17 bộ, địa phương xin trả lại hơn 6.800 tỷ đồng vốn ODA
Bộ Tài chính cho biết, việc chậm giải ngân nguồn vốn nước ngoài làm ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và các địa phương. |
Tỷ lệ giải ngân mới đạt 15,48%
Bộ Tài chính cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giao kế hoạch vốn năm 2022, các Nghị quyết của Chính phủ và Công điện của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có công văn số 3994/BTC-QLN ngày 6/5/2022 gửi bộ trưởng các bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2022.
Tuy nhiên, qua theo dõi của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân (theo hình thức ghi thu ghi chi) kế hoạch đầu tư, vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài 8 tháng đầu năm 2022 trung bình cả nước mới chỉ đạt 15,48% kế hoạch vốn được giao là rất thấp.
Trong đó, tỷ lệ giải ngân bình quân chung của các địa phương là 11,5% kế hoạch vốn, tỷ lệ giải ngân của các bộ ngành là 22,94% kế hoạch vốn.
Đáng chú ý, có đến 6 bộ, 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân bằng 0% kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nhận được văn bản đề xuất trả kế hoạch vốn năm 2022 của 17 bộ, địa phương với tổng trị giá là 6.827 tỷ đồng.
Trong khi đó, ngày 15/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, trong đó phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn trong nước và vốn ngoài nước) năm 2022 đạt từ 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Chậm giải ngân vốn ODA là trách nhiệm của người đứng đầu các bộ ngành, địa phương
Việc chậm giải ngân nguồn vốn nước ngoài làm ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và các địa phương.
Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài năm 2022 theo Nghị quyết số 124/NQ-CP nói trên đòi hỏi các bộ ngành, địa phương phải triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp.
Trên tinh thần ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các chủ dự án, ban quản lý dự án thuộc và trực thuộc khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc sớm có rà soát về việc phân bổ, tiến độ giải ngân của từng dự án, trên cơ sở đó thực hiện điều chuyển kế hoạch sang các dự án khác trong nội bộ có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.
Trước ngày 10/10, các bộ ngành, địa phương gửi báo cáo tình hình giải ngân vốn ODA 9 tháng và ước cả năm 2022
Căn cứ tình hình thực tế giải ngân, trường hợp dự kiến giải ngân không hết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2022 được giao hoặc có nhu cầu bổ sung vốn, sớm có văn bản đề xuất điều chỉnh gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, trước ngày 10/10/2022, các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo tình hình giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các dự án thuộc phạm vi quản lý 9 tháng đầu năm và ước cả năm bao gồm kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài và kế hoạch vốn năm 2022 (chi tiết đến từng dự án).
Tại báo cáo, các bộ, ngành, địa phương cần nêu rõ các khó khăn vướng mắc, nguyên nhân ảnh hưởng trong công tác giải ngân vốn vay nước ngoài từ đầu năm đến nay, đặc biệt là các nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất biện pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2022./.