Bước chuyển đổi từ KCN truyền thống sang mô hình KCN thông minh bền vững
Diễn đàn Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam 2024 nhằm tạo động lực chuyển đổi thông minh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới. Tại đây, các diễn giả, khách mời, cùng tập trung trao đổi, thảo luận về Chính sách và pháp luật, chuyển đổi hạ tầng để phát triển bền vững, xúc tiến đầu tư FDI, tài chính và thị trường vốn, lao động việc làm, thực hành ESG trong KCN; Chia sẻ kinh nghiệm thực thi các mô hình KCN thông minh bền vững và đề xuất các giải pháp đóng góp về chính sách để chuyển đổi KCN Việt Nam từ mô hình truyền thống sang hình thái KCN thông minh bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước và bối cảnh chuyển đổi xanh hướng đến Netzero của thế giới.
Theo ông Nguyễn Chí Toàn - Phó Chủ tịch VIREA, Diễn đàn KCN lần này tập trung rất nhiều đơn vị phát triển hạ tầng KCN quy mô lớn và chuyên nghiệp trên cả nước, thu hút hàng trăm khách mời là 300 lãnh đạo cấp cao của các chủ đầu tư, lãnh đạo KCN, nhà cung cấp, trường đại học... và 35 diễn giả uy tín.
Thông tin của Diễn đàn KCN Việt Nam năm 2024 được truyền thông trực tiếp đến 400 KCN, 1.000 cụm công nghiệp trong cả nước, 50 tổ chức hiệp hội doanh nghiệp với hơn 1.000 doanh nghiệp liên quan.
Sau hơn 30 năm kể từ khi ban hành Quy chế khu chế xuất (năm 1991), Quy chế khu công nghiệp (năm 1994), các Quyết định thí điểm thành lập khu kinh tế cửa khẩu (năm 1996) và khu kinh tế ven biển (năm 2003), Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng phát triển KCN, khu kinh tế (KKT). Kết quả phát triển KCN, KKT về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đặt ra về mục tiêu thu hút vốn, phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, thúc đẩy xuất khẩu... mặc dù mức độ đạt được của các mục tiêu này có khác nhau.
Tính đến hết tháng 12/2022, KCN, KKT đã thu hút được gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ đô la Mỹ, giải quyết việc làm cho hơn 3,9 triệu lao động và giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong KCN, KKT chiếm khoảng 50% giá trị kim ngạch xuất của cả nước hàng năm.
Mô hình KCN, KKT đã khẳng định vị trí ngày càng quan trọng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; là giải pháp để thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc phát triển KCN, KKT thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế như: Chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu; loại hình phát triển của các KCN, KKT chậm được đổi mới; KCN, KKT phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội; hiệu quả sử dụng đất tại KCN, KKT chưa cao...
Trước những tồn tại hiện nay của các KCN,KKT, Diễn đàn khu công nghiệp Việt Nam năm 2024 tập trung trao đổi thảo luận các nội dung chính: Chính sách pháp luật phát triển KCN; Chuyển đổi xây dựng hạ tầng KCN thế hệ mới, thông minh và phát triển bền vững; Nâng cao năng lực cạnh tranh và xúc tiến đầu tư, định vị thương hiệu KCN Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình; thực hành ESG trong các Khu công nghiệp, kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai; Phát triển logistics xanh trong chuyển đổi khu công nghiệp thế hệ mới...
Với tư cách là đại diện của các đơn vị Amata tại Việt Nam, ông Surakij Kiatthanakorn - Tổng Giám đốc CTCP đô thị Amata Biên Hòa đánh giá cao sự kiện quan trọng này: “Chúng tôi mạnh mẽ ủng hộ việc tăng cường hỗ trợ, đặc biệt là dưới hình thức các chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi của chúng tôi sang kỷ nguyên mới của Khu công nghiệp sinh thái (Eco-IP). Chúng tôi đang tích cực hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tổ chức quốc tế để thiết lập một mô hình Eco-IP chuẩn hóa cho Việt Nam”.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển KCN bền vững, ông Tạ Quốc Dũng - Tổng Giám đốc CTCP Phát triển hạ tầng KCN Tây Ninh, KCN Trảng Bàng cho biết: "KCN Trảng Bàng là một trong những KCN đang tham gia vào Chương trình Phát triển bền vững KCN do Tổ chức IDH triển khai. Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia của IDH, bao gồm các hoạt động thiết thực như đào tạo về giảm thiểu và loại bỏ xả thải hóa chất độc hại ra môi trường, kiểm toán năng lượng và xây dựng lộ trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, cũng như hỗ trợ nâng cao minh bạch thông tin môi trường theo đúng các quy định pháp luật hiện hành”.
Được biết Tổ chức IDH (Hà Lan) là tổ chức phi lợi nhuận, hỗ trợ tăng cường hoạt động thương mại bền vững thông qua kết nối các công ty tư nhân, tổ chức xã hội dân sự, chính phủ các nước, các tổ chức nghiên cứu và các bên liên quan, tập trung giải quyết các vấn đề bền vững của một số ngành hàng nhằm gắn kết các thị trường trong nước và quốc tế, tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng.
VIREA - Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam - là một tổ chức xã hội, nghề nghiệp của các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KCN, cụm công nghiệp (CCN) và các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm BĐS công nghiệp khác trong và ngoài các KCN, CCN, logistics... và các tổ chức tài chính hỗ trợ liên quan đến BĐS công nghiệp.
Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam - VIZ là đơn vị xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp, với sứ mệnh thúc đẩy phát triển hệ thống khu công nghiệp thông minh, bền vững và thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao vào Việt Nam. Với hơn 15 năm kinh nghiệm, VIZ đã xây dựng một mạng lưới kết nối mạnh mẽ giữa các khu công nghiệp, nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước.
- Xanh hóa khu công nghiệp để hấp dẫn dòng vốn FDI
- Hạ tầng Nam Định được phê duyệt xây khu công nghiệp hơn 1.600 tỷ đồng
- Xuất nhập khẩu Thăng Long được duyệt xây khu công nghiệp hơn 2.200 tỷ đồng ở Hà Tĩnh