ISSN-2815-5823

10 quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới

(KDPT) - Năm 2023, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào 1.037 tấn vàng - khối lượng mua hàng năm lớn thứ hai trong lịch sử, sau mức kỷ lục 1.082 tấn của năm 2022.

Ngoài Nga, trong 10 năm qua các nước Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Ấn Độ cũng tích cực mua vàng.

Môi trường địa chính trị và tài chính ngày càng phức tạp đang thúc đẩy nhu cầu về vàng hơn bao giờ hết. Theo khảo sát của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), khoảng 1/3 số ngân hàng trung ương (29%) có ý định tăng dự trữ vàng trong năm tới, mức cao nhất kể từ khi các cuộc khảo sát như vậy bắt đầu vào năm 2018.      

Môi trường địa chính trị và tài chính ngày càng phức tạp đang thúc đẩy nhu cầu về vàng hơn bao giờ hết. (Ảnh minh hoạ)
Môi trường địa chính trị và tài chính ngày càng phức tạp đang thúc đẩy nhu cầu về vàng hơn bao giờ hết. (Ảnh minh hoạ)

Nghiên cứu của WGC cho thấy việc tăng dự trữ vàng và ngoại hối của các ngân hàng trung ương là do những lo ngại đối với thị trường tài chính, bao gồm nguy cơ xảy ra khủng hoảng cao hơn và lạm phát gia tăng. Tất cả vàng được các ngân hàng mua phải được cất giữ ở đâu đó. Các biên tập viên của RBC Investments đã quyết định tìm hiểu xem 10 nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới giữ vàng ở đâu.

Ở vị trí số một là Mỹ, với trữ lượng vàng lên đến 8.133,5 tấn, theo số liệu của WGC vào quý II/2024. Tỷ trọng của kim loại quý này trong tổng khối lượng vàng và dự trữ ngoại hối (GFR) là 72,4%. Mỹ là nước dẫn đầu về trữ lượng vàng trên thế giới. Hơn một nửa dự trữ vàng của Mỹ nằm trong hầm của căn cứ quân sự cũ ở Fort Knox, Kentucky. Ngoài ra, một phần dự trữ được giữ trong hầm Mint ở West Point, New York, tại Denver Mint ở Colorado và tại kho của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại New York.

Sau Mỹ là Đức, quốc gia giữ kỷ lục về dự trữ vàng ở châu Âu, với dự trữ 3.351,5 tấn vàng. Tỷ lệ vàng trong GFR là 71,5%. Trước đây, phần lớn lượng vàng dự trữ của Đức được giữ tại các ngân hàng ở New York (Mỹ), London (Anh) và Paris (Pháp). Nhưng kể từ năm 2013, dưới áp lực của dư luận, Đức bắt đầu lấy vàng về từ kho dự trữ ở nước ngoài.

Đến năm 2017, Đức đã trữ một nửa số vàng dự trữ tại kho của Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank. Hiện 50,6% số vàng dự trữ của Đức nằm ở đó. Theo báo cáo thường niên của Bundesbank về trữ lượng vàng, tính đến năm 2023, chi nhánh Fed tại New York nắm giữ 36,6% dự trữ vàng của Đức và Ngân hàng trung ương Anh ở London nắm giữ 12,8%.

Ở vị trí thứ ba là Italy với 2.451,8 tấn. Tỷ lệ vàng trong GFR 68,3%. Vàng Italy được trữ chủ yếu dưới dạng thỏi. Có tổng cộng 95.493 thỏi, nặng từ 4,2 kg đến 19,7 kg. Dự trữ vàng của Ngân hàng trung ương Italy cũng bao gồm một phần nhỏ tiền vàng, tương đương 4,1 tấn.Vị trí tiếp theo là Pháp với 2.436,8 tấn. Tỷ trọng vàng trong GFR là 69,9%. Quy mô dự trữ vàng của Pháp không thay đổi kể từ năm 2009, khi Pháp lần cuối bán một phần vàng của mình. Nước này không có kế hoạch tăng hoặc giảm lượng dự trữ vàng trong những năm tới.

Giá trị dự trữ vàng của Nga tính đến ngày 1/8/2024 ở mức kỷ lục 179,6 tỷ USD và khối lượng vàng vật chất là 2.335,9 tấn. Tỷ trọng vàng trong GFR là 29,5%. Ngân hàng trung ương Nga giữ lượng vàng dự trữ trên khắp đất nước trong các kho tiền với hệ thống bảo mật đa cấp. Vàng được trữ dưới dạng đồng tiền vàng và thỏi có độ tinh khiết ít nhất là 995, nặng từ 10-14 kg.

Trung Quốc đứng ở vị trí thứ sáu với 2.264,3 tấn. Tỷ lệ vàng trong GFR là 4,9%. Dự trữ vàng chính thức được trữ tại Bắc Kinh. Dự trữ vàng của Trung Quốc đã tăng hơn 5 lần kể từ đầu những năm 2000, từ khoảng 400 tấn năm 2001 lên hơn 2.264 tấn tính đến quý II/2024. Trung Quốc là nơi khai thác vàng lớn nhất thế giới.

Thụy Sỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đứng ở các vị trí tiếp theo, với dự trữ 1.040 tấn, 845,9 tấn và 840,8 tấn. Trong đó, một số vàng dự trữ của Ấn Độ được giữ ở Anh. Năm 1991, nước này trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, buộc chính phủ phải sử dụng dự trữ vàng để tránh vỡ nợ. Khoảng 8 tấn vàng đã được chuyển cho Ngân hàng trung ương Anh để nhận về tín dụng. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã chuyển khoảng 100 tấn vàng từ Anh về kho vào năm 2024, lần đầu tiên kể từ đầu năm 1991. Các nguồn tin cho biết một lượng vàng tương tự có thể được đưa trở lại nước này trong những tháng tới.

Hà Lan đứng ở vị trí cuối cùng trong top 10 với trữ lượng 612,5 tấn. Tỷ lệ vàng trong GFR là 61,6%. Dự trữ vàng của Hà Lan do Ngân hàng trung ương nước này De Nederlandsche Bank nắm giữ và quản lý. Kho vàng tại trụ sở De Nederlandsche Bank chứa 14.000 thỏi vàng nặng 12,5 kg mỗi thỏi và 1.000 hộp tiền vàng. Tổng trọng lượng vàng là 200.000 kg, trị giá 12 tỷ euro (tính đến tháng 3/2024). Số vàng này chiếm 31% tổng lượng vàng dự trữ của De Nederlandsche Bank./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024