Chuyển đổi số giúp thúc đẩy tăng trưởng đáng kể trong ngành công nghiệp dầu khí
Chuyển đổi số giúp thúc đẩy tăng trưởng đáng kể trong ngành công nghiệp dầu khí

Lợi ích của chuyển đổi số

Theo phân tích của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) trong giai đoạn 2016 – 2025, chuyển đổi số có thể tạo ra khoảng 1.000 tỷ USD cho các công ty dầu khí và đóng góp khoảng 640 tỷ USD cho xã hội. Điều này bao gồm 170 tỷ USD tiết kiệm cho khách hàng, 10 tỷ USD cải thiện năng suất, 30 tỷ USD từ việc giảm sử dụng nước và 430 tỷ USD từ việc giảm khí thải. Lợi ích về môi trường bao gồm giảm khí thải khoảng 1.300 triệu tấn khí CO2, tiết kiệm xấp xỉ 800 triệu gallon nước và tránh tràn dầu tương đương 230.000 thùng dầu.

Việc ứng dụng chuyển đổi số, đặc biệt là khai thác hiệu quả dữ liệu, ứng dụng học máy và trí tuệ nhân tạo giúp thay đổi phương pháp nghiên cứu, tiết kiệm thời gian, chi phí để tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ mới có tính ứng dụng cao, phục vụ cho chiến lược phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.

Chuyển đổi số là sự thay đổi chiến lược và mang tính đột phá, sử dụng hợp lý các công nghệ số để cải thiện quy trình, tối ưu hóa mô hình kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Mặc dù chuyển đổi số không phải “liều thuốc trị bách bệnh” cho mọi thách thức mà ngành công nghiệp dầu khí đang phải đối mặt, song chắc chắn có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng đáng kể.

Mặc dù chuyển đổi số luôn đi kèm với thách thức nhưng đây sẽ là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra sự phát triển đột phá trong ngành dầu khí.

Xu hướng chuyển đổi số trong ngành dầu khí

Với xu hướng áp dụng công nghệ như hiện nay, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã có những phương pháp nghiên cứu để tạo ra sản phẩm khoa học mới có tính ứng dụng cao phục vụ cho chiến lược phát triển của ngành dầu khí Việt Nam.

Ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc Dữ liệu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết “Là đơn vị nghiên cứu khoa học, VPI nhận thấy sự thay đổi lớn mà chuyển đổi số đang mang lại. Tri thức dễ dàng chia sẻ và tiếp cận hơn, dữ liệu được tạo ra và tổng hợp nhiều hơn, yêu cầu về nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng trong ngành Dầu khí cũng thay đổi nhiều cùng với xu thế chuyển dịch năng lượng. Vì vậy, để mang lại giá trị, tạo ra sản phẩm dịch vụ khoa học chất lượng cao, và mang lại tác động cho ngành dầu khí Việt Nam, VPI xác định việc nắm bắt và ứng dụng chuyển đổi số là bắt buộc để nâng cao khả năng cạnh tranh. Theo đó, VPI nghiên cứu nắm bắt các xu thế công nghệ, giải pháp số mới nhất được triển khai tại các doanh nghiệp dầu khí quốc tế và tại Việt Nam, trong toàn bộ chuỗi giá trị từ khâu thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí), tới lĩnh vực trung và hạ nguồn (chế biến dầu khí), phân phối và thương mại hóa các sản phẩm”.

Bên cạnh đó, với việc ứng dụng học máy và trí tuệ nhân tạo, VPI đã xây dựng hệ sinh thái Oilgas AI, mô hình dự báo giá dầu thô và sản phẩm xăng dầu, mô hình học máy và trí tuệ nhân tạo để dự báo đá móng nứt nẻ, VPI-Mlogs… giúp tiết kiệm thời gian thực hiện, chi phí đầu tư, hỗ trợ tốt cho các công cụ, phương pháp truyền thống trong bài toán lớn nhất là tìm ra dầu khí và khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên của đất nước.

Ngành dầu khí cũng đang phải đối mặt với thách thức lớn như: Giá dầu biến động mạnh, các vấn đề về môi trường, trữ lượng suy giảm, khó khăn liên quan đến lực lượng lao động và sự an toàn. Chuyển đổi số có thể giải quyết các thách thức này và cải thiện hiệu quả hoạt động. Doanh nghiệp dầu khí cần hiểu rõ các công nghệ số (như IoT, blockchains, AI, học máy…) có thể áp dụng trong chuỗi giá trị của các khâu thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn; từ đó xác định được tầm nhìn, chiến lược cụ thể và có sự cam kết từ quản lý cấp cao. Điều này giúp doanh nghiệp vực dậy hoạt động kinh doanh trong kỷ nguyên số khi mà các thói quen và lối mòn trong quá khứ đã và đang bị thay thế bởi tự động và số hóa.