(KDPT) - Ngày 6/11, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) đã diễn ra hội thảo "Phát triển cây đậu tương đông theo chuỗi giá trị sản phẩm" với mục tiêu tổng hợp được các ý kiến, giải pháp của các chuyên gia, lãnh đạo nhằm đưa ra hướng đi cùng giải pháp phát triển các loại giống cây đậu tương trong tương lai.

Định hướng quan trọng tới việc phát triển ngành nông nghiệp

Hiện nay, ngành sản xuất đậu tương trong nước đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu có sự đầu tư đúng mức vào công nghệ, nghiên cứu giống mới và các phương pháp canh tác hiện đại, đậu tương hoàn toàn có thể trở thành cây trồng chiến lược, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ths. Lê Thanh Tùng - Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức, Liên hiệp Hội Việt Nam đã giới thiệu lịch sử và thông tin về Vusta với vai trò thực hiện phổ biến kiến thức khoa học, đem tri thức đến với bà con, nhân dân mọi miền. Qua đó, cho thấy hệ thống Vusta rất rộng và thực hiện các hội thảo từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau và đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Do vậy, với mong muốn của Vusta khi tổ chức hội thảo nhằm cố gắng và mong muốn các chuyên gia, đại biểu thảo luận, chia sẻ để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung và phát triển của cây đậu tương nói riêng.

Ths. Lê Thanh Tùng - Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức, Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Việt Anh)
Ths. Lê Thanh Tùng - Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức, Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Việt Anh)

Ông Lê Thanh Tùng cho biết, phát triển cây đậu tương vụ Đông là một định hướng quan trọng giúp nâng cao giá trị kinh tế cho ngành nông nghiệp nước ta. Đây là loài cây có giá trị về kinh tế, có vai trò lớn trong cải tạo đất đai, giúp phục hồi và tái tạo đất đã thoái hóa sau nhiều năm canh tác lúa và ngô.

Hiện nay, ngành sản xuất đậu tương trong nước đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, nếu có sự đầu tư đúng mức vào công nghệ, nghiên cứu giống mới và các phương pháp canh tác hiện đại, đậu tương hoàn toàn có thể trở thành cây trồng chiến lược, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Tăng cường nghiên cứu, tìm giống đậu tương phù hợp

Theo Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long, trước đây, diện tích trồng đậu tương toàn quốc đạt 205.000ha, nhưng giai đoạn 2017-2021 đã giảm mạnh xuống còn 36,8 ngàn ha. Mặc dù diện tích giảm, năng suất đậu tương bình quân vẫn tăng nhẹ từ 1,49 tấn/ha năm 2017 lên 1,62 tấn/ha năm 2021, tăng 0,13 tấn/ha, tương đương 8,7%. Ông cho rằng cần tăng cường nghiên cứu di truyền phân tử, chọn tạo giống đậu tương ngắn ngày, chịu lạnh, giàu protein và isoflavone để phục vụ chế biến sữa đậu nành và dược liệu. Đồng thời, phát triển các giống đậu tương ăn tươi, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cùng các kỹ thuật canh tác hữu cơ, cơ giới hóa trong thu hoạch.

Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam - Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long phát biểu tại hội thảo.
Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam - Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long phát biểu tại hội thảo.

Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cũng nêu một số giải pháp về thu thập và lưu giữ nguồn gen đậu tương, hợp tác quốc tế. Việc sản xuất và chế biến theo chuỗi giá trị cũng được khuyến khích nhằm gia tăng giá trị thông qua các sản phẩm như sữa đậu nành, bột dinh dưỡng, chế phẩm isoflavone, phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi, giá thể nuôi nấm.

Thạc sỹ Nguyễn Xuân Thu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển đậu đỗ, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất đậu tương vụ Đông ở Đồng bằng sông Hồng. Đó là phát triển vùng nguyên liệu với giống năng suất cao, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tuyển chọn giống thích hợp cho cơ giới hóa và chịu điều kiện khí hậu bất thuận, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa để giảm chi phí và tăng năng suất.

Thạc sỹ Nguyễn Xuân Dũng, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cũng đề xuất nâng cao hiệu quả sản xuất đậu tương ở Đồng bằng sông Hồng. Theo đó, cần quy hoạch hạ tầng, đặc biệt hệ thống tưới tiêu, tăng cường nghiên cứu giống cũng như kỹ thuật canh tác, chú trọng hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, giống, vật tư, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung ứng và bao tiêu sản phẩm...

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã trình bày các tham luận của mình, trao đổi ý kiến nhằm đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất đậu tương trong vụ đông và đặc biệt là chọn tạo, hiệu quả sản xuất giống đậu tương, phát triển những loại đậu tương mới (ví dụ như ĐT32) để từ đó khẳng định vấn đề cấp thiết hiện nay là sản xuất đậu tương ở Việt Nam cần phải sản xuất theo chuỗi sản phẩm./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/11/2024