ISSN-2815-5823

6 doanh nghiệp gọi vốn thành công tại Chương trình Doanh nhân Xã hội trẻ Toàn cầu

(KDPT) - 6 doanh nghiệp xã hội từ 5 quốc gia đã giành chiến thắng trong Chương trình Doanh nhân Xã hội trẻ (YSE) Toàn cầu năm nay do Quỹ Quốc tế Singapore (SIF) tổ chức. Đại diện cho các doanh nghiệp này là 15 thanh niên đến từ các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào và Singapore.
Sáu doanh nghiệp xã hội với 15 thí sinh đã giành chiến thắng tại sự kiện Gọi vốn vì Sự thay đổi của Chương trình Doanh nhân Xã hội trẻ Toàn cầu 2023
6 doanh nghiệp xã hội với 15 thí sinh đã giành chiến thắng tại sự kiện Gọi vốn vì Sự thay đổi của Chương trình Doanh nhân Xã hội trẻ Toàn cầu 2023

Tại chương trình năm nay, các doanh nghiệp đã trình bày những ý tưởng kinh doanh thuyết phục nhất giải quyết được các vấn đề xã hội và môi trường, bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, bảo tồn nguồn nước, cung cấp kỹ năng và công nghệ cho các cộng đồng chưa được quan tâm và trao quyền cho phụ nữ.

Trong lịch sử suốt 14 năm tổ chức, Chương trình YSE Toàn cầu 2023 là chương trình nhận được sự hỗ trợ cao nhất từ các cố vấn.

82 cố vấn tình nguyện đã dành hơn 330 giờ làm việc với các đội thi của chương trình năm nay, dành nhiều hơn 32% số giờ so với chương trình năm ngoái.

Từ Hội thảo YSE Toàn cầu 2023 tổ chức từ ngày 7/6 đến ngày 10/6, các đội thi bắt đầu nhận được sự hỗ trợ từ các cố vấn. Các cố vấn gồm có các chuyên gia kinh doanh và các doanh nhân xã hội đã thành danh đã giúp 46 đội thi củng cố các nguyên tắc và chiến lược kinh doanh cơ bản của họ.

15 đội đã được lựa chọn tại Hội thảo để tham gia vào giai đoạn tiếp theo của chương trình và được làm việc trực tiếp với tối đa 3 cố vấn trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 10. Tham gia cố vấn là các chuyên gia tư vấn kinh doanh hàng đầu đến từ McKinsey & Company, Temasek International, Bain & Company và các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong ngành.

Trong giai đoạn này, các cố vấn tình nguyện đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn các đội thi điều hành một doanh nghiệp xã hội. Các cố vấn cũng giúp các đội chuẩn bị cho một sự kiện mang tên Gọi vốn vì Sự thay đổi (Pitching for Change), đây là sự kiện cuối cùng và kết thúc cho Chương trình YSE. Trong sự kiện này, các đội đã trình bày kế hoạch kinh doanh hoàn thiện của mình trước Ban giám khảo để giành được khoản tài trợ từ chương trình.

Bà Mahdiyyah Ardhina, thành viên của đội Rumah Briket tham gia chương trình từ Indonesia, cho biết: “Đối với đội của chúng tôi, YSE là một chương trình đào tạo chuyên sâu vì chúng tôi vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Chúng tôi cảm ơn các vị cố vấn vì đã chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn hỗ trợ. Những chia sẻ của họ là điều vô giá dành cho chúng tôi trong suốt mấy tháng qua. Các cố vấn đã truyền đạt những kiến thức quan trọng dựa trên nhiều năm kinh nghiệm chuyên môn và đưa ra những góc nhìn mới mẻ cho kế hoạch kinh doanh của chúng tôi”. Đội Rumah Briket đã tạo ra một giải pháp không rác thải để xử lý rác hữu cơ và phi hữu cơ, đồng thời chuyển đổi rác thải này thành than bánh và gạch lát đường.

TS. Yoke Pean Thye, đồng sáng lập của WISE, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động hướng tới một Đông Nam Á bền vững và công bằng, đồng thời là cố vấn của đội Rumah Briket chia sẻ: “Tôi rất hân hạnh được hỗ trợ đội Rumah Briket. Cá nhân tôi đã học hỏi được nhiều điều từ hội thảo của Chương trình YSE tại khu vực vài năm trước đây, tôi rất biết ơn vì có cơ hội được đền đáp và hỗ trợ các thí sinh của Rumah Briket xem xét và hoàn thiện mô hình kinh doanh của họ. Tôi rất phấn khởi và được truyền cảm hứng từ niềm đam mê của họ trong mục tiêu giải quyết khủng hoảng quản lý chất thải ở Indonesia, sự cống hiến mà họ dành cho doanh nghiệp của mình và mang lại lợi ích cho cộng đồng, cũng như động lực học hỏi và thử thách bản thân”.

TS. Yoke Pean Thye cũng khuyến khích các chuyên gia đăng ký để trở thành cố vấn cho Chương trình YSE Toàn cầu. Tiến sĩ chia sẻ thêm: "Đây sẽ là một trải nghiệm đầy ý nghĩa cho những ai có mong muốn chia sẻ kinh nghiệm của họ với thế hệ trẻ đang trên hành trình khám phá các tác động xã hội".

Ông Lian Wee Cheow, Phó Chủ tịch SIF kiêm Giám khảo chính của Chương trình YSE Toàn cầu 2023 cho biết: “Hoạt động cố vấn là một phần quan trọng của chương trình. Các cố vấn của chúng tôi là những chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm, đã cam kết dành thời gian chia sẻ chuyên môn và mạng lưới của họ với những người trẻ đang tạo ra sự thay đổi đầy tham vọng. Những chia sẻ từ các cố vấn đã mở ra những chân trời mới cho các thí sinh tham gia chương trình, những người đang ở giai đoạn nền móng của hành trình trở thành một doanh nhân xã hội”.

Ông Lian Wee Cheow chia sẻ thêm: “Kể từ năm 2010, YSE Toàn cầu đã nuôi dưỡng một mạng lưới ngày càng phát triển. Mạng lưới này hiện nay gồm có hơn 1.400 thanh niên thuộc 43 quốc tịch, đại diện cho 674 doanh nghiệp xã hội. Qua chương trình cố vấn, các buổi hội thảo nâng cao năng lực và các cơ hội học tập mang tính khu vực, YSE đang hỗ trợ các doanh nhân xã hội trẻ khởi tạo hành trình của họ”.

Các đội thi giành chiến thắng được công bố tại sự kiện YSE Toàn cầu 2023 - Gọi vốn vì Sự thay đổi

6 trong số 15 đội thi lọt vào danh sách rút gọn đã giành chiến thắng tại sự kiện Gọi vốn vì Sự thay đổi diễn ra trực tuyến vào ngày 17/11 vừa qua. Các đội thi được chọn dựa trên các tiêu chí đánh giá về khả năng tác động và mở rộng được ý tưởng kinh doanh cũng như mức độ cam kết của họ. 6 đội thi sau đã giành chiến thắng:

  1. Anubhuti Samiti (Ấn Độ)
  2. China House (Trung Quốc)
  3. HomePal (Singapore và Trung Quốc)
  4. LeLao (Lào)
  5. ReservoAir (Indonesia)
  6. Rumah Briket (Indonesia)

Mỗi đội chiến thắng đã được trao khoản tài trợ lên tới 20.000 đô la Singapore để khởi động hoặc mở rộng quy mô doanh nghiệp xã hội của họ. Ban tổ chức sẽ chỉ định một cố vấn cho mỗi đội để hướng dẫn họ cách sử dụng nguồn vốn và hỗ trợ sự phát triển của họ trong khoảng thời gian 18 tháng tới.

Ông Eric Chua, Thư ký Quốc hội cấp cao, Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore, và Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội, là khách mời danh dự tại sự kiện này. Trong bài phát biểu của mình, ông hoan nghênh quyết tâm của các đội trong việc giải quyết những vấn đề khó khăn bằng tinh thần sáng tạo và kiên cường.

Ông Eric Chua chia sẻ: “Những đội thi theo đuổi các mục tiêu xã hội mà họ quan tâm sâu sắc. Họ đã trình bày một loạt các ý tưởng thú vị - từ khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, đến các biện pháp thực thi phát triển bền vững, công bằng giáo dục và hỗ trợ cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. Nhiều đội thi đã nhiệt tình chia sẻ về việc tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trong xã hội. Tôi ngưỡng mộ sự đam mê phục vụ cộng đồng của họ, cũng như sự cống hiến của họ trong việc nhìn xa hơn những nhu cầu trước mắt để mang tới giải pháp đổi mới cho cộng đồng rộng lớn hơn. Đây không phải là một mục tiêu dễ dàng”.

Ông Lai Hoi Bing, người đồng sáng lập đến từ Singapore của đội thi Homepal cho biết: “Chương trình YSE Toàn cầu là một trải nghiệm tích cực, phong phú và vô cùng độc đáo. Các buổi tư vấn kinh doanh và hội thảo đào tạo đã cung cấp cho đội chúng tôi những kỹ năng và kiến thức liên quan, như việc sử dụng công cụ mô hình kinh doanh canvas cho doanh nghiệp xã hội để tinh chỉnh chiến lược tiếp cận thị trường và tính toán tác động xã hội. Chúng tôi hy vọng có thể áp dụng những bài học mới này để đưa doanh nghiệp xã hội của mình lên một tầm cao mới. Chúng tôi mong muốn mở rộng quy mô doanh nghiệp của mình với khoản tài trợ này.” HomePal là một doanh nghiệp xã hội đến từ Singapore và Trung Quốc, hỗ trợ người cao tuổi thông qua việc phát triển hệ thống Internet Vạn Vật (Internet of Things) bằng cách sử dụng các giải pháp giám sát và an toàn đảm bảo quyền riêng tư tại nhà.

Bà Manithip Vongphachanh, người đồng sáng lập của đội thi LeLao đến từ Lào, được truyền cảm hứng từ các đội thi khác tại YSE Toàn cầu: “Chương trình đã mang tới một mạng lưới toàn cầu gồm những cá nhân có chung chí hướng, những người đang làm những công việc tuyệt vời để tạo ra sự thay đổi tích cực cho xã hội. Trải nghiệm đáng nhớ nhất đối với tôi khi tham gia chương trình là khi chúng tôi trao đổi ý tưởng và tìm hiểu những thông tin mới về cộng đồng địa phương. Tôi cảm thấy bớt cô đơn hơn và được truyền cảm hứng để tiếp tục theo đuổi mục tiêu trao quyền cho những cộng đồng dễ bị tổn thương thông qua thời trang bền vững”. LeLao đang sản xuất các sản phẩm thời trang bền vững tái chế từ rác thải vải ở mức giá phải chăng. Các sản phẩm của doanh nghiệp xã hội này được thiết kế để giới thiệu di sản văn hóa phong phú của Lào.

Chương trình YSE Toàn cầu theo đuổi mục tiêu truyền cảm hứng, trang bị và tạo điều kiện cho thanh niên thuộc các quốc tịch khác nhau khởi động hoặc mở rộng quy mô doanh nghiệp xã hội của họ ở Singapore và các khu vực khác. Các hoạt động của chương trình được cập nhật liên tục trên mạng xã hội qua hashtag #sifyse./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024